Công ty xây dựng Central cho Coteccons, Ricons, Hòa Bình “hít khói”: Lợi nhuận 2022 tăng gấp đôi lên 233 tỷ đồng, EPS hơn 23.000 đồng
Nếu như mức lợi nhuận trên cổ phần (EPS) của CTD chỉ 280 đồng, của Ricons gần 2.600 đồng, HBC âm thì EPS của Central lên tới 23.311 đồng.
- 03-05-2023Buồn của Xây dựng Hòa Bình: Lỗ lũy kế vượt 1.100 tỷ đồng, không còn là đối thủ của Coteccons
- 01-04-2023Coteccons vượt Xây dựng Hoà Bình, lấy lại ngôi đầu bảng nhà thầu xây dựng 2023, hai đại diện thuộc ''đế chế'' mới của ông Nguyễn Bá Dương tiếp tục lọt top
- 01-08-2022Công ty Xây dựng Central dưới tay 'cựu tướng' Coteccons
Nhìn qua con số kinh doanh của 2 doanh nghiệp top đầu đang niêm yết trên sàn chứng khoán là Coteccons (CTD) và Hòa Bình (HBC), ngành xây dựng năm 2022 thể hiện một hoàn cảnh rất khó khăn. Nếu như Coteccons chỉ lãi vỏn vẹn 20 tỷ đồng thì Hòa Bình báo lỗ cả nghìn tỷ đồng, doanh thu không đạt kế hoạch.
Nhưng nếu nhìn ra ngoài sàn niêm yết, những tên tuổi mới nổi – được sinh ra từ “cái nôi” Coteccons thời ông Nguyễn Bá Dương – lại đang vượt lên rất mạnh mẽ.
Hồi cuối năm 2022, hệ sinh thái mới của ông Nguyễn Bá Dương gồm Newtecons, Ricons, BM Windows, Boho Décor, DB tuyên bố đạt doanh thu hơn 1 tỷ USD. Trong đó, riêng Newtecons cho biết đã đạt doanh thu 11.000 tỷ đồng – tăng gấp đôi năm trước, Ricons báo cáo doanh thu hơn 11.380 tỷ đồng – tăng 44%.
Cũng tăng phi mã là CTCP Xây dựng Central (Central) của ông Trần Quang Tuấn, lãnh đạo kỳ cựu gắn bó 14 năm với Coteccons ở vị trí Phó Tổng giám đốc. Năm 2017, ông Tuấn từ nhiệm và cùng một cộng sự khác tại Coteccons là ông Vũ Đức Tài sáng lập ra CTCP Xây dựng Central.
Từ khi thành lập đến nay, ông Tuấn giữ vai trò Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc còn ông Vũ Đức Tài làm Giám đốc điều hành. Central giữ nguyên mức vốn điều lệ 100 tỷ đồng, nhưng tài sản đã “phình” ra lên đến hơn 5.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022.
Theo thông tin chúng tôi có được, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của Central cho biết, doanh thu của công ty tăng gần 80%, đạt hơn 9.000 tỷ đồng. Con số này thấp hơn Coteccons, Hòa Bình, Newtecons, Ricons. Nhưng sang quý 1/2023, doanh thu của Central đạt 1.282 tỷ đồng, vượt qua Hòa Bình.
Đáng nói, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Central phải khiến cho các ông lớn trong top5 “hít khói” khi đạt 233 tỷ đồng – tăng gấp đôi năm 2021. Nếu như mức lợi nhuận trên cổ phần (EPS) của CTD chỉ 280 đồng, của Ricons gần 2.600 đồng, HBC âm thì EPS của Central lên tới 23.311 đồng.
Trong quý 1/2023, lợi nhuận sau thuế của Central đạt 33 tỷ đồng, vẫn cao hơn các doanh nghiệp còn lại.
Kết quả doanh thu cũng như lợi nhuận tăng vọt trong năm 2022 của Central có thể đến từ các dự án của Hòa Phát khi Central Cons thi công một số dự án lớn như nhà máy vỏ container, dự án Dung Quất 2; dự án của Vingroup, Masterise, Sơn Kim Land…
Thông tin trên fanpage của doanh nghiệp này cho hay, bắt đầu từ cuối tháng 4/2023, Central đã chính thức bàn giao 2 tòa tháp của dự án Sol Forest đến Chủ Đầu Tư Tập đoàn Ecopark. Tháng 5, đang hoàn tất các công tác hoàn thiện cho 99 căn shophouse, đồng thời thi công kết cấu phần thân khu khách sạn tại Khu Phức Hợp Vịnh Đầm Selavia - dự án trọng điểm của TTC Land. Tại đây, Central làm Tổng thầu thiết kế và thi công D&B 99 căn shophouse cao 5 tầng cùng trung tâm mua sắm, giải trí.
Trong khi đó, về con số lợi nhuận, những người trong ngành xây dựng cho rằng có thể Central xử lý được vấn đề về giá nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là giá thép thông qua việc đàm phán phần tăng giá với chủ đầu tư.
Tuy nhiên, trở lại với tổng tài sản của Central hơn 5.000 tỷ tại thời điểm cuối quý 1/2023 của Central, thì trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn là 3.613 tỷ đồng, chiếm 71% tổng tài sản. Tỷ lệ phải thu ngắn hạn so với tổng tài sản của Central chỉ kém Hòa Bình (72%) trong khi tỷ lệ này ở Coteccons là 56% và ở Ricons là 57%.
Nhịp sống thị trường