MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đến chiều 24/10, đã có 11 ngân hàng công bố KQKD quý 3: Lợi nhuận ACB vượt xa VPBank, Techcombank tạm dẫn đầu

24-10-2023 - 15:56 PM | Tài chính - ngân hàng

Đến chiều 24/10, đã có 11 ngân hàng công bố KQKD quý 3: Lợi nhuận ACB vượt xa VPBank, Techcombank tạm dẫn đầu

Cập nhật đến trưa ngày 24/10 đã có 11 ngân hàng thương mại công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023 gồm ACB (ACB), MSB (MSB),Techcombank (TCB), BaoVietBank, VPBank (VPB), PGBank (PGB), BacABank (BAB), Saigonbank (SGB), LPBank (LPB), NCB (NVB) và TPBank (TPB).

ACB vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023 với lợi nhuận đạt hơn 5.000 tỷ, ghi nhận sự tăng trưởng so với quý 2 vừa qua cũng như so với quý 3 cùng kỳ năm 2022. Thu nhập ngoài lãi tăng 45% so với cùng kỳ đã góp phần giúp ACB tăng trưởng lợi nhuận. Trong đó, mua bán ngoại tệ và hoạt động đầu tư tiếp tục đóng góp lớn vào thu nhập giúp đưa tỷ trọng thu nhập ngoài lãi lên 23% trong tổng doanh thu, cao hơn so với cùng kỳ (18%).

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế ACB đạt 15.000 tỷ, tương đương 75% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tăng trưởng tiền gửi khách hàng trong 9 tháng đầu năm đạt 7,6%. Tính đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay của riêng ngân hàng ghi nhận mức tăng 8,2% so với đầu năm, cao hơn so với tăng trưởng toàn ngành (~ 6,9%). Bên cạnh đó, hoạt động cho vay của công ty chứng khoán ACBS phục hồi khi dư nợ tăng gấp đôi so với cuối năm 2022. Kết quả chung cho thấy tăng trưởng tín dụng của toàn tập đoàn ACB lên 8,7% so với đầu năm, đạt 450.000 tỷ.

Trong quý 3, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế ở mức 5.843 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 3,4% so với quý 2. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng đạt 17.115 tỷ đồng, thấp hơn 17,8% so với cùng kỳ.

Tổng tài sản của Techcombank đạt 781,3 nghìn tỷ đồng tại ngày 30 tháng 9 năm 2023, tăng 11,8% so với đầu năm. Tính riêng Ngân hàng, tín dụng tăng trưởng 11,4% so với đầu năm, đạt 495,4 nghìn tỷ đồng.

Tiền gửi của khách hàng đạt 409 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với đầu năm và 7,1% so với quý trước. Trong đó, tỷ lệ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi trong quý 3 giảm nhẹ còn 33,6%.

Đến cuối quý 3, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) theo quy định của Techcombank là 76,7% (so với 80,4% tại ngày 30 tháng 6 năm 2023). Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 30,5% (so với 31,6% tại ngày 30 tháng 6 năm 2023).

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Ngân hàng ở mức 15,0% vào ngày 30 tháng 9 năm 2023, cao hơn nhiều so với mức yêu cầu tối thiểu 8,0% của Trụ cột I Basel II. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) cuối tháng 9 ở mức 1,4%, trong nhóm thấp toàn ngành. Tính chung nợ vay và trái phiếu doanh nghiệp, tỷ lệ này ở mức 1,3%. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu giảm về mức 93%.

MSB vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 9 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 5.223 tỷ đồng, tương đương đạt 83% kế hoạch năm và tăng trưởng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, riêng trong quý 3, lợi nhuận MSB đạt hơn 1.675 tỷ đồng, tăng 12,5% so với quý 3/2022.

Tổng tài sản tại ngày 30/9 của MSB đạt trên 249.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2022. Tổng dư nợ tín dụng khách hàng đạt gần 141.244 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng trung bình ngành.

Tiền gửi khách hàng đạt 129.618 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm trước. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi (CASA) đạt 27,71%.

Kết thúc quý 3, tỷ lệ nợ xấu (NPL) riêng lẻ của MSB giữ mức 1,7% trước CIC và 1,96% sau CIC (theo thông tư 02 NHNN). Ngân hàng duy trì thanh khoản dồi dào với tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) đạt 68,6%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (MTLT) đạt 29,18%. Tại thời điểm 30/9, chỉ số an toàn vốn hợp nhất (CAR) của MSB giữ ở mức 12,6%.

Đến chiều 24/10, đã có 11 ngân hàng công bố KQKD quý 3: Lợi nhuận ACB vượt xa VPBank, Techcombank tạm dẫn đầu - Ảnh 1.

BaoVietBank kết thúc quý III/2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 9,1 tỷ đồng, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, ngân hàng đã thu về 33,8 tỷ đồng, giảm 6,6%, thực hiện được 35,6% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính đến cuối quý III, BaoViet Bank ghi nhận tăng trưởng cho vay khách hàng đạt 16,4%, cao hơn mức trung bình của ngành ngân hàng. Tổng tài sản của ngân hàng tăng 1,7% so với cuối năm ngoái,đạt 79.607 tỷ đồng. Số dư tiền gửi của khách hàng tăng 18,6%, đạt 49.065 tỷ đồng.

Số dư nợ xấu của ngân hàng ở mức 1.537 tỷ đồng, giảm so với cuối quý II, nhưng tăng 38,5% so với cuối năm trước. Tính đến ngày 30/9, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng ở mức 3,98%, tăng nhẹ so với mức 3,34% vào cuối năm ngoái.

Kết thúc quý 3, lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt gần 1.600 tỷ đồng, giảm hơn 26% so với quý III/2022. Lũy kế 9 tháng, lãi ròng của TPBank ghi nhận gần 5.000 tỷ đồng, giảm 16% so với mức hơn 5.900 tỷ cùng kỳ năm trước.

Trong quý 3, lợi nhuận trước thuế của LPBank trong quý 3/2023 đạt 1.241 tỷ đồng, tăng 41% so với quý 2 và tăng 0,65% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả trên, LPBank là ngân hàng tiếp theo có lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, sau Saigonbank.

Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận của LPBank đạt 3.678 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 61,45% kế hoạch lợi nhuận năm.

BCTC của Saigonbank cho biết, lợi nhuận trước thuế quý 3 của ngân hàng đạt 65 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này có được chủ yếu nhờ ngân hàng cắt giảm chi phí hoạt động (giảm 4,4% so với cùng kỳ xuống 149 tỷ đồng). Ngoài ra, chi phí dự phòng rủi ro cũng giảm 26% xuống 15 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế của Saigonbank đạt 248 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét chung 9 tháng, động lực tăng trưởng chính của ngân hàng vẫn đến từ việc giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro (giảm 50% xuống còn hơn 100 tỷ đồng).

Tại VPBank , lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng trong quý 3/2023 đạt 3.117 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ, tuy nhiên đã có sự cải thiện so với quý 1 và quý 2/2023.

Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của VPBank hợp nhất đạt 8.279 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ. Một phần nguyên nhân sụt giảm này đến từ việc quý 1 năm ngoái ngân hàng có khoản thu đột biến từ thoả thuận bảo hiểm độc quyền.

BacABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 3/2023 ở mức 77 tỷ đồng, giảm tới 73% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế BacABank đạt 551 tỷ đồng, giảm 23%.

PGBank báo lãi trước thuế quý 3/2023 là 56,6 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế ngân hàng này đạt 360 tỷ đồng, giảm 7%.

Trong quý 3, NCB ghi nhận lợi nhuận sau thuế lũy kế giảm 47 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do thu nhập lãi thuần trong quý chỉ lãi 7 tỷ đồng.

Như vậy, đến hiện tại đã có 4 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận quý 3 tăng trưởng so với cùng kỳ 2022 là ACB, MSB, Saigonbank và LPBank. Trong khi có 6 ngân hàng giảm là Techcombank, VPBank, TPBank, BacABank, PGBank và Bao VietBank; còn NCB tiếp tục lỗ.

Dù sụt giảm so với cùng kỳ 2022, Techcombank hiện vẫn dẫn đầu về quy mô lợi nhuận quý 3 cũng như 9 tháng đầu năm. Trong khi ACB vượt VPBank lên vị trí thứ hai và, còn TPBank đã xuống thấp hơn MSB.

Quốc Thụy

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên