'Cơn sốt vàng' mới ở Mỹ với khí hóa lỏng
Một "cơn sốt vàng" thời hiện đại đang làm rung chuyển trung tâm năng lượng ở Port Arthur, với sức hút từ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) - nguồn năng lượng hydrocacbon mới nhất.
- 02-07-2023Khủng hoảng năng lượng đã qua, vì sao Trung Quốc vẫn 'điên cuồng' mua LNG?
- 23-06-2023'Né' khí đốt của Nga, quốc gia giàu nhất châu Âu giờ đây lại phụ thuộc vào LNG nhập khẩu từ nước mà 'ai cũng biết là ai'
- 22-05-2023Cuộc đua giành hợp đồng LNG dài hạn của châu Á: giá có thể tăng đột biến do các tay to 'om hàng'
- 04-05-2023Nguy cơ biến động giá LNG trong năm 2023 - giá gas trong nước hiện diễn biến ra sao?
Không khí nặng nề, ẩm ướt ở vùng đồng bằng đầm lầy giữa Texas và Louisiana như mời gọi sự lười biếng. Nhưng đó là một tội lỗi khó phạm phải ở Port Arthur, một trong những vùng đất quan trọng của ngành năng lượng Mỹ. Thị trấn này đang truyền tải bầu không khí của một thành phố mới vùng biên giới: máy ủi, cần cẩu, toàn bộ khu phố hoàn toàn mới, trường học sẽ được xây dựng, cơ sở hạ tầng trên đường hình thành. Cơ hội việc làm là vô tận. Dòng người lao động mới đã làm cạn kiệt nhà ở có sẵn, và những ngôi nhà tiền chế đang hút khách. Một "cơn sốt vàng" hiện đại đã làm rung chuyển trung tâm năng lượng này, với sức hút từ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), nguồn năng lượng mới nhất trong lĩnh vực hydrocacbon.
Thẩm phán quận Jeff Brannick cho biết: “LNG là một trụ cột cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế của chúng ta. Với việc mở rộng các nhà máy, ngành công nghiệp hóa chất của chúng tôi hiện có 36 thương hiệu cung cấp sản phẩm cho gần như toàn bộ khu vực tiêu dùng của Mỹ.”
Cho đến 10 năm trước, ngành công nghiệp này hầu như không tồn tại ở Mỹ. Chỉ khi những tiến bộ công nghệ cho phép khai thác trữ lượng khí đá phiến dồi dào ở Texas thì Mỹ mới trở thành nhà sản xuất LNG. Hiện có bảy nhà máy hóa lỏng lớn, xuất khẩu 13 tỷ feet khối mỗi ngày. Năm nay, Mỹ sẽ vượt qua Australia và Qatar để trở thành nhà cung cấp lớn nhất thế giới. Và, với hàng loạt dự án mới đang được triển khai, họ có kế hoạch khẳng định mình ở vị trí dẫn đầu, với lợi thế ngày càng tăng so với các đối thủ.
Hoạt động kinh doanh LNG, một phương thức đóng băng khí tự nhiên để hóa lỏng và cho phép vận chuyển bằng tàu, đã bùng nổ trên khắp hành tinh. Năm ngoái, với mức giá cao ngất, 409 triệu tấn LNG đã được nhập khẩu, so với 386,5 triệu tấn vào năm 2021.
Cuộc xung đột ở Ukraine là yếu tố chính. Mất nguồn khí đốt giá rẻ quen thuộc của Nga, châu Âu bắt đầu mua LNG. Họ trở thành nhà nhập khẩu chính của thế giới: 40% lượng khí đốt mà châu Âu tiêu thụ vào năm 2022 là LNG, được vận chuyển bằng tàu biển.
LNG là loại hàng hóa đắt tiền, phức tạp về mặt hậu cần và có hại cho môi trường. Nhưng những người bảo vệ nó lập luận rằng việc phân phối mặt hàng này ít chịu biến động địa chính trị, ít nhất là đối với phương Tây: Tổng thống Mỹ Joe Biden đảm bảo nguồn cung cho EU và Anh. Hơn nữa, những người ủng hộ LNG lập luận, khí đốt là một quân bài tốt khi thế giới đi trên con đường dài để thay đổi năng lượng với mục tiêu trung hòa carbon.
Corey Grindal, Giám đốc điều hành của Cheniere, nhà sản xuất LNG chính của Mỹ, tự hào: “Đó là giải pháp hoàn hảo vì nó sạch và tính khả dụng có thể được tăng hoặc giảm nhanh chóng khi cần thiết, điều mà năng lượng tái tạo phụ thuộc vào thời tiết không thể thực hiện dễ dàng".
Các chuyên gia dự đoán, nhu cầu đối với LNG sẽ tiếp tục tăng, được thúc đẩy bởi mức giá vừa phải hơn trong năm nay, một châu Âu vẫn cần nguồn năng lượng này và một châu Á có hoạt động kinh tế đang phục hồi.
Tham vọng của Mỹ thể hiện rõ ràng ở cả trong và xung quanh Port Arthur, một trong những trung tâm sản xuất LNG lớn nhất của nước này và là địa điểm quan trọng cho khát vọng đi đầu của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất LNG. GoldenPass, một liên doanh giữa Mỹ và Qatar sẽ sản xuất 18 triệu tấn khí đốt mỗi năm bắt đầu từ năm tới.
Chỉ cách đó vài dặm, Sabine Pass là tuyến đường thủy quan trọng, một lối thoát tự nhiên của Hồ Sabine vào Vịnh Mexico. Một con tàu mang tên Pavillion Aranda đổ đầy khí hóa lỏng vào các bể chứa. Một chiếc khác, Esther Spirit, hướng ra biển với lượng hàng hóa nhiều nhất mà độ sâu của kênh cho phép. Theo số liệu của cảng vụ, hàng năm, có 1.830 lượt tàu chở LNG đi qua kênh này. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, mỗi tàu này có thể đáp ứng nhu cầu sưởi ấm của 43.000 hộ gia đình trong một năm.
Hoạt động đầu tư ngày càng tăng
Sabine Pass là nơi có nhà máy sản xuất LNG lớn nhất Mỹ và lớn thứ hai trên thế giới. Một hệ thống khổng lồ gồm 4 đường ống dẫn khí đốt và 6 đoàn tàu hóa lỏng, mỗi đường ống có kích thước bằng một nhà ga sân bay nhỏ và sản xuất tổng cộng 30 triệu tấn khí hóa lỏng mỗi năm. Cheniere, chủ sở hữu của nhà máy ở Sabine Pass, đã lên kế hoạch mở rộng để tăng sản lượng lên 50 triệu tấn vào năm 2029.
Đó chỉ là một trong những dự án mở rộng lớn mà ngành LNG đang lên kế hoạch ở Mỹ. Sempra Energy mong muốn xây dựng một nhà máy khác ở Port Arthur. Venture Global đã bật đèn xanh cho giai đoạn đầu tiên của cơ sở tại Plaquemines, Louisiana và đang tiến hành chuẩn bị cho giai đoạn thứ hai cho dự án 20 triệu tấn mỗi năm. Từ năm ngoái, các dự án có tổng giá trị 40 tỉ USD đã bước vào giai đoạn đầu tư cuối cùng. Đến năm 2027, sản lượng có thể tăng thêm 125 triệu tấn mỗi năm. Đó sẽ là một bước nhảy vọt 70% so với ngày hôm nay và chiếm khoảng 1/4 lượng tiêu thụ của EU vào năm 2022.
Tuy nhiên, không phải những gì lấp lánh đều là vàng. Một số tiếng nói đã yêu cầu thận trọng: không phải tất cả các dự án được đề xuất sẽ trở thành hiện thực. Một phần cơ bản của quy trình liên quan đến việc đạt được các hợp đồng mua bán khí đốt dài hạn - tối thiểu 15 đến 20 năm - cần thiết để đảm bảo khả năng tồn tại của các cơ sở mới.
Nhu cầu tương lai còn bất định
Một yếu tố rủi ro khác là nhu cầu LNG sẽ tăng trưởng dưới mức cung cấp khổng lồ đang trên đà phát triển mạnh. Ngoài Mỹ, Australia, Qatar và các quốc gia khác cũng thấy trước các khoản đầu tư khổng lồ vào LNG.
Theo Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), đến năm 2027, sẽ có thêm 80 triệu tấn mỗi năm được sản xuất trên toàn thế giới. IEEFA lưu ý: “Có những lý do quan trọng để nghĩ rằng thị trường toàn cầu có thể không thể hấp thụ nhiều nguồn cung một cách nhanh chóng như vậy”.
Tổ chức tư vấn đã chỉ ra rằng nhu cầu LNG quá mức của châu Âu có thể giảm trong những năm tới, dựa trên lộ trình chuyển đổi năng lượng buộc châu Âu phải giảm mức tiêu thụ khí đốt. Ở châu Á, biến động giá cả và thay đổi hợp đồng đã khiến các nước mới nổi như Pakistan và Bangladesh công bố các dự án phát điện mới sử dụng than đá, một loại nhiên liệu gây ô nhiễm hơn nhiều.
Tương lai nằm ở Châu Á
Về phần mình, ngành công nghiệp LNG Mỹ cho rằng lĩnh vực này vẫn còn một chặng đường dài phía trước, trong khi năng lượng tái tạo đạt đến độ chín muồi. Tương lai của LNG, họ nói, không phải ở châu Âu, mà là ở châu Á, nơi một nửa nhân loại sinh sống và nhu cầu năng lượng của họ sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần.
Chuyên gia Kenneth III tại Đại học Rice ở Houston cho biết: “Khí đốt tự nhiên có thể sẽ tiếp tục tồn tại trong hệ thống năng lượng trong nhiều thập kỷ".
Trong khi đó, tại Port Arthur, "cơn sốt" LNG vẫn tiếp tục. “Chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất. Bạn không thể chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch chỉ sau một đêm. Nó sẽ phụ thuộc vào thị trường và rõ ràng là các chính sách liên bang sẽ có tác động đến tốc độ chuyển đổi năng lượng được thực hiện. Nhưng để duy trì sức sống kinh tế của Mỹ và tiếp tục cung cấp cho các quốc gia khác, chúng tôi sẽ phải tiếp tục làm những gì chúng tôi đã làm trong một thời gian dài”, Thẩm phán Brannick nói.
Báo Tin Tức