MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề phòng trộm cắp thẻ tín dụng

05-06-2019 - 17:10 PM | Tài chính - ngân hàng

Với nhiều ưu điểm, tiện lợi trong thanh toán, đặc biệt là thanh toán quốc tế, thẻ tín dụng đang ngày một phổ biến ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, nếu lỡ đánh mất hoặc bị sao chép thông tin ghi trên thẻ vào tay kẻ xấu hoặc thẻ bị “hack”..., chủ thẻ sẽ phải trả giá rất đắt.

Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hà Nội đã ra thông báo về việc đẩy mạnh công tác phòng ngừa đấu tranh với tội phạm người nước ngoài, trong đó chủ yếu liên quan đến tội phạm trộm cắp thẻ tín dụng trên địa bàn thành phố...

Bài 1: Sai một ly, “đi… tiền tỷ”

Theo thống kê từ Cơ quan công an, từ cuối năm 2018 đến nay trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra hàng chục vụ việc khách du lịch nước ngoài bị trộm cắp thẻ tín dụng. Sau khi có trong tay những chiếc thẻ, các đối tượng sẽ lập tức đi “quẹt”, mua nhiều món hàng có giá trị cao như điện thoại đời mới, kim cương, vàng bạc, trang sức... Có những vị khách bị “quẹt” cho đến “nhẵn” hạn mức tín dụng. Và không chỉ 1 thẻ mà đến 2-3 thẻ đều bị quẹt sạch.

 Đề phòng trộm cắp thẻ tín dụng  - Ảnh 1.

Cần bảo quản thẻ hết sức cẩn thận.

Điển hình như tháng 10-2018, ông Hong Eui S., quốc tịch Hàn Quốc, bị mất thẻ tín dụng của Ngân hàng Shinhan bank tại khu vực Nhà thờ Lớn, phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sau khi đã có trong tay thẻ của ông Hong, đối tượng lập tức mò đến một cửa hàng trên phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm rồi dùng thẻ để mua nhiều món đồ công nghệ với tổng số tiền lên đến gần 100 triệu đồng.

Những vị khách du lịch “đen đủi”

Ít giờ sau, tại cửa hàng bán điện thoại trên phố Hai Bà Trưng thuộc phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, đối tượng tiếp tục dùng thẻ của ông Hong quẹt để mua thêm 2 chiếc điện thoại di động iPhone XS Max trị giá hơn 60 triệu đồng nữa.

Ngày 13-1-2019 bà Lee Kyong B., quốc tịch Hàn Quốc, bị mất thẻ Master Card ở phố Hàng Ngang thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm. Chiếc thẻ này sau đó đã bị quẹt mất hơn 122 triệu đồng. Cùng ngày, ông Park Yong G. cũng bị mất liền 3 chiếc thẻ tín dụng tại khu vực đường Hùng Vương, quận Ba Đình, Hà Nội. Đối tượng đã dùng thẻ này lấy đi hơn 11 ngàn USD (khoảng 250 triệu đồng).

 Đề phòng trộm cắp thẻ tín dụng  - Ảnh 2.

Một đối tượng trộm thẻ tín dụng của người nước ngoài bị bắt giữ.


Chưa hết, ngày 18-4-2019 ông Daniel Josen Van H., quốc tịch Bỉ cũng bị mất 4 thẻ tín dụng do Ngân hàng HSBC phát hành. Các đối tượng đã rút ra gần 300 triệu đồng để mua vàng bạc. Sau đó mang đi bán lại để lấy tiền mặt. Vào cuộc điều tra, Cơ quan công an gặp nhiều khó khăn trong việc truy nguồn gốc chiếc thẻ cũng như sự phối hợp của các cơ quan đơn vị có liên quan.

Theo một điều tra viên Đội Hướng dẫn và điều tra tội phạm có yếu tố nước ngoài Phòng CSHS, sau khi xảy ra những vụ việc trên, bị hại đã có đơn trình báo lên Cơ quan công an, tuy nhiên việc truy bắt đối tượng để làm rõ, trả lại tiền cho bị hại gặp rất nhiều khó khăn.

Khó truy tìm thủ phạm

Quá trình rà soát, Cơ quan công an nhận thấy các bị hại đều sử dụng thẻ tín dụng của các ngân hàng nước ngoài. Và chỉ có một số ít ngân hàng có chi nhánh tại Việt Nam. Do đó việc phối hợp điều tra, sao kê tài khoản gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, các bị hại khi sang Việt Nam du lịch thường không sử dụng dịch vụ roaming (chuyển vùng điện thoại quốc tế) hoặc đăng ký thông báo biến động tài khoản qua thư điện tử nên chỉ khi bị hại về nước (hoặc về khách sạn lưu trú - nơi có mạng Internet) mới nhận được thông báo việc bị các đối tượng trộm cắp thẻ tín dụng để mua hàng hóa. Lúc đó họ mới trình báo lên Cơ quan công an. Điều này gây khó khăn trong việc truy xét nóng các đối tượng.

