MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại án OceanBank: “Sao kể về thành tích thì bị cáo nhớ tốt thế?”

07-03-2017 - 15:28 PM | Tài chính - ngân hàng

Nguyễn Xuân Sơn khoe các cổ đông rất trân trọng những đóng góp của mình và nói nhờ có mình mà OceanBank phát triển làm nức lòng các cổ đông. Điều này khiến HĐXX đặt câu hỏi: “Sao kể về thành tích thì bị cáo nhớ tốt thế?”

Tại phiên tòa xét xử vụ án OceanBank chiều 06/03, nguyên Tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn và Luật sư Nguyễn Minh Tâm, luật sư bào chữa cho Sơn, đã dành cho nhau những câu hỏi và trả lời làm nổi bật lên “thành tích” của bị cáo trong quá trình ngồi ghế Tổng giám đốc từ năm ngày 01/12/2008 đến 27/12/2010.

OceanBank đã “lột xác” ra sao?

Theo lời khai của Nguyễn Xuân Sơn, khi về OceanBank, bị cáo được phân công về công tác chiến lược, kế hoạch phát triển mạng lưới, phụ trách về quản trị rủi ro. Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bị cáo Sơn cho rằng bản thân đã góp công lớn giúp OceanBank từ một ngân hàng vô danh trở thành một thương hiệu uy tín.

Trước khi bị cáo sang Ngân hàng Đại Dương, đó chỉ là một ngân hàng nông thôn nhỏ và đang trong tình trạng mất thanh khoản. Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở công ty tài chính , bị cáo đã đề xuất một loạt các giải pháp để phát triển ngân hàng một cách bài bản, chiến lược rất rõ ràng. Đầu tiên là phải phát triển mạng lưới, thứ hai là thực hiện tất cả các dịch vụ của ngân hàng, chứ không phải chỉ đơn thuần huy động vốn và cho vay. Các dịch vụ mới như thanh toán, bảo lãnh,…

Bị cáo đã đề xuất một số chương trình và rất có hiệu quả như: Chương trình “Mỗi tuần một khách hàng tiềm năng”, cả hệ thống ngân hàng thực hiện chương trình hoạt động của ngân hàng và có phần thưởng khích lệ toàn bộ nhân viên cống hiến cho ngân hàng; Chương trình về hỗ trợ kinh doanh, duy trì và phát triển quan hệ khách hàng; rồi Chương trình “Khách hàng tiềm năng”; chương trình “Trả lương theo sản phẩm”, các cán bộ công nhân viên được khuyến khích làm việc và phát huy hiệu quả rất tốt”.

Đặc biệt, cựu TGĐ OceanBank cho rằng mình đã rất được lòng các cổ đông, những người sau nhiều năm góp vốn vào ngân hàng này nhưng không được nhận một đồng cổ tức:

Chỉ trong thời gian ngắn, uy tín và thương hiệu của Ngân hàng Đại Dương trên thị trường tài chính đã tăng lên. Khi dự Đại hội cổ đông, kết quả đạt được đã làm nức lòng các cổ đông của ngân hàng Đại Dương sau khoảng chục năm họ không được chia đồng lãi nào. Điều đó khiến các cổ đông rất trân trọng”.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm cũng cho rằng nội dung các chương trình do thân chủ của mình nghĩ ra đều phong phú và không thể hiện việc chi lãi ngoài, nhận định này được Sơn đồng tình:

Khi mới về, tôi có đặt vấn đề với anh Thắm (cựu Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm) về chiến lược chăm sóc khách hàng, trong đó phát triển quan hệ với khách hàng là điều cốt lõi của ngân hàng”.


Nguyễn Xuân Sơn (trái) đang trả lời các câu hỏi của Luật sư bào chữa cho mình chiều 06/03.

Nguyễn Xuân Sơn (trái) đang trả lời các câu hỏi của Luật sư bào chữa cho mình chiều 06/03.

“Cái gì đã là định nghĩa thì nó là định nghĩa”

Tuy nhiên, theo Cáo trạng của Viện KSND Tối cao, thực chất việc “chăm sóc khách hàng” này là chi lãi ngoài cho các khách hàng. Phản ứng về kết luận của Viện KSND Tối cao, Nguyễn Xuân Sơn nói:

“Về mặt khoa học, cái gì đã là định nghĩa thì nó là định nghĩa. Không thể nói việc chăm sóc khách hàng là chi lãi ngoài được. Đã có khái niệm, định nghĩa rõ ràng. Chăm sóc khách hàng là chương trình mà các doanh nghiệp trên cả thế giới người ta làm. Doanh nghiệp muốn phát triển thì phải marketing, tiếp thị và xây dựng hình ảnh, phải nói cho khách hàng biết là mình có được sản phẩm này”.

Nguyễn Xuân Sơn cũng tự nhận mình là “cha đẻ” của tấm thẻ mua xăng, cũng như có phát kiến giúp tiết kiệm cả trăm triệu USD cho khách hàng:

Chẳng hạn như có mỗi việc phát triển thẻ thanh toán tiền mua xăng, tôi đã nghĩ ra một chương trình phải làm thẻ để bán xăng mà muốn làm thẻ tôi đã mời lãnh đạo PVOil ra nước ngoài nghiên cứu các hãng xăng dầu nước ngoài người ta sử dụng cái thẻ như thế nào. Rồi đến Liên doanh dầu khí VietsoPetro, không chỉ mở tài khoản cho người Việt mà còn phải khiến người Nga phải sử dụng dịch vụ của mình. Rồi việc bảo lãnh giữa VietsoPetro và nhà máy lọc dầu đã giúp tiết kiệm rất khủng khiếp. Chỉ sau 45 ngày nhờ sự bảo lãnh của OceanBank mà các bên đã tiết kiệm được 100 triệu đồng.”

Trả lời câu hỏi của Luật sư Nguyễn Minh Tâm về những dịch vụ như thế có được OceanBank triển khai trước đó hay không, Nguyễn Xuân Sơn trả lời: “Trước khi bị cáo về thì OceanBank chỉ là ngân hàng bé, chỉ hoạt động trong việc huy động vốn rồi cho vay khách hàng. Chấm hết.”

Nguyễn Xuân Sơn khẳng định việc sang làm TGĐ OceanBank là “bất đắc dĩ mới phải sang” bởi trước đó bản thân nằm trong ban trù bị thành lập ngân hàng do PVN góp cổ phần chi phối. Công tác chuẩn bị kéo dài trong thời gian 3 năm nhưng khi đó Thủ tướng Chính phủ đã không đồng ý cấp phép thành lập ngân hàng mới nên phần lớn các thành viên trong ban trù bị này chuyển sang OceanBank, trong đó có Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu (nguyên TGĐ OceanBank), Nguyễn Xuân Thắng (nguyên PGĐ Khối nguồn vốn OceanBank). Trước đó, Nguyễn Xuân Sơn có 8 năm làm TGĐ Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC), và “vì là công ty làm ăn hiệu quả nên được chọn đứng đầu ban trù bị thành lập ngân hàng”.

Trước đó, trả lời các câu hỏi của HĐXX về trách nhiệm của cá nhân trong việc chi tiền lãi ngoài trong thời gian làm TGĐ OceanBank, Nguyễn Xuân Sơn liên tục trả lời “không biết” và “không nhớ”. Tuy nhiên, bị cáo lại kể vanh vách về các năm OceanBank có lãi và chia cổ tức. Điều này khiến HĐXX đặt câu hỏi: “Sao kể về thành tích thì bị cáo nhớ tốt thế?”

Nguyễn Xuân Sơn bị đề nghị với 2 tội danh: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 3 Điều 281 và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự.

Theo PV

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên