Cuộc chiến giữa Mark Zuckerberg - Elon Musk: Mèo nào cắn mỉu nào?
Trước khi chứng kiến một cuộc so găng trên võ đài, Mark Zuckerberg đã "ra đòn" với Elon Musk khi tung ra ứng dụng Threads để cạnh tranh với Twitter.
- 17-07-2023Microsoft đổi font chữ mặc định cho các ứng dụng Office sau 16 năm sử dụng Calibri
- 17-07-2023Lượng người dùng mạng xã hội mới Threads sụt giảm nhanh chóng
- 17-07-2023Elon Musk - Mark Zuckerberg: Cạnh tranh không hồi kết
Cuộc chiến giữa Mark Zuckerberg - Elon Musk- Mèo nào cắn mỉu nào- - VTV.VN
Cuộc chiến của 2 tỷ phú công nghệ
Cuộc chiến tay đôi giữa Elon Musk và Mark Zuckerberg chưa biết bao giờ mới diễn ra, nhưng hai nền tảng thuộc sở hữu của 2 vị tỷ phú này đã có một màn so găng kịch tính. Ứng dụng Threads, nằm trong hệ sinh thái của Meta, đạt cột mốc 100 triệu người dùng chỉ trong vòng chưa đầy một tuần trình làng.
Và ngay lập tức đã soán ngôi ChatGPT để trở thành nền tảng trực tuyến có số lượt đăng ký nhanh nhất đạt được cột mốc quan trọng này. Theo thống kê của Sensor Tower, một số dịch vụ nổi tiếng như TikTok cần 9 tháng, Instagram mất 2 năm rưỡi, Google Translate còn mất tận hơn 6 năm để đạt cột mốc này.
Ứng dụng Threads đạt mốc 100 triệu người dùng chỉ trong vòng chưa đầy một tuần trình làng
Trải nghiệm ban đầu về hình thức thì Threads có nhiều điểm tương đồng như Twitter. Song đi sâu vào trải nghiệm, Threads đang cố gắng vượt qua hạn chế của Twitter. Ví dụ Twitter chỉ cho viết tối đa 280 ký tự 1 lần tweet, thì Threads cho tới 500 ký tự. Twitter chỉ cho đăng video dài hơn 2 phút thì đối thủ mới cho đăng tới 5 phút. Hay chỉ cần có tài khoản Instagram là có ngay tài khoản Threads…
Nói chung là vượt về một số điểm mang tính kỹ thuật. Nhưng về quản trị nội dung thì Twitter đang có lợi thế hơn khi đẩy tin tức nóng, hấp dẫn lên trên, giúp người xem tiện theo dõi hơn. Threads chưa làm tốt được điều này.
Còn việc Threads có là bản "copy" của Twitter hay không thì phải chờ kết quả cáo buộc của Twitter xem sẽ đi về đâu.
Mặc dù chưa được xác nhận, nhưng nhiều người đánh giá rằng đây không phải là lần đầu tiên Meta có những bước đi giông giống với các đối thủ của mình. Bởi Meta vốn có lịch sử sao chép thành công các tính năng nổi bật của đối thủ cạnh tranh và phát hành các sản phẩm nhân bản trong đế chế truyền thông xã hội của riêng mình.
Như năm 2016, Instagram đã ra mắt tính năng đăng bài theo dạng tin Stories, sao chép một sản phẩm có trong Snapchat.
Và năm 2021, Meta tiếp tục tung ra tính năng cho phép người dùng tạo video ngắn Reels, cạnh tranh trực tiếp với TikTok. Theo Insider Intelligence, Meta vẫn đang tăng cường kiếm tiền từ Reels, nhưng Stories hiện chiếm hơn một phần tư doanh thu quảng cáo trên toàn thế giới của Instagram.
Và doanh thu quảng cáo cũng là một trong những cái đích lớn nhất Meta hướng đến, khi giới thiệu Threads.
Theo báo cáo mới nhất năm 2023 của trang web chuyên theo dõi các trang mạng xã hội bBankmycell, nền tảng Twitter có 556 triệu người dùng hàng tháng. Còn Instagram hiện có 500 triệu người dùng hàng ngày, và 2 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Nên nếu chỉ cần 25% người dùng Instagram sử dụng Threads là nó đạt quy mô tương đương Twitter rồi. Và chúng ta đều biết rằng những nhà quảng cáo sẽ đi theo nơi nào có nhiều người dùng
Sẽ không quá nếu nói Threads có những thế mạnh vượt trội, từ một hệ sinh thái vững chắc của Meta, cũng như danh sách dài các khách hàng quảng cáo, điều mà có lẽ Twitter chưa thể khai phá được trong suốt thời gian qua? Thế nên, nhiều chuyên gia công nghệ cũng đánh giá Threads có thể trở thành một mối đe dọa lớn với Twitter?
Threads có thể đe dọa Twitter?
Twitter dưới thời Elon Musk đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, từ làn sóng sa thải nhân sự, cho tới những quyết định gây tranh cãi. Các biện pháp hạn chế nội dung xem hàng ngày đối với các tài khoản không trả phí khiến nhiều người dùng bất bình.
Chưa kể, nỗi lo Twitter không gạn lọc tốt tin giả đã dẫn tới sự rút lui khỏi nền tảng của nhiều nhà quảng cáo lớn. Doanh thu quảng cáo của hãng từ mức 5,1 tỷ USD hồi năm 2021, dự kiến sẽ chỉ đạt 3 tỷ trong năm nay.
"Rõ ràng là mọi người đã nói về sự sụp đổ của Twitter trong nhiều tháng và đó có vẻ là một xu hướng bền vững, trên mọi khía cạnh. Tôi nghĩ tình hình vẫn sẽ tiếp tục xấu đi", ông Ben Zhao, Giáo sư khoa học máy tính, Đại học Chicago nhận định.
Trong khi các nền tảng như Mastodon, Bluesky chưa thể tạo ra mối đe dọa đáng kể với Twitter, Threads thực sự là một giải pháp thay thế với quy mô thương mại đủ lớn. Không chỉ lựa chọn chuẩn xác thời điểm ra mắt khi Twitter đang gặp khó khăn, Threads cũng được đánh giá cao nhờ cơ sở người dùng khổng lồ.
"Họ đã nhận ra rằng về cơ bản, có thể dịch chuyển lượng người dùng hiện tại ở Instagram sang dịch vụ mới này. Điều đó rất thông minh, bởi có thể tận dụng được cơ sở người dùng lớn, thay vì phải xây dựng lại từ đầu hệ sinh thái người dùng", ông Ramesh Srinivasan, Giáo sư nghiên cứu thông tin, Đại học California cho biết.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, thông thường người dùng đã quen với một nền tảng nào sẽ có xu hướng ở yên trên nền tảng đó do các mối quan hệ xã hội. Vì vậy, nếu có thể làm dịu làn sóng bất bình của người dùng trong thời gian gần đây, Twitter vẫn có thể duy trì được khả năng cạnh tranh của mình trước sự cạnh tranh quyết liệt từ Threads.
Threads đang đe dọa miếng bánh quảng cáo của Twitter
"Mọi thứ không phải là không thể đảo ngược. Vẫn có nhiều người thực sự yêu thích nền tảng của Twitter. Do đó, chỉ cần Elon Musk từ bỏ một số quyết định mang tính cá nhân, và đảo ngược các quyết định không phù hợp, rất nhiều người sẽ quay trở lại", ông Ben Zhao, Giáo sư khoa học máy tính, Đại học Chicago đánh giá.
Sự thành bại của một mạng xã hội sẽ nằm ở chỗ thu hút được bao nhiêu quảng cáo. Threads hiện vẫn chưa tính đến chuyện quảng cáo vào thời điểm hiện tại nhờ vào nguồn lực tài chính mạnh từ Meta. Tuy nhiên, với việc cả hai bên đều nhắm tới những đối tượng quảng cáo giống nhau, việc Threads đòi chia phần trong miếng bánh doanh thu quảng cáo của Twitter sẽ chỉ là chuyện sớm muộn.
Elon Musk phản công?
Trước mối đe dọa mới từ Meta, dĩ nhiên, Twitter và tỷ phú Elon Musk cũng không ngồi yên. Theo trang Semafor, luật sư đại diện của tỷ phú Musk cũng như Twitter, đã gửi một bức thư cáo buộc Meta "đánh cắp bí mật thương mại và sở hữu trí tuệ".
Theo các chuyên gia pháp lý, muốn cáo buộc Meta là ăn cắp bản quyền hay bí mật thương mại thì Twitter cần chứng minh nhiều thứ hơn là chỉ đưa ra một bức thư cáo buộc.
Ví dụ như phải chứng minh được là Meta thuê lại các kỹ sư nắm giữ bí mật thương mại của Twitter (cho dù Twitter đã sa thải hay họ tự nghỉ). Nhưng Meta cho biết, không ai trong đội kỹ sư của họ liên quan tới Twitter cả.
Nếu trường hợp này bị loại bỏ thì họ phải chứng minh bước 2. Đó là chứng minh họ đã nỗ lực để bảo vệ bí mật đó, hay các hệ thống an toàn đã bị đột nhập, bị phá vỡ cụ thể như thế nào?
Theo trang Semafor, luật sư đại diện của tỷ phú Musk cũng như Twitter, đã gửi một bức thư cáo buộc Meta "đánh cắp bí mật thương mại và sở hữu trí tuệ"
Elon Musk và Mark Zuckerberg rất công khai đối thủ cạnh tranh của mình, nhưng thực chất mối quan hệ giữa cả 2, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm phản ánh mối quan hệ trong giới công nghệ Mỹ.
Nếu như trước kia các công ty công nghệ có mối quan hệ "frenemies- friend and enemy" (bạn bè và đối thủ). Nhưng dường như, giờ chỉ còn lại cái nhìn "enemy" (đối thủ) giữa các đối thủ dành cho nhau là nhiều.
Tất nhiên giờ chưa có gì là chắc chắn cả. Nhưng theo nhận định của Business Insider, "với lượng người dùng đổ xô về ngày một lớn, tỷ số hiện đang tạm thời là 1-0 nghiêng về Zuckerberg".
Và nếu Elon Musk không thể sớm đưa ra những biện pháp giúp Twitter quay trở lại thời hoàng kim, CEO Tesla sẽ là kẻ thất bại trong cuộc đấu trị giá hàng tỷ USD với nhà sáng lập Facebook. Còn về trận thách đấu tay bo giữa 2 vị tỷ phú này, tôi đoán chắc rất nhiều người đều đang mong trận đấu thế kỷ trong làng công nghệ thế giới sẽ thật sự xảy ra.
VTV