Cú điện thoại tha thiết của Thủ tướng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết tối 2/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp gọi điện thoại cho bà, liên quan đến dự án "Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh". Bà cho hay Thủ tướng tha thiết làm sao cố gắng để trình dự án luật ra Quốc hội.
- 20-09-2016Thi hành Luật Đầu tư: Các địa phương vào cuộc đua xử lý hồ sơ doanh nghiệp nhanh nhất
- 27-07-2016Luật còn nhiều kẽ hở, nhà đầu tư nước ngoài tự do chuyển nhượng dự án
- 27-07-2016‘Luật hở, nhà đầu tư Trung Quốc đang hưởng lợi’
Tuy chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhưng Chính phủ đã chủ động trình sang Quốc hội dự luật “một luật sửa nhiều luật”. Điều này cho thấy tinh thần khẩn trương, sốt ruột của Chính phủ trong việc tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng cho DN.
Giảm 49 ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Trong dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, việc sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định trong Luật Đầu tư 2014 được đặc biệt quan tâm. Bởi điều này liên quan trực tiếp đến quyền tự do kinh doanh của người dân, DN.
Theo đó, dự thảo Luật bãi bỏ 36 ngành, nghề không cần thiết phải quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; hợp nhất 25 ngành, nghề vào 7 ngành, nghề; chuẩn hóa tên gọi của 36 ngành, nghề và bổ sung 12 ngành, nghề.
DN cần một môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch. Ảnh: L.Bằng
Như vậy, tổng số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện còn 218 ngành, nghề (giảm 49 ngành, nghề so với Danh mục hiện hành).
Nếu so với dự thảo đã từng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến ban đầu, số ngành nghề kinh doanh bị bãi bỏ tại dự thảo luật trình ra Quốc hội ít hơn. Trước đó, Bộ KH-ĐT đề xuất bãi bỏ 50 ngành nghề, chuẩn hóa 29 ngành nghề và bổ sung 14 ngành nghề.
Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp lại có ý kiến khác và đề nghị cân nhắc, không bãi bỏ các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vừa mới được Chính phủ ban hành Nghị định, như Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, dịch vụ kiểm định xe cơ giới, dịch vụ sát hạch lái xe, dịch vụ ngân hàng mô,...
Ngoài ra, Hội đồng thẩm định đề nghị cân nhắc không bãi bỏ đối với một số ngành nghề có ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe, trật tự xã hội khác như kinh doanh trò chơi điện tử,...
Một luật sửa nhiều luật: Thận trọng
Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện chỉ là một trong nhiều nội dung Chính phủ muốn sửa đổi trong dự thảo luật này.
Tờ trình gửi Quốc hội ngày 29/9 của Chính phủ nêu rõ: Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan trực tiếp đến đầu tư, kinh doanh được quy định tại 12 Luật hiện hành, bao gồm: Luật đầu tư; Luật doanh nghiệp; Luật đất đai; Luật xây dựng; Luật bảo vệ môi trường; Luật quản lý thuế; Luật quảng cáo; Luật nhà ở; Luật khoáng sản; Luật điện ảnh; Luật đấu thầu; Luật quy hoạch đô thị.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả, Luật này chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung thật sự cần thiết, cấp bách, tập trung vào 3 nhóm quy định, gồm: ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và các quy định có liên quan; thủ tục hành chính đang gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh; các quy định chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Phát biểu khai mạc phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 3/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết tối 2/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp gọi điện thoại cho bà, liên quan đến dự án luật này.
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng tha thiết làm sao cố gắng để trình dự án luật ra Quốc hội, nhưng với tình hình hiện tại thì Ủy ban Thường vụ chưa có đủ điều kiện để cho ý kiến vào phiên họp này.
Một trong những lý do là hồ sơ dự án luật này cũng mới chỉ gửi sang cơ quan thẩm tra chiều 29/9 vừa qua. Với một dự luật phức tạp liên quan đến nhiều luật khác, thời gian như vậy là rất gấp. Dù vậy, Chủ tịch Quốc hội vẫn đề nghị các ủy ban có trách nhiệm thẩm tra xem lại. Nếu đảm bảo chất lượng thì Thường vụ Quốc hội sẽ cố gắng cho ý kiến xem có thể trình Quốc hội hay không vào đợt hai của phiên họp này (vào ngày 17/10).
Thực tế, bãi bỏ giấy phép con, xóa bỏ rào cản, tạo điều kiện môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho người dân, DN là một trong nhiều cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ những ngày đầu.
Ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh, nhưng tiến sĩ Võ Trí Hảo, Khoa Luật, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, việc thận trọng trong rà soát, thẩm định dự án luật này là rất quan trọng.
“7.000 giấy phép sinh sôi từ đâu? Từ sự chung chung của các đạo luật, từ các lỗ hổng, khe hở, điềm mù mờ mà cơ quan soạn thảo đã cố tình cài cắm sẵn từ trong các dự thảo luật. Vì thế ông Hảo cảnh báo cần tránh tình trạng, 'Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh' lại có thể tạo điều kiện cho 70.000 giấy phép con thế hệ 3 tinh vi hơn ra đời”.
Vietnamnet