MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đến bước đường cùng, thay vì giải thể hay phá sản, doanh nghiệp có thể lách qua khe cửa hẹp này

04-05-2020 - 09:43 AM | Doanh nghiệp

Khe cửa hẹp dành cho các doanh nghiệp đã đến bước đường cùng và nghĩ đến chuyện giải thể hoặc phá sản, đó là tạm ngừng kinh doanh trong một năm, theo Luật Doanh nghiệp.

Đó là chia sẻ của Luật sư Trần Thanh Tùng, Thành viên Công ty Luật TNHH Global Vietnam Lawyers, trong hội thảo trực tuyến "Những vấn đề pháp lý của doanh nghiệp nhìn từ đại dịch" được Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức diễn ra mới đây. Luật sư Trần Thanh Tùng đã chia sẻ nhiều ý kiến, trong đó có vấn đề liên quan đến phá sản doanh nghiệp, đến vay ngân hàng để trả lương cho nhân viên tại hội thảo.

Doanh nghiệp có thể tạm ngừng hoạt động trong 1 năm, thay vì nghĩ ngay đến phương án giải thể hoặc phá sản

Luật sư Trần Thanh Tùng cho biết, khi doanh nghiệp hỏi ông về vấn đề giải thể doanh nghiệp, bản thân ông thấy đau lòng vì điều đó có nghĩa là có một nguồn lực xã hội đã mất đi. Tuy nhiên, doanh nghiệp không nên sử dụng các phương án giải thể hay phá sản ngay bởi vì luật cho phép họ được tạm dừng kinh doanh trong một năm.

Thời hạn tạm ngừng hoạt động cho doanh nghiệp được quy định tại điều 78/2015/NĐ-CP, theo đó doanh nghiệp được tạm ngừng kinh doanh không quá một năm. Sau khi hết thời hạn đã thông báo, nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh thì phải thông báo tiếp cho Phòng Đăng ký kinh doanh. Tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không được quá hai năm.

Theo luật sư Trần Thanh Tùng, nếu không giải quyết được theo phương án thứ nhất thì doanh nghiệp có thể nghĩ đến phương án thứ hai là giải thể doanh nghiệp. Điều này được thực hiện khi doanh nghiệp thanh toán nợ đầy đủ cho bên thứ ba và là trường hợp tự nguyện.

Trường hợp cuối cùng là phá sản doanh nghiệp khi chủ doanh nghiệp không thể trả nợ.

Chủ doanh nghiệp sẽ đệ đơn ra tòa để làm thủ tục phá sản. Thẩm phán sẽ tổ chức đại hội chủ nợ để xem doanh nghiệp có khả năng trả nợ hay không. Nếu buộc phải phá sản thì tài sản sẽ được thanh lý.

Trong tình hình hiện nay, về mặt pháp lý, có thể coi Covid-19 là điều kiện bất khả kháng. Doanh nghiệp có thể đệ đơn ra tòa. Nếu tòa xem xét và thấy công ty nằm trong điều kiện bất khả kháng thì chủ doanh nghiệp không cần mất 3 năm mới được phép kinh doanh trở lại.

Trong một tình huống khác, đó là khi doanh nghiệp khó khăn vì Covid-19, muốn vay tiền từ ngân hàng để trả lương cho công nhân. Luật sư Trần Thanh Tùng cũng chia sẻ quan điểm về điều kiện để giúp doanh nghiệp tiếp cận với nguồn tiền này.

Để được vay không lãi suất trả lương cho người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, doanh nghiệp cần có những điều kiện gì?

Luật sư đến từ Công ty Luật TNHH Global Vietnam Lawyers cho biết Nghị quyết 42 về hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch Covid-19 đề cập đến điều kiện của doanh nghiệp được hưởng chính sách vay tiền từ ngân hàng chính sách xã hội để trả lương cho công nhân.

Theo đó, thứ nhất doanh nghiệp phải có 20%-30% người lao động chấm dứt hợp đồng trong thời gian Covid-19 vừa qua.

Thứ hai, doanh nghiệp chi trả 50% tiền lương cho công nhân theo khu vực và đang gặp khó khăn tài chính.

Với các điều kiện trên, doanh nghiệp sẽ được lập hồ sơ. Sau đó, hồ sơ được nộp cho Chủ tịch UBND quận hoặc huyện. Từ cấp này, hồ sơ sẽ được trình lên Chủ tịch UBND TP phê duyệt danh sách và chuyển qua cho ngân hàng chính sách xã hội thực hiện cho vay.

Thế Trần

Tổ Quốc

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên