Đại biểu Trần Hoàng Ngân: “Làm sao không bội chi vượt mức kế hoạch đã mừng rồi”
Đây là ý kiến của Đại biểu Trần Hoàng Ngân tại phiên thảo luận của Quốc hội về Luật quản lý nợ công sửa đổi, diễn ra ngày 30/5.
- 26-05-2017Nợ công, ai là người nên quản?
- 25-05-2017Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội: Đa số ý kiến thống nhất nợ công không bao gồm nợ DNNN
- 25-05-2017Bộ trưởng Tài chính: Nợ công Việt Nam liên tục "phình to", áp lực trả nợ lớn
Rất khó giảm nợ công
Nhận xét về tình hình, Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng nợ công ở Việt Nam rất khó được kéo giảm. Bội chi ngân sách là thực trạng diễn ra đã nhiều năm và chưa thể giải quyết. Theo ông Ngân, thậm chí nên mừng khi không bội chi vượt mức kế hoạch đã đề ra.
“Tôi lưu ý đại biểu quốc hội, để kéo giảm nợ công ở Việt Nam hiện nay rất khó, vì khó mà cân đối được ngân sách. Năm nào cũng bội chi, chỉ làm sao không bội chi vượt mức kế hoạch thôi đã mừng rồi” – ông Trần Hoàng Ngân đánh giá.
Để kéo giảm bội chi ngân sách, kéo giảm nợ công, ông Ngân chỉ ra giải pháp hạn chế bảo lãnh tối đa của Chính phủ. Lý do là bởi trong nợ công đang có khoảng 500 ngàn tỷ đồng nợ Chính phủ bảo lãnh, chiếm khoảng 17,8 % trong tổng nợ công.
“Để kéo giảm bội chi ngân sách, kéo giảm nợ công thì giải pháp hạn chế bảo lãnh tối đa của Chính phủ là biện pháp giảm nợ công khả dĩ nhất hiện nay. Tại vì khi tính nợ công, có tính khoản nợ Chính phủ bảo lãnh. Mà nợ Chính phủ bảo lãnh hiện nay trong dự nợ khoảng 500 ngàn tỷ đòng và đang chiếm khoảng 17,8 % trong tổng nợ công. Chính phủ nên giới hạn đến mức tối đa các đối tương để được bảo lãnh thì chúng ta sẽ giảm được nợ công” – ông Ngân nêu rõ
Bên cạnh đó, ông Ngân cũng chỉ ra nợ công cũng bị ảnh hưởng bởi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Nếu sử dụng hiệu quả khoản tiền vốn trong DNNN, nợ công cũng có thể được kéo giảm.
“Trong khoản thu ngân sách mà chúng ta dự kiến năm 2017, thu từ doanh nghiệp nhà nước gần 300 nghìn tỷ. Trong đó, tiền cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước dự kiến thu về là 60 nghìn tỷ đồng. Cho nên hiệu quả sử dụng vốn trong DNNN cũng là nội dung cần quan tâm để góp phần kéo giảm nợ công” – ông Ngân nói.
Cần xiết chặt vấn đề cho vay lại
Đề cập đến chương 5 về quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ trong Dự thảo Luật quản lý nợ công (sửa đổi), đại biểu Trần Hoàng Ngân tỏ ra hết sức lo lắng. Theo ông, điều kiện cho vay đang “dễ hơn điều kiện bình thường” là rất nguy hiểm.
“Tôi rất lo lắng. Điều kiện để được vay lại tôi nghĩ là phải hết sức chặt chẽ. Thậm chí điều kiện phải cao hơn điều kiện bình thường. Nhưng khi đọc thì thấy dễ hơn điều kiện bình thường. Như vậy, nó rất nguy hiểm cho việc cho vay lại của Chính phủ trong việc vay vốn nước ngoài” – ông Ngân chia sẻ.
Đối với tổ chức tài chính tín dụng, ông Ngân đề nghị điều kiện vay phải cao hoặc bằng với mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia thay vì quy định “ngang bằng hoặc thấp hơn một bậc” như hiện tại. Lý do được ông Ngân giải thích là do mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đã tính bình quân chung của cả nước và không thể vì Standard and Poor's, Moody’s, Fitch xếp hạng thấp hơn mà được cho vay lại.
Đối với doanh nghiệp, ông Ngân không đồng tình với quy định doanh nghiệp được vay lại với điều kiện hệ số vay nợ trên vốn chủ sở hữu “không được vượt quá 3 lần”. Ông Ngân đề nghị sửa đổi thành “cao nhất là 2 lần” để bảo đảm an toàn nợ công.
Không những vậy, đại biểu Trần Hoàng Ngân còn đề nghị phải bổ sung thêm điều khoản về kiểm tra, giám sát sau khi cho vay lại. Ông Ngân chỉ ra rằng hồ sơ vay thường đẹp, vấn đề là đầu tư khi đã có khoản tiền ra sao. Việc này cần có sự kiểm tra giám sát chặt chẽ.
Một vấn đề nữa được ông Ngân quan tâm là phải nhanh chóng có được sự thống nhất trong quản lý nợ công. Dù báo cáo nợ đã gửi tới các đại biểu quốc hội đầy đủ, nhưng ông Ngân vẫn lo ngại báo cáo không bao quát hết vấ đề. Theo ông Ngân, Chính phủ nên sớm chỉ ra một đầu mối thống nhất quản lý nợ công.
“Nợ công cũng được báo cáo cho các đại biểu quốc hội rất chi tiết. Nợ chính quyền địa phương là 45.000 tỷ đồng, nợ Chính phủ bảo lãnh là 501 nghìn tỷ đồng. Tôi nghĩ đã có báo cáo tổng hợp nhưng mà có bao quát được hết, có thể hiện được trình tự chi tiết thì cái đó cần lưu ý. Thiết nghĩ cái sự thống nhất quản lý, một đầu mối giữa bộ tài chsinh, bộ kế hoạch đầu tư, ngân hàng nhà nước là yếu tố mà Thủ tướng Chính phủ cần quan tâm” – đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.