MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là cách một quốc gia có dân số ngang với TP.HCM đang giúp châu Âu dần thoát phụ thuộc vào khí đốt của Nga

26-04-2023 - 09:48 AM | Thị trường

Đây là cách một quốc gia có dân số ngang với TP.HCM đang giúp châu Âu dần thoát phụ thuộc vào khí đốt của Nga

Quốc gia có dân số hơn 9,2 triệu dân này đang tham gia ngày càng nhiều hơn vào việc thiết lập các đường ống vận chuyển khí đốt xuyên châu Âu, đồng thời đóng vai trò là một nhà cung cấp lớn cho nhiều khách hàng tại đây.

Đây là cách một quốc gia có dân số ngang với TP.HCM đang giúp châu Âu dần thoát phụ thuộc vào khí đốt của Nga - Ảnh 1.

Ngày 14/3, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã thăm chính thức Bosnia-Herzegovina. Bất chấp chuyến thăm ngắn (đi, về trong ngày), nó được xem là thành công khi Azerbaijan có thêm một “đối tác chiến lược” ở châu Âu khi lãnh đạo 2 nước ký tuyên bố chung về việc hình thành quan hệ đối tác chiến lược giữa Azerbaijan và Bosnia-Herzegovina.

Cuộc xung đột Nga – Ukraine đang làm xoay trục nhiều tuyến vận chuyển năng lượng trên toàn cầu, trong đó đáng kể nhất chính là các tuyến Á-Âu. Do đó, mặc dù không thể hoàn toàn thay thế Nga để cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu, Azerbaijan đang đóng một vai trò quan trọng với tư cách là một nhà cung cấp khí đốt đơn lẻ cho các quốc gia thuộc EU và các khu vực lân cận trực tiếp của Nga.

Vì EU quan tâm đến việc duy trì sự ổn định an ninh năng lượng trong khu vực, họ rất coi trọng sự tham gia của Azerbaijan ở bán đảo Balkan. Tháng 10/2022, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tới thăm Baku (thủ đô của Azerbaijan) và gọi Azerbaijan là quốc gia thay đổi cuộc chơi trong an ninh năng lượng châu Âu. Sau đó, ông này còn tham gia buổi lễ mở đường kết nối khí đốt Hy Lạp – Bulgaria nhằm cung cấp khí đốt tự nhiên của Azerbaijan trực tiếp đến Bulgaria.

Hiện tại, Azerbaijan đang hợp tác khá chặt chẽ với Bulgaria và Hy Lạp ở Balkan. Tính đến cuối năm 2022, Đường ống xuyên biển Adriatic (TAP) đã vận chuyển an toàn hơn 18 tỷ mết khối khí đốt tự nhiên đến Hy Lạp, Bulgaria và Ý kể từ khi bắt đầu hoạt động thương mại vào năm 2020.

Bulgaria có hợp đồng mua 1 tỷ mét khối khí đốt của Azerbaijan, tương đương 1/3 nhu cầu hàng năm của đất nước. Họ muốn tăng khối lượng thêm 1 tỷ mét khối nữa sau khi ngừng mua khí đốt từ Nga (tháng 9/2022).

Tuy nhiên, đây mới chỉ là bề nổi vì có tiềm năng cực lớn cho nhiều dự án khác, gồm cả việc xây dựng đường ống khí đốt Romania-Serbia, cũng là một dự án giúp giảm phụ thuộc của khu vực vào Nga, với sự trợ giúp của khí đốt Azerbaijan. Bắc Macedonia cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc nhập khẩu khí đốt của Azerbaijan nhưng chỉ khi đường ống Hy Lạp – Bắc Macedonia hoàn thành.

Đường ống Ionian Adriatic (IAP) cũng đang được xây dựng, có thể vận chuyển khí đốt của Azerbaijan từ Albania đến Croatia, qua Motennegro và Bosnia-Hêgovia trước khi vận chuyển đến Trung Âu. Tất nhiên, điều này chỉ có thể được tiến hành nếu nhận được các hỗ trợ về tài chính và chính trị cần thiết.

Với những diễn biến địa chính trị gần đây ở khu vực Á-Âu, các nhà phân tích cho rằng Azerbaijan có cơ hội lịch sử để mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Kavkaz và Biển Caspi, cả về phía đông (Trung Á) và phía tây (bán đảo Balkan).

Theo các thống kê, sản lượng khí đốt hàng năm của Azerbaijan là khoảng 43,8 tỷ mét khối. Quốc gia này kỳ vọng có thể đạt sản lượng vượt 50 tỷ mét khối vào năm 2027. Trữ lượng khí đốt của quốc gia Trung Á này ước tính khoảng 50.000 tỷ mét khối, đứng thứ 4 trên thế giới.

Đức Nam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên