MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cưới tiến sĩ kinh tế, tôi sống trong ám ảnh nợ nần vì quan điểm tiền bạc “khó hiểu” của chồng: Lương không cao nhưng luôn muốn giải quyết mọi thứ nhanh chóng bằng tiền

24-06-2023 - 18:02 PM | Lifestyle

Cưới tiến sĩ kinh tế, tôi sống trong ám ảnh nợ nần vì quan điểm tiền bạc “khó hiểu” của chồng: Lương không cao nhưng luôn muốn giải quyết mọi thứ nhanh chóng bằng tiền

“Ngày 8, 10, 20, 27 hàng tháng là ngày trả nợ của chúng tôi. Nợ xe, nợ nhà, nợ sửa nhà… đè nặng lên vai. Hàng tháng, cứ lương về là 2 vợ chồng lại rút ngay lập tức để đi trả nợ, mãi vẫn chưa thấy ‘bờ’”, người phụ nữ Trung Quốc chia sẻ.

Nếu có thể giải quyết bằng tiền, chắc chắn sẽ rút ví

Ngày Lưu Hiểu Vân, 30 tuổi, sống tại tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) phát hiện ra mình có thai sinh đôi, cô và chồng có nhiều cảm xúc lẫn lộn. Khi khám sản khoa ở bệnh viện, Hiểu Vân đi nhầm vào một khu biệt lập trong bệnh viện có gắn biển VIP vô cùng khang trang và yên tĩnh.

Cô y tá tận tình giới thiệu về dịch vụ VIP giá 2999 NDT (gần 10 triệu đồng), không bao gồm phí khám thai, nhưng mỗi lần khám đều có y tá đặc biệt đi cùng. Ngoại trừ một số xét nghiệm phải xuống tầng dưới (nhưng không cần xếp hàng) thì các lần khám khác bác sĩ sẽ trực tiếp khám cho bệnh nhân tại khu VIP này.

Cô Lưu chần chừ vì cảm thấy tiếc tiền, không ngờ chồng cô là Trần Điền - một tiến sĩ kinh tế, người có 15 năm giao dịch chứng khoán, lại ngay lập tức rút ví mà không thương lượng thêm với cô.

Cưới tiến sĩ kinh tế, tôi sống trong ám ảnh nợ nần vì quan điểm tiền bạc “khó hiểu” của chồng: Lương không cao nhưng luôn muốn giải quyết mọi thứ nhanh chóng bằng tiền - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

“Mỗi lần chúng ta đến khám cũng phải mất ít nhất nửa ngày đến cả ngày, vừa nhiều khoản phí lại tốn thời gian của cả 2 vợ chồng. Nếu mua dịch vụ này, nếu anh bận em cũng có thể tự bắt taxi, không cần chờ đợi lâu mà khám được luôn, bác sĩ cũng khám chi tiết hơn”, Trần Điền  nói.

Lưu Hiểu Vân nghe chồng nói xong không chút cảm động, ngược lại bực bội hơn. Chồng cô luôn cho rằng nếu có thể giải quyết bằng tiền thì mọi thứ không thành vấn đề, anh sẵn sàng chi. Nhưng trên thực tế, Trần Điền tiêu tiền như thể nhận lương cả triệu NDT/năm trong khi mức thu nhập anh chỉ khoảng 1/10. Đó là lý do gần 40 tuổi người đàn ông này không có 1 xu tiền tiết kiệm và gia đình họ luôn gặp phải vấn đề tài chính.

“Tiền hết có thể kiếm lại nhưng cơ hội thì không”

Theo Lưu Hiểu Vân, gia đình cô trong mặt người ngoài vô cùng đáng ngưỡng mộ: bố mẹ chồng là cán bộ công chức, vợ chồng đều có trình độ học vấn cao, chồng còn có bằng tiến sĩ. Ở thành phố nhỏ nơi họ sống, một gia đình như vậy có thể coi là hình mẫu lý tưởng. Chỉ người trong nhà mới cảm nhận được những sóng gió mỗi ngày, không lúc nào bình yên.

“Ngày 8, 10, 20, 27 hàng tháng là ngày trả nợ của chúng tôi. Nợ xe, nợ nhà, nợ sửa nhà… đè nặng lên vai. Hàng tháng, cứ lương về là 2 vợ chồng lại rút ngay lập tức để đi trả nợ, mãi vẫn chưa thấy ‘bờ’”, Lưu Hiểu Vân chia sẻ.

Cưới tiến sĩ kinh tế, tôi sống trong ám ảnh nợ nần vì quan điểm tiền bạc “khó hiểu” của chồng: Lương không cao nhưng luôn muốn giải quyết mọi thứ nhanh chóng bằng tiền - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Những khoản nợ này bắt nguồn từ thói quen tiêu dùng khác thường của Trần Điền. Người đàn ông này chưa bao giờ tin vào khái niệm tài chính cơ bản là tiết kiệm mà luôn tiêu hết số tiền mình có để đạt được mục đích, ngay cả khi phải đi vay. “Kinh tế học là kiến thức về việc chơi với tiền. Tiền hết có thể kiếm lại nhưng nếu bỏ lỡ cơ hội, bạn sẽ không lại lần nữa”, Trần Hiểu nói.

Tiến sĩ Trần có thể dùng 1 cái ví 10 năm, mặc chiếc áo khoác lông vũ 7 năm nhưng lại sẵn sàng quẹt thẻ tín dụng 30.000 NDT để đến Bắc Cực xem cực quang hiếm hay đưa bạn gái đi ăn nhà hàng 5 lần/tuần để tiết kiệm thời gian nấu nướng. Nhiều người tưởng Trần Điền kiếm được rất nhiều tiền nên mới chi tiêu “thoáng tay” như vậy.

Nhưng trên thực tế, anh chỉ làm một doanh nghiệp nhà nước, thu nhập sau gần 10 năm đi làm khoảng 100.000 NDT/năm (hơn 300 triệu đồng) còn Lưu Hiểu Vân làm quảng cáo lương tháng 3.000 NDT (gần 10 triệu đồng).

Cưới tiến sĩ kinh tế, tôi sống trong ám ảnh nợ nần vì quan điểm tiền bạc “khó hiểu” của chồng: Lương không cao nhưng luôn muốn giải quyết mọi thứ nhanh chóng bằng tiền - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

So với người địa phương họ cũng có điều kiện tài chính ở mức khá nhưng số nợ khiến cô Lưu lúc nào cũng “ngộp thở”. Hai vợ chồng cãi nhau nhiều lần, Trần Điền luôn cho rằng số nợ này chẳng là gì và khuyên vợ nên thư giãn khiến Hiểu Vân vô cùng bất lực.

“Muốn mua xe chồng tôi cũng chỉ xem video đêm nay rồi mai đến đại lý thanh toán trực tiếp luôn. Khi anh ấy nói thời gian là thứ quý giá nhất nên mới chốt sớm như vậy, tôi đã vô cùng ngạc nhiên vì tiền mua xe là phải đi vay, nói ra điều khi nãy thật đáng xấu hổ”, Lưu Hiểu Vân chia sẻ.

Bất đồng quan điểm tài chính - thử thách lớn trong hôn nhân gia đình

Theo khảo sát của tập đoàn dịch vụ tài chính đa quốc gia Fidelity, cứ 5 đôi vợ chồng thì có một cặp coi tiền bạc là rào cản lớn nhất trong cuộc sống hôn nhân. Một số phân tích của các nhà tâm lý học tại Đại học Denver (Mỹ) cho thấy chi tiêu phung phí là vấn đề phổ biến nhất mà các cặp vợ chồng gặp phải.

Trong một nghiên cứu của Đại học California-San Diego (Mỹ) công bố trên Tạp chí kinh tế năm 2021, vấn đề liên quan đến tiền bạc, cụ thể là rủi ro tài chính là vấn đề gây chia rẽ hàng đầu, dẫn đến khả năng ly hôn cao gấp đôi khi người vợ hoặc người chồng không đồng ý với cách tiêu tiền của đối phương. Nợ nần còn được ví như “căn bệnh ung thư trong hôn nhân”, khiến mức độ hài lòng của các cặp đôi thấp đi.

Theo Rachel Cruze, nhà văn người Mỹ chuyên viết về chủ đề tài chính cá nhân, từng có sách bán chạy nhất The New York Times vào năm 2014, có rất nhiều tác động tiêu cực cả sức khỏe như bệnh huyết áp, đau lưng, đau cơ và tinh thần khi vợ chồng không ngừng tranh cãi về tiền bạc.

Cưới tiến sĩ kinh tế, tôi sống trong ám ảnh nợ nần vì quan điểm tiền bạc “khó hiểu” của chồng: Lương không cao nhưng luôn muốn giải quyết mọi thứ nhanh chóng bằng tiền - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

“Về bản chất, tiền bạc dường như là vấn đề khiến các cặp đôi mâu thuẫn hơn cả công việc và ở rể. Một phần là do tiền đóng vai trò khác nhau trong cuộc sống mỗi cá nhân. Đối với một số người họ quan niệm tích tiền để có sự an toàn trong khi những người khác, tiền là để phiêu lưu và thỏa mãn tức thời”, PGS Jeffrey P. Dew, Đại học Brigham Young (Mỹ) cho biết.

Kitty Bressington, cố vấn tài chính cho Linden Financial Consultants ở New York (Mỹ) khuyên các cặp đôi nên dành thời gian mỗi tuần để nói chuyện về tài chính, ngân sách gia đình, lịch sử chi tiêu và đầu tư. Cuộc thảo luận nên đi từ mục tiêu ngắn hạn đến dài hạn, từ ngân sách 1 tuần đến kế hoạch 1 năm và quan trọng là tránh đổ lỗi cho đối phương về những lỗi chi tiêu trong quá khứ.

Cưới tiến sĩ kinh tế, tôi sống trong ám ảnh nợ nần vì quan điểm tiền bạc “khó hiểu” của chồng: Lương không cao nhưng luôn muốn giải quyết mọi thứ nhanh chóng bằng tiền - Ảnh 5.

Ảnh minh họa

“Hai người đến với nhau đã lớn lên theo những cách khác nhau, có những trải nghiệm khác nhau về tiền bạc, có những mục tiêu khác nhau khi sử dụng tiền. Phải mất rất nhiều thời gian để đi đến cùng một hướng, đi chậm cũng không sao. Nhưng sự kiên nhẫn và thấu hiểu về khác biệt tài chính chính là chìa khóa cho việc duy trì mối quan hệ”, Bressington nói.

Theo Toutiao, Reader's Digest

Kim Linh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên