MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Đại gia' thuỷ điện FDI báo lãi lớn

11-06-2023 - 08:27 AM | Doanh nghiệp

FDI từng suýt được CTCP Tập đoàn F.I.T M&A hồi năm 2019. Thời điểm đó, F.I.T đã chuyển trước tiền để mua hơn 99% vốn công ty. Tuy nhiên, thương vụ này sau đó đã không thể diễn ra.

Nhà máy thủy điện Phình Hồ của FDI. Ảnh: FDI.

CTCP Đầu tư và Phát triển điện Yên Bái (viết tắt là FDI) vừa công bố BCTC năm 2022 với lãi ròng 13 tỷ đồng, cao hơn 48% so với cùng kỳ năm trước, cũng là mức cao nhất trong giai đoạn 2019-2022. Nếu tính bình quân, lãi ròng công ty tăng đến 321,4%/năm.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản công ty tại ngày 31/12/2022 đạt 876,9 tỷ đồng, tăng gần 19,4% so với số đầu kỳ. Về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu ở mức 490,7 tỷ đồng, tăng nhẹ 7,5%; nợ phải trả 386,2 tỷ đồng, tăng gần 39%.

Ảnh: Hóa Khoa.

Ngoài ra, dư nợ trái phiếu của FDI đến cuối kỳ là gần 54 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, đây là lô trái phiếu mã FDI.BOND.2020 được công ty phát hành vào tháng 2/2020, kỳ hạn 7,5 năm, lãi suất 10,5%/năm áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên. Tài sản đảm bảo là toàn bộ giá trị nhà máy thủy điện Hát Lìu và toàn bộ các quyền thụ hưởng của chủ đầu tư từ dự án.

Công ty cho biết toàn bộ nguồn vốn kể trên được sử dụng để thực hiện đầu tư xây dựng công trình nhà máy thủy điện Chí Lư.

FDI thành lập vào tháng 8/2010, ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng các công trình dân dụng công nghiệp, hạ tầng cơ sở, giao thông, công trình thủy điện vừa và nhỏ, công trình công ích.

Sau hơn 13 năm hình thành và phát triển, FDI được biết đến là chủ đầu tư nhiều dự án thủy điện như Nhá máy Thủy điện Hát Lìu – điện lực trung bình 17,7 triệu KWh/năm (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái), nhà máy thủy điện Vực Tuần – ĐLTB 19,22 triệu KWh/năm (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), nhà máy thủy điện Nậm Bú – ĐLTB 28,7 triệu KWh/năm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La), nhà máy thủy điện Nậm Trai 4 – ĐLTB 42,2 triệu KWh/năm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La), nhà máy thủy điện Phình Hồ - ĐLTB 7,683 triệu KWh/năm (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái).

Ngoài ra, FDI cho biết đang thực hiện dự án nhà máy thủy điện Suối Chiến – ĐLTB 22,23 triệu KWh/năm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La), nhà máy thủy điện Đồng Ngãi – ĐLTB 31,35 triệu KWh/năm (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái), nhà máy thủy điện Chí Lư – ĐLTB 51,4 triệu KWh/năm (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái).

FDI hiện có 2 công ty con là CTCP Đầu tư Thủy điện Hua trai (vốn điều lệ 100 tỷ đồng), CTCP Thủy điện Nậm Bú (vốn điều lệ 68 tỷ đồng) và 1 công ty liên kết là CTCP Hữu Nghị (vốn điều lệ 48 tỷ đồng).

Tại thời điểm cuối năm 2021, vốn điều lệ công ty đạt 300 tỷ đồng, cổ đông nắm 99,02% vốn công ty là ông Hoàng Ngọc Định. Ngoài vai trò cổ đông chi phối, ông cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT công ty.

Sinh năm 1975, vị doanh nhân này từng có xuất phát điểm là Chỉ huy trưởng Xí nghiệp XDCT Ngầm – Công ty xây dựng Lũng Lô từ năm 1999 đến tháng 5/2007. Theo tìm hiểu, ông gắn bó với FDI từ thời điểm doanh nghiệp này mới thành lập. Ngoài FDI, ông còn là Giám đốc CTCP Tư vấn Xây dựng và Phát triển điện (từ tháng 5/2007).

Đáng chú ý, hồi tháng 9/2019, ông Định đã nhận trước từ CTCP Tập đoàn F.I.T 30 tỷ đồng để chuyển nhượng cho F.I.T toàn bộ số cổ phần nắm giữ. Thời điểm hoàn tất giao dịch dự kiến là vào tháng 1/2020.

Tuy nhiên, giao dịch này sau đó không diễn ra, khoản trả trước 30 tỷ đồng với ông Hoàng Ngọc Định cũng không còn trên BCTC năm 2020 của F.I.T.

DN đằng sau Nhà máy thuỷ điện có đường hầm dẫn nước dài nhất, đập đất và cột nước cao nhất Việt Nam: Lợi nhuận hơn 1.000 tỷ, cung cấp sản lượng điện khoảng 2 tỷ kWh/năm

Theo Hóa Khoa

Nhà đầu tư

Từ Khóa:
Trở lên trên