MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ bất thường BHS: Thông qua phương án sáp nhập với SBT và hủy niêm yết cổ phiếu

26-05-2017 - 11:03 AM | Doanh nghiệp

Ngày 26/5, ĐHCĐ bất thường niên độ 2016-2017 CTCP Đường Biên Hòa (Mã CK: BHS) thông qua phương án hoán đổi toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành theo Hợp đồng sáp nhập, để nhận cổ phiếu của CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (Mã CK: SBT) và hủy niêm yết cổ phiếu.

Tỷ lê hoán đổi 1:1,02 (1 cổ phiếu BHS đổi lấy 1,02 cổ phiếu SBT). Như vậy, SBT dự kiến phát hành 303,83 triệu cổ phiếu để thực hiện hoán đổi 297,87 triệu cổ phiếu BHS.

Sau khi hoán đổi cổ phiếu SBT sẽ trở thành chủ sở hữu duy nhất sở hữu 100% vốn điều lệ của BHS và CTCP Đường Biên Hòa sẽ chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV.

Hôm qua, ĐHCĐ SBT cũng đã thông qua nội dung phát hành cổ phiếu hoán đổi BHS (xem thêm) .

Việc hoán đổi sẽ thực hiện trong thời hạn 90 ngày và thời gian gia hạn phát hành (nếu cần) kể từ ngày SBT nhận giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu để hoán đổi của UBCKNN.

Tại thời điểm hoán đổi, đối với các cổ đông sở hữu cổ phiếu BHS đang bị hạn chế chuyển nhượng, sau khi hoán đổi sang cổ phiếu SBT với tỷ lệ hoán đổi như trên, cũng sẽ tiếp tục bị hạn chế chuyển nhượng theo thời hạn được quy định giống như đối với cổ phiếu BHS đang bị hạn chế chuyển nhượng mà cổ đông đó đang nắm giữ.

Đại hội cũng thông qua việc hủy niêm yết của BHS trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM.

Sau sáp nhập, SