Đấu giá cổ vật Việt Nam có giá trị nhất từ trước đến nay
Hoàng đế chi bảo là chiếc ấn biểu tượng quyền lực vua triều Nguyễn, từng được trao cho đại diện cách mạng trong lễ thoái vị của Bảo Đại nhưng bị quân Pháp chiếm được.
Ngày 20-10, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết nhiều nguồn thông tin khẳng định vào ngày 31-10 tới đây, tại sàn Drouot (Pháp) sẽ tổ chức đấu giá chiếc ấn "Hoàng đế chi bảo" niên đại triều vua Minh Mạng.
Trên trang đấu giá Drouot.com, "Hoàng đế chi bảo" có giá dự kiến từ 2 - 3 triệu EUR. Thông tin việc đưa "Hoàng đế chi bảo" ra đấu giá thu hút sự quan tâm giới sưu tầm đồ cổ bởi đây là cổ vật Việt Nam có giá trị nhất từ trước đến nay được đưa ra đấu giá.
Mặt trước của "Hoàng đế chi bảo". Ảnh do ông Hoàng Việt Trung cung cấp.
"Hoàng đế chi bảo" có nghĩa là ấn của hoàng đế, một trong những chiếc ấn có ý nghĩa quan trọng nhất của triều Nguyễn , chỉ được sử dụng cho các sắc phong và văn bản quan trọng nhất. Đây là chiếc kim bảo lớn và đẹp nhất của triều Nguyễn , được đúc vào năm thứ 4 đời vua Minh Mạng (năm 1823), chất liệu bằng vàng, nặng 10,78 kg. Ấn được truyền từ đời vua này đến đời vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Đại.
Mặt bên của "Hoàng đế chi bảo". Ảnh do ông Hoàng Việt Trung cung cấp.
Các nhà nghiên cứu cho biết "Hoàng đế chi bảo" có hình vuông, quai ấn là một con rồng uốn khúc (rồng đoanh), đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng về phía trước. Đỉnh đầu rồng khắc hình chữ vương; kỳ (vây lưng) và đuôi dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước; 4 chân rồng đúc rõ 5 móng, tư thế chống chân xuống mặt ấn rất vững vàng. Mặt dưới của ấn khắc 4 chữ triện “Hoàng đế chi bảo”. Mặt trên của ấn, phía 2 bên quai khắc nổi 2 dòng chữ: “Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (đúc vào giờ tốt ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4). “Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân” - (Đúc bằng vàng, trọng lượng 280 lạng 9 chỉ 2 phân).
"Hoàng đế chi bảo" nhìn từ trên xuống. Ảnh do ông Hoàng Việt Trung cung cấp.
Việc tham gia đấu giá để đưa cổ vật này hồi hương, theo ông Trung thì vượt quá khả năng của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế vì giá quá cao.
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, cho biết "Hoàng đế chi bảo" được cựu hoàng Bảo Đại trao cho đại diện cách mạng cùng với cây kiếm trong lễ tuyên bố thoái vị của mình vào chiều 30-8-1945 tại Đại nội Huế.
Thông tin đấu giá trên DROUOT.
Hôm sau, bộ ấn kiếm được đem ra Hà Nội để kịp dự lễ độc lập vào ngày 2-9-1945. Cuối năm 1946, khi Pháp quay trở lại Việt Nam và đưa quân vào Hà Nội, đơn vị làm nhiệm vụ cất giữ bộ ấn kiếm trên trước khi rút lên Việt Bắc đã đem giấu chúng vào vách một ngôi chùa cổ ở ngoại thành Hà Nội.
Tuy nhiên, điều không thể ngờ là khi lính Pháp đập phá chùa để lấy gạch xây đồn bốt đã phát hiện ra bộ ấn kiếm này. Ngày 3-3-1952, Pháp đã tổ chức một nghi lễ khá long trọng trao lại ấn kiếm cho Bảo Đại, khi đó với tư cách "Quốc trưởng" của một chính phủ mới được dựng nên vội vã.
Năm 1953, Bảo Đại đã ủy quyền cho bà Mộng Điệp mang sang Pháp rồi trao cho Hoàng hậu Nam Phương và Hoàng Thái tử Bảo Long. Sau khi bà Nam Phương mất năm 1963, bộ ấn kiếm này do Bảo Long quản lý và ông đã gửi ân kiếm vào két sắt của Ngân hàng Châu Âu. Sau khi Bảo Đại qua đời năm 1997, chiếc ấn "Hoàng đế chi bảo" do bà Monique Baudot (vợ Bảo Đại cưới năm 1982) cất giữ.
NLĐ