Cường quốc châu Á đưa ra đề xuất quan trọng để "đặt chân" vào lĩnh vực hàng trăm tỷ USD ở Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông của Quốc gia này mong muốn sẽ được tham gia vào lĩnh vực phát triển chiến lược của Việt Nam.
- 18-07-2024Sau Trung Quốc, Nhật Bản, thêm một quốc gia châu Á muốn hợp tác với Việt Nam trong dự án đường sắt cao tốc 70 tỷ USD
- 17-07-2024Hạng mục cuối cùng bước vào giai đoạn hoàn tất, tuyến đường sắt hơn 43.700 tỷ đồng hé lộ thời điểm chính thức khai thác thương mại
- 17-07-2024Phó Thủ tướng: Quy hoạch mạng đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM phải có tầm nhìn trăm năm
Hàn Quốc chủ động đề xuất hợp tác đường sắt tốc độ cao với Việt Nam
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang mới đây đã dành thời gian tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MOLIT) Park Sang Woo về tăng cường hợp tác lĩnh vực GTVT, bao gồm đường sắt tốc độ cao.
Cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đã dành thời gian tiếp đoàn, Bộ trưởng Park Sang Woo đánh giá: Việt Nam là quốc gia đang có tốc độ phát triển rất cao. Lãnh đạo hai nước đã thống nhất tăng cường hợp tác, vì vậy, Hàn Quốc mong muốn có nhiều hợp tác cụ thể hơn nữa trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Bộ GTVT Việt Nam và Bộ MOLIT đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực giao thông, đây là cơ sở để hai bên có những hợp tác cụ thể. Bộ trưởng Park Sang Woo đề nghị tới đây hai Bộ có thể ký các MOU trong từng lĩnh vực như đường sắt, đường bộ, hàng không, hàng hải.
"Thông qua việc ký MOU, chúng tôi hy vọng hai bên sẽ có những bước tiến hợp tác thực chất. Trước mắt có thể ký MOU trong lĩnh vực đường sắt, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao", Bộ trưởng Park Sang Woo đề nghị.
Phía Hàn Quốc đề nghị phía Bộ GTVT Việt Nam đề xuất nội dung cụ thể như: Đào tạo huấn luyện cho kỹ sư, chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật, công nghệ, hai bên triển khai khảo sát tiền khả thi đối với một số dự án…
Đề nghị Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm làm hạ tầng đô thị
Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đánh giá cao sự phát triển của Hàn Quốc trong việc phát triển đô thị và giao thông đô thị, giao thông thông minh.
"Trong bối cảnh của Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển đô thị, đặc biệt là khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, sự chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc rất quan trọng. Việt Nam hy vọng sẽ học hỏi được từ Hàn Quốc từ những kinh nghiệm thành công và cả những bài học mà Hàn Quốc đã có", Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nói.
Trong lĩnh vực đường sắt, Thứ trưởng đề nghị Hàn Quốc chia sẻ những kinh nghiệm về đầu tư phát triển, khai thác hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao và hỗ trợ Việt Nam về tiếp nhận, làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao cũng như phát triển ngành công nghiệp đường sắt.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng mong muốn Hàn Quốc quan tâm hợp tác đầu tư đối với những dự án lớn của ngành hàng không, hàng hải như: Dự án xây dựng sân bay Long Thành, dự án xây dựng các cảng biển của Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ GTVT hoan nghênh Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập Quỹ thúc đẩy phát triển kinh tế (EDPF) nhằm phát triển các dự án cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển. Đây được đánh giá là một nguồn huy động vốn ODA thế hệ mới với mức ưu đãi cao, linh hoạt về điều kiện vay và không ràng buộc điều kiện trong quá trình đấu thầu.
Trên cơ sở biên bản hợp tác đã ký kết giữa hai Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất phía Hàn Quốc xem xét, tài trợ nguồn vốn EDPF nhằm triển khai một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trong thời gian tới như: Dự án xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ kết nối với Lào (QL12A, QL12C, QL15D, QL49).
Bộ GTVT hoan nghênh các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia vào các dự án giao thông thông minh tại các đường cao tốc của Việt Nam. Cùng đó, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về xe điện và các hạ tầng liên quan nhằm thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông, mục tiêu đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Hàn Quốc cũng là cường quốc đường sắt tốc độ cao ở châu Á
Là một trong những quốc gia sở hữu mạng đường sắt hiện đại hàng đầu tại khu vực Châu Á, Hàn Quốc hiện sở hữu 4.129 km đường sắt, trong đó có 2.606 km đường đôi và 2.963 km đường điện khí hóa. Chính phủ nước này đã thông qua Kế hoạch đường sắt 10 năm trị giá 100 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2031.
Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia đi đầu tại châu Á về phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao. Hàn Quốc cũng là một điển hình trong việc chuyển giao công nghệ và nội địa hóa ngành công nghiệp phục vụ hệ thống đường sắt tốc độ cao.
Chính phủ Hàn Quốc đang vận hành hệ thống đường sắt tốc độ cao - Korea Train Express (KTX) - thu về lợi nhuận rất cao dù giá vé rẻ.
Seoul bắt đầu sử dụng và tiếp thu công nghệ đường sắt cao tốc của Pháp từ năm 2004. Sau 12 năm, Hàn Quốc đang vận hành hệ thống đường sắt tốc độ cao - Korea Train Express (KTX), kết nối Thủ đô Seoul với các thành phố phía Nam như Busan và Gwangju.
Tàu chạy tốc độ lên tới 300km/h, phục vụ 176 nghìn hành khách/ngày và thu về lợi nhuận 700 tỉ won (580 triệu USD) trên doanh số 2 nghìn tỉ won vào năm 2015. Tàu cao tốc từ Seoul tới Busan mất khoảng 2h34 cho quãng đường 325km, với giá 59,8 nghìn won (tương đương 1,1 triệu VND).
Hiện nay, nước này đang đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ đường sắt cao tốc “cây nhà lá vườn”. Hàn Quốc cho rằng dù chưa thành tựu lớn trên thị trường nước ngoài nhưng sẽ đưa ra những điều khoản hấp dẫn như chuyển giao công nghệ để đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ đường sắt.
Quốc gia này hiện cũng đang triển khai dự án tàu điện ngầm cao tốc Great Train eXpress (GTX) trị giá 99,5 tỷ USD, cung cấp 6 tuyến tàu nối Seoul với các khu vực ngoại ô. GTX là một trong những hệ thống tàu điện ngầm nhanh nhất thế giới, tốc độ 180 km/h.
Lĩnh vực đường sắt hiện được Chính phủ Việt Nam đặc biệt ưu tiên phát triển, là lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay cũng như trong trương lai.
Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng thì nhu cầu vốn cho phát triển giao thông đường sắt của Việt Nam từ nay đến năm 2045 rất lớn với hàng loạt dự án trọng điểm.
Cụ thể, mạng lưới đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị của Hà Nội và TPHCM được quy hoạch theo tổng nhu cầu vốn xấp xỉ 4,8 triệu tỷ đồng (khoảng 188 tỷ USD), trong đó nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng.
Việt Nam cũng cần nâng cấp cải tạo 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài 2.440km; xây dựng 9 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài hơn 2.600 km, trong đó có đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dài 1.545km trị giá 70 tỷ USD, tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ dài trên 175km trị giá 8,57 tỷ USD…
Đời sống & pháp luật