Đất Hòa Bình đang bị đẩy giá vô lối, có chỗ tăng giá gấp 3
Hoà Bình là một trong những địa phương mới nổi được quan tâm của nhiều nhà đầu tư bất động sản. Một năm trở lại đây, nhiều vùng tại Hòa Bình tăng giá đất tới 3 lần như Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc...
- 06-01-2022Giới đầu đầu tư đi gom đất “xa bờ”, giá BĐS nhảy múa
- 06-01-2022Đấu giá đất Thủ Thiêm 'nhiễu loạn thị trường': Giá lên trời, cổ phiếu BĐS đua tăng trần
- 05-01-2022Hét giá đất quá cao: Coi chừng “gậy ông đập lưng ông”
Chia sẻ tại một tọa đàm về thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Lộc Sơn Hà Land cho biết, khi đầu tư vào phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại Hoà Bình doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
“Cụ thể, trước đây người dân Hòa Bình chỉ mua đất rừng để trồng cây nhưng bây giờ doanh nghiệp muốn mua lại những mảnh đất này để triển khai dự án lại rất khó. Giá đất được người dân đẩy lên quá cao. Một nút thắt tiếp theo là có rất nhiều doanh nghiệp “xếp lốt”, có đất ở Hòa Bình, nhưng nhiều năm không triển khai, vì vậy chúng tôi có muốn “nhảy” vào cũng rất khó”, ông Hà nói.
Theo chuyên gia, đất Hòa Bình đang bị “đẩy” giá bất thường, Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc... tăng giá đến 3 lần. (Ảnh minh họa)
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, trong năm 2021, thị trường bất động sản cả nước có hiện tượng tăng giá. Đặc biệt, có những địa phương như Hoà Bình giá cả tăng mạnh.
“Đất đai hiện đang được đầu tư công rất mạnh, làm gia tăng giá trị bất động sản, đó là điều tất nhiên bởi giá trị bất động sản luôn tăng tỷ lệ thuận với việc đầu tư. Tuy nhiên, thị trường cũng có những nơi ‘sốt ảo’ và những nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ không tham gia vào thị trường này. Việc tăng giá bất thường thời gian vừa qua có lỗi từ nhiều phía, trong đó có lỗi ở việc thông tin không rõ ràng nên không đánh giá được giá trị thực của bất động sản, một số người sẽ bị rơi vào vòng xoáy sốt ảo”, ông Đính nói.
Cũng theo ông Đính, Hoà Bình là một trong những địa phương mới nổi được quan tâm của nhiều nhà đầu tư bất động sản. Năm 2007, nhiều đại gia đã xuất hiện tại Hoà Bình để đầu tư mua đất nhưng tốc độ triển khai đến nay chưa tốt. Mới chỉ có một số ít các doanh nghiệp tham gia tại thị trường bất động sản địa phương này.
“Một năm trở lại đây, theo ghi nhận từ các đơn vị nghiên cứu, nhiều vùng tại Hòa Bình tăng giá đất tới 3 lần như Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc… Đồng thời, giá đất đai các vùng lân cận cũng tăng đáng kể so với trước đó. Việc giá tăng sẽ thu hút nhà đầu tư nhưng cũng là rào cản, bởi nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi thực hiện đền bù triển khai dự án”, ông Đính đánh giá.
Cho rằng, Hòa Bình cũng đang là một trong những địa phương bị ‘đẩy’ giá bất động sản bất bình thường, ông Đính cho hay nguyên nhân cũng một phần là do thiếu nguồn cung. Thực tế, Hoà Bình cũng như các địa phương khác đang có nhiều dự án gặp khó về pháp lý nên chưa thể ra hàng.
Ông cho rằng, lãnh đạo Hòa Bình cần quan tâm nhiều hơn nữa, thực sự đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đền bù đất, tạo thuận lợi về các thủ tục hành chính để có thể thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư. Nếu tỉnh Hòa Bình cởi mở, chắc chắn sẽ có nhiều “đại bàng lớn” kéo về đây để phát triển kinh tế, trong đó có bất động sản.
Ông Đoàn Tiến Lập, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật và Phát triển đô thị (Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình) cho biết, do trong năm vừa qua Hòa Bình nổi lên với lan đột biến nên thu hút rất nhiều người vào chơi lan. Điều này đã khiến nhiều người dân đổ xô đi mua đất trồng lan. Ngoài ra, theo các báo cáo, giao dịch bất động sản tại Hòa Bình đang không nhiều, nên nếu giá có bị ‘đẩy’ lên cao thì cũng sẽ không ai mua do người dân, nhà đầu tư ngày nay dân trí đã cao, am hiểu về thị trường bất động sản.
Cũng theo ông Lập, địa phương này đang gặp vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng.
“Nhiều người dân thắc mắc mức đền bù cao nhất hiện nay là 285.000 đồng/m2 (đất lúa), đất lâm nghiệp khoảng hơn 200.000 đồng/m2 nhưng các nhà đầu tư bán mười mấy triệu đồng một mét vuông. Tuy nhiên, người dân họ không tính đến chi phí nộp cho nhà nước, chi phí đầu tư nên vẫn không chấp nhận đền bù”, ông Lập nêu thực tế.
Cùng với đó, ông Lập cũng cho biết, vướng mắc nữa là nhà đầu tư làm thật rất ít, năm 2017, địa phương đã kêu gọi nhà đầu tư lớn đầu tư vào Hoà Bình nhưng họ đều lắc đầu, sau tỉnh phải thu hút cả nhà đầu tư nhỏ, dự án 5ha cũng tổ chức đấu thầu, 4.000 - 5.000m2 vị trí đẹp cũng đấu thầu.
Infonet