Thậm chí có những vụ Cơ quan công an đã bắt được nhóm đối tượng tình nghi gây ra vụ việc, song không làm việc được với ngân hàng phát hành thẻ nên không xác định được bị hại. Khi tìm được bị hại thì họ đã xuất cảnh nên không đủ căn cứ để xử lý các đối tượng trộm cắp tài sản theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Công an TP Hà Nội, từ năm 2017 đến nay mặc dù xảy ra khá nhiều vụ trộm cắp thẻ tín dụng, song chỉ một vài vụ bắt và xử lý được đối tượng. Một trong số đó là vụ đối tượng Koh Yik Siang John, sinh năm 1988, quốc tịch Malaysia trộm cắp của hai vị khách du lịch người Canada và Brazil.

Theo tài liệu điều tra từ Cơ quan công an, ngày 18-8-2017 John mò đến một khách sạn trên địa bàn phường Hàng Buồm, Hà Nội để thuê chỗ nghỉ ngơi. Do đã “tăm tia” trước, Koh Yik Siang John phát hiện khách sạn này có phòng chuyên dành cho người nước ngoài thuê, theo dạng nhiều người có thể ở lẫn lộn chung một phòng, ngủ trên giường tầng và ngăn rido. Chỉ sau khi nhập phòng ít phút, Koh Yik Siang John đã mò sang giường của một du khách người Canada để lục lọi đồ đạc. Gã mừng húm khi vớ được chiếc thẻ visa trong balo của chị Alnna Marie Pearce.

John đã bắt taxi đến một cửa hàng chuyên bán điện thoại di động trên phố Ô Quan Chưởng thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để mua một chiếc điện thoại iPhone đời mới nhất bằng thẻ visa này. Tiếp đó, hắn lại mò xuống một cửa hàng điện máy khác cách đó hàng chục km để mua tiếp một chiếc điện thoại iPhone nữa. Và ngay trong ngày, 2 chiếc điện thoại iPhone đã được sang tay cho một cửa hàng ở phố Lê Thanh Nghị. Qua 2 lần mua bán, đối tượng đã kiếm được số tiền “tươi” là gần 30 triệu đồng.

Hôm sau, Koh Yik Siang John lại mò đến một khách sạn trên địa bàn phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm tiếp tục giở trò trộm cắp. Hắn mon men đến giường của anh Pedrp Shem Wham Cha, quốc tịch Brazil trộm hàng ngàn USD cùng một thẻ visa. Hắn đã “quẹt thẻ” để mua điện thoại iPhone của một siêu thị điện máy trên phố Tràng Thi. Sau đó hắn mang bán lại cho một người ở phố Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội lấy 17 triệu đồng.

Sau mấy phi vụ “ăn tươi”, Koh Yik Siang John hý hửng định tiếp tục săn các con mồi khác thì bị phát hiện. Chiều 19-8, tổ công tác của Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội làm nhiệm vụ phòng chống tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản trên địa bàn phát hiện một nam thanh niên có biểu hiện nghi vấn trộm cắp tài sản ở khách sạn Nội Miếu, phường Hàng Buồm. Ngay lập tức, du khách này đã bị lực lượng công an mời về trụ sở công an phường để làm rõ. Sau nhiều giờ quanh co, Koh Yik Siang John đã buộc phải khai nhận các vụ trộm đối với hai du khách người Canada và Brazil. Cơ quan chức năng sau đó đã tiến hành truy tố, tuyên phạt người này 30 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”.

Đủ cách trộm tiền từ thẻ tín dụng

Không chỉ người nước ngoài bị mất số tiền lớn từ thẻ tín dụng, nhiều người Việt cũng sơ suất trong việc sử dụng thẻ tín dụng.

Anh Hoàng Anh, trưởng phòng PR của một doanh nghiệp lớn nhớ lại, cách đây mấy tháng anh vừa ngủ dậy thì phát hiện tin nhắn từ ngân hàng báo mình vừa mua hàng ở tận một quốc gia châu Âu. Anh vội vàng gọi điện thoại lên ngân hàng, báo khóa thẻ khẩn cấp. Dù khi làm thẻ, tư vấn viên luôn khoe rằng ngân hàng có hệ thống chăm sóc khách hàng tốt, có thể khóa thẻ 24/24h. Tuy nhiên cũng phải mất nhiều giờ sau đó, tài khoản của Hoàng Anh mới được khóa. Và đối tượng đã thực hiện trót lọt thêm một số giao dịch khác. Tổng thiệt hại lên tới hàng trăm triệu đồng.

Lục tìm nguyên nhân sự việc, anh Hoàng Anh soát lại những lần “chăm sóc” đối tác, đi mua bán ăn uống. Và sau mỗi bữa ăn, Hoàng Anh thường đưa thẻ cho nhân viên đi “quẹt”. Nhiều khả năng sơ suất này khiến anh bị lộ thông tin trên thẻ và dẫn đến bị đối tượng xấu sao chép thông tin, mang đi mua hàng bừa bãi.

 Đề phòng trộm cắp thẻ tín dụng  - Ảnh 3.

Lợi dụng vị khách người Úc sơ hở, đối tượng Minh đã quẹt thẻ, chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng (ảnh trái); đối tượng người Malaysia chuyên trộm cắp thẻ tín dụng để chiếm đoạt tài sản bị bắt giữ tại Việt Nam.


Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian gần đây, một số chủ thẻ tín dụng còn đua nhau đi rút... tiền mặt để tiêu. Vốn việc này không được ngân hàng khuyến khích và sẽ bị tính phí rút rất cao. Do đó, họ sẽ liên hệ với các đầu mối có sử dụng dịch vụ thanh toán qua máy POS để mua hàng khống, từ đó rút tiền mặt để sử dụng.

Điều này vô hình trung đã làm thiệt hại cho các ngân hàng, đồng thời cũng khiến tăng nguy cơ bị lộ, lọt thông tin của thẻ tín dụng. Nhiều chủ thẻ sau khi rút được tiền mặt một, hai lần liền sau đó liên tiếp phát hiện có ai đó đã dùng thẻ của mình để đi mua hàng lung tung. Họ buộc phải liên hệ với ngân hàng để khóa thẻ. Và dĩ nhiên trong thời gian khiếu nại, chủ thẻ vẫn phải thanh toán đầy đủ cho ngân hàng, tránh bị phạt lãi suất rất cao.

Một vụ việc từng gây xôn xao dư luận có liên quan đến việc mất cảnh giác khi sử dụng thẻ tín dụng và phải trả giá đắt. Đó là vụ việc một nhân viên nhà hàng đã trộm thẻ tín dụng của khách để chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng cách đây ít lâu.

Đối tượng Trần Tuấn Minh, quê Bến Tre, là nhân viên tại một nhà hàng ở Q1 TP Hồ Chí Minh. Trong ca phục vụ của mình, Minh được ông Caracciolo David John, quốc tịch Australia đưa thẻ để thanh toán tiền bữa ăn. Dù hóa đơn chỉ hết hơn 13 triệu đồng, song lợi dụng việc này, Minh đã cà thẻ hàng chục lần để rút lấy 8 hóa đơn nhằm chiếm đoạt tiền của ông John. Hôm sau, Minh đã mang 2 hóa đơn có giá trị 640 triệu đồng ra ngân hàng, đồng thời giả chữ ký của ông John để rút tiền mặt chiếm đoạt.

Sau khi về nước, ông John mới phát hiện ra thẻ của mình đã bị quẹt mất gần 40 ngàn đô la Úc nên đã ủy quyền cho một người bạn ở Việt Nam tố cáo đến Cơ quan công an. Đối tượng Minh sau đó đã bị bắt, bị phạt 7 năm tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số nhằm chiếm đoạt tài sản”.

Tháng 5-2019, nhóm 7 ngân hàng của Việt Nam có số lượng thẻ ATM chiếm khoảng 70% tổng số thẻ trên cả nước đã đăng ký chuyển đổi với Công ty CP Thanh toán quốc gia VN (Napas) từ thẻ từ sang thẻ chip theo chuẩn EMV. Theo Napas, ưu điểm của thẻ chip là thông tin nằm trong chip được mã hóa và chỉ có ngân hàng phát hành mới đọc được dữ liệu trong thẻ và thẻ chip không thể làm giả được. Việc chuyển sang sử dụng thẻ chip sẽ khắc phục được tình trạng tội phạm thẻ đánh cắp dữ liệu thẻ để chế tạo thẻ giả nhằm rút trộm tiền. Theo một chuyên gia tội phạm học, việc phát hành thẻ chip trên các thẻ thanh toán nói chung, thẻ tín dụng nói riêng đã được nhiều ngân hàng trong và ngoài nước áp dụng từ lâu. Song, những thẻ này chỉ ngăn được tội phạm sao chép thông tin khi “quẹt” tại các điểm thanh toán. Còn nếu thẻ rơi vào tay kẻ xấu thì nguy cơ bị quẹt đến hết hạn mức tín dụng vẫn còn hiện hữu.

Theo M.Tiến - M.Trí

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên