MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại án Trầm Bê: Giật mình với cách làm liều của ngân hàng

23-01-2018 - 15:10 PM | Tài chính - ngân hàng

Cựu Tổng giám đốc VNCB đã "phản pháo" số liệu mà Ngân hàng Xây dựng cung cấp, cho rằng không chính xác và đề nghị tòa xem xét.

Ngày 23-1, phiên xử vụ án tiêu cực xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) diễn ra phần tranh luận giữa luật sư với đại diện VKSND TP HCM thực hành quyền công tố tại tòa.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) tập trung làm rõ bối cảnh dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo này. Luật sư cho rằng bị cáo Mai chỉ là người làm công ăn lương, không lường trước được hậu quả.

Luật sư dẫn chứng bị cáo Mai là người giữ chức Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam (VNRea). Mai cũng được biết đến là người hồi đầu 2013 đã đưa ra kiến nghị cần phải có các chính sách hỗ trợ thị trường BĐS như: giảm lãi suất, phát triển nhà xã hội, hỗ trợ các dự án BĐS dở dang, giảm thuế cho DN... trong bối cảnh thị trường BĐS ở vào thời điểm rất khó khăn.

Đại án Trầm Bê: Giật mình với cách làm liều của ngân hàng - Ảnh 1.

Bị cáo Phan Thành Mai tại tòa


Qua đó, luật sư cho rằng nếu nói Mai cố ý làm trái để tư lợi cho cá nhân thì thật khó tin. Luật sư cũng chỉ ra Mai là người có nhân thân tốt, bố mẹ là giáo sư, giảng viên đại học nên đề nghị HĐXX xem xét khi lượng hình.

Ở phần bào chữa bổ sung, Phan Thành Mai đã "phản pháo" và cho rằng số liệu mà CB (Ngân hàng Xây dựng trước đây) đưa ra thiếu cơ sở chính xác. Thời điểm bị cáo bị bắt con số âm không thể lớn như vậy nên Mai đề nghị làm rõ những số liệu mà CB đã cung cấp.

Đại án Trầm Bê: Giật mình với cách làm liều của ngân hàng - Ảnh 2.

Các bị cáo tại tòa


Sau phần bào chữa của luật sư, bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên Thành viên HĐQT VNCB phụ trách tài chính) bào chữa bổ sung.

Bị cáo Khương trình bày: Khi tiếp quản Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) thì hiện trạng ngân hàng này rất báo động. Cụ thể, vốn bị âm 2.800 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 5.700 tỉ đồng. Tại thời điểm ông Phạm Công Danh tiếp quản Trustbank từ bà Hứa Thị Phấn thì ngân hàng này đang nợ 22.000 tỉ đồng và ông Danh bắt buộc phải trả, trong đó nợ nhóm bà Phấn và Phương Trang là 18.000 tỉ đồng.

Sau khi kế thừa ngân hàng, ông Danh bắt buộc phải dùng tất cả nguồn lực của mình để chăm sóc khách hàng, không để họ bị mất quyền lợi bởi lúc này Trustbank là một trong 9 ngân hàng bị giám sát đặc biệt.

Theo bị cáo Khương, 22.000 tỉ đồng là nguồn tiền không bền vững, nếu không chăm sóc khách hàng thì họ sẽ rút tiền, dẫn đến ngân hàng sẽ sụp đổ. Bà Phấn nhận chuyển nhượng ngân hàng nhưng không cho tăng trưởng tín dụng thì ngân hàng sẽ phá sản; nếu không cho vay thì mỗi năm ngân hàng sẽ lỗ 2.300 tỉ đồng. Tính sơ bộ, trong 2 năm kể từ ngày tiếp quản, VNCB lỗ gần 5.000 tỉ đồng.

Bị cáo Khương trình bày thêm: Hầu như không có ngân hàng nào tăng vốn điều lệ một mạch lên 4.500 tỉ đồng. Chính vì áp lực quá lớn từ yêu cầu tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Nhà nước nên ông Danh đã làm sai, vì vậy mong HĐXX soi xét lỗi của từng người, xem xét bối cảnh, hoàn cảnh phạm tội.

"Cần phân tích tổng số tiền mà ông Danh chi chăm sóc khách hàng hơn 4.000 tỉ đồng, trong đó 2.760 tỉ đồng trả cho nhóm ông Trần Quí Thanh, trả cho bà Hứa Thị Phấn 3.600 tỉ đồng… - tổng cộng là 18.000 tỉ đồng, ông Danh phải giải quyết hậu quả sau khi tiếp quản Trustbank. Kính mong HĐXX xem xét những khoản tiền này" - bị cáo này bày tỏ.

Cũng giống như các bị cáo khác, Mai Hữu Khương cũng đề nghị HĐXX thu hồi toàn bộ số tiền do phạm tội mà có để khắc phục hậu quả cho VNCB.

Theo Phạm Dũng

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên