MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại án Phạm Công Danh và những chữ nếu đầy tiếc nuối

14-08-2016 - 16:25 PM | Tài chính - ngân hàng

Bỏ qua một bên chuyện đúng hay sai của các bị cáo vì đó là việc của Hội đồng xét xử nhưng đâu đó quanh những lời kêu oan là chữ nếu: Nếu ngân hàng Nhà nước vào cuộc từ đầu trong việc tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín thì có xảy ra những cơ sự như ngày hôm nay?

Vậy là, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và những sai phạm tại Ngân hàng VNCB đã quá 20 ngày, tức, nếu đúng theo lịch trình dự kiến thì đã quá được 2/3 chặng đường. Những gương mặt tham gia tòa dù với tư cách gì cũng đã thấm mệt. Đâu đó quanh ghế đá của tòa những giờ giải lao là những nhóm người ngồi lại với nhau, trong đó có không ít người là bị cáo của phiên tòa được tại ngoại.

Và vì, nếu ai tham dự tòa từ những ngày đầu, nghe lý lẽ biện minh của hàng loạt bị cáo sẽ thấy có không ít lời kêu oan. Đơn kêu oan, kêu xin tòa xem xét cũng đã được nhiều người gửi lên Hội đồng xét xử.

Vì bản thân nhiều bị cáo thấy oan nên đâu đó quanh tòa, người viết đã nghe những lời than vãn như: Sao Ngân hàng Nhà nước xử lý khó khăn ở VNCB như một phép màu như vậy mà không làm từ đầu, để những người như họ, có thể vì nhận thức chưa tới, có thể vì bị ép buộc, có thể vì kế mưu sinh….mà bị khởi tố. Dù chưa có kết quả cuối cùng của tòa nhưng dù là kết luận gì đi chăng nữa, trong cuộc đời của họ cũng đã từng một lần bị khởi tố, bị mang danh bị cáo.

Bỏ qua một bên chuyện đúng hay sai của các bị cáo vì đó là việc của Hội đồng xét xử nhưng đâu đó quanh những lời kêu oan là chữ nếu: Nếu ngân hàng vào cuộc từ đầu trong việc tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín thì có xảy ra những cơ sự như ngày hôm nay?

Thông tin từ các phiên tòa cho hay, ông Phạm Công Danh không hề có kiến thức về ngành ngân hàng nhưng đã một bước từ chủ doanh nghiệp lên làm chủ tịch ngân hàng. Mà ngân hàng, kể cả những người không chuyên mấy, cũng hiểu là ngành hết sức nhạy cảm, sai sót xảy ra thì sẽ ảnh hưởng đến không ít con người.

Lời khai của Phạm Công Danh cho rằng khi nhận thức được rõ tình trạng bê bết của ngân hàng thì chính ông, người đã bước một chân vào cuộc chơi tái cơ cấu ngân hàng, người đã bị mất ít nhất 500 tỷ cho người “làm mối”, người dám lao vào ngành ngân hàng dù trong đầu không có chút kiến thức gì…cũng đã biết sợ và đôi lần đề đạt muốn rút lui. Tiền túi của ông Phạm Công Danh từ trăm tỷ, nghìn tỷ này đến trăm tỷ, nghìn tỷ khác được đổ vào để sửa sai, để cứu một ngân hàng "rách nát" là tác phẩm của ban lãnh đạo cũ. Nhưng đáng tiếc, tiền như nước đổ đầu vịt khiến các vòng xoay tiền hàng chục nghìn tỷ đã được bộ máy của ông Phạm Công Danh xoay. Sai phạm xuất phát từ đó. Tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín khó đến nỗi ngân hàng nhà nước không làm từ đầu, trông chờ nguồn tiền từ tổ chức tư nhân thay vì dùng tiền Nhà nước.

Cũng phải nhớ lại ngân hàng trước thời ông Danh như thế nào. Theo nội dung của cáo trạng, kết luận thanh tra ngày 10/7/2012 của NHNN cho thấy, tại thời điểm thanh tra, vốn chủ sở hữu của ngân hàng bị âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061 tỷ đồng. Với con số lỗ như thế này cùng tình trạng thanh khoản khó khăn, việc tái cơ cấu Đại Tín là rất khó, theo lời khai của ông Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, việc trả lại đề án cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã được tính tới nhưng sau lời động viên của một cán bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì ông Danh đã tiếp tục làm.

Lỗ thời điểm ông Danh bước chân vào tái cơ cấu đã là khủng khiếp thì đến thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014) còn khủng khiếp hơn nhiều lần khi vốn chủ sở hữu ngân hàng âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255 tỷ đồng, tổng tài sản là 16.745 tỷ đồng. Tức, khó khăn gấp bội. Ấy thế nhưng, dưới cây đũa thần thần diệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì Ngân hàng Đại Tín, VNCB đã một bước chuyển mình từ “không thể cứu chữa” thành một ngân hàng khỏe mạnh, được cung cấp cả dịch vụ bảo lãnh bất động sản!

Thực tế, Ngân hàng Xây dựng (lúc này mang tên CB Bank) đã có những thay đổi khá ấn tượng kể từ khi thuộc sở hữu của Nhà nước. Từ một ngân hàng 0 đồng, mất thanh khoản vào tháng 3/2015, nhưng đến tháng 6/2016 ngân hàng đã đạt số dư huy động vốn đạt 29.552 tỷ đồng với doanh số huy động vốn tăng ròng trong 6 tháng đạt 2.497 tỷ đồng. CBBank cũng đã tiến hành xử lý nợ xấu tồn đọng cũ từ thời TrustBank với khởi đầu là việc khởi kiện Phương Trang để đòi 3.000 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, chỉ sau 120 ngày kể từ khi được mua lại giá 0 đồng, tháng 7/2015 đánh dấu sự trở lại đồng loạt các hoạt động kinh doanh của CBBank. Cho đến nay, ngân hàng đã được mở đầy đủ phạm vi hoạt động nghiệp vụ với tất cả các mảng hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đối với một ngân hàng thương mại như huy động vốn, sử dụng vốn, cấp tín dụng, trung gian tài chính, cho vay khách hàng cá nhân, bảo lãnh, phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ và đổi mới mạng lưới hoạt động...

Rõ ràng, nhìn vào Ngân hàng Xây dựng ngày hôm nay, không ai tin được chỉ mới hơn 1 năm trước, ngân hàng này còn thuộc diện bị kiểm soát đặc biệt, âm vốn hơn 24 nghìn tỷ và lỗ lũy kế tới hơn 27.000 tỷ.

Có cây đũa thần tốt thế, sao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không phù phép Đại Tín từ những ngày đầu để rồi, ông Phạm Công Danh- một người không có kiến thức tài chính ngân hàng phải dùng bằng giả để một bước lên chức Chủ tịch một ngân hàng thương mại? Mà cũng phải nói thêm, việc sử dụng bằng giả đã được Hội đồng xét xử đưa bằng chứng ra công khai trước tòa. Bằng thật, bằng giả có dễ tìm hiểu không mà sao việc kiểm tra hồ sơ tư cách lãnh đạo ngân hàng lại có thể được duyệt dễ dàng đến vậy? Sai sót của cá nhân này, nếu Ngân hàng Nhà nước kiểm tra và phát hiện ngay từ đầu thì có chuyện mua ngân hàng và vòng xoay tiền mấy chục nghìn tỷ loanh quanh một ngân hàng cạn kiệt thanh khoản có xảy ra?

Có ai đó cũng thầm đặt câu hỏi rằng: luật đã quy định rõ người mua cổ phần ngân hàng tái cơ cấu phải có tiền thật, không vay mượn, hợp pháp. Sao danh sách cổ đông trong đề án tái cơ cấu có hai mươi mấy con người thì có quá nửa là không có tiền mà lại lọt khỏi con mắt kiểm soát gắt gao của Ngân hàng Nhà nước?

Một vòng xoay mười mấy nghìn tỷ đồng, những khoản rút tiền mấy chục tỷ, những khoản cho vay mấy trăm tỷ mà công tác thẩm định thì chi nhánh đổ cho hội sở, hội sở đổ cho chi nhánh hay nói rõ hơn là ai cũng tưởng kẻ khác phải làm và hàng nghìn tỷ được cho vay ra một cách dễ dàng. Nhưng mà, sao ngân hàng nhà nước có tổ giám sát ngồi tại VNCB rồi mà "con voi" vẫn có thể chui lọt qua lỗ kim kiểm soát?

Một phiên tòa với 36 bị cáo, 36 số phận và con đường đi đến sai phạm khác nhau. Ai nhìn thấy một Phan Thành Mai học rộng, tài cao và luôn mồm nhận trách nhiệm thì cũng nhìn thấy một Nguyễn Thị Kim Vân, Vưu Thị Diệu khóc nức nở trước tòa, ở vị trí của bị cáo phiên tòa. Có ai quên được lời van xin của người mẹ trẻ một mình nuôi con và vì mưu sinh, vì tin và nhận thức không tới nên đã đặt bút ký vào những tờ đơn vay vốn, ủy nhiệm chi hàng trăm tỷ đồng.

Làm sai dù là cố tình, vô tình hay vì mưu sinh cũng đều sẽ phải trả giá trước pháp luật. Nếu những chứ nếu ở trên xảy ra, 36 gia đình, 36 số phận có đến mức phải lâm cảnh như bây giờ?

Huệ Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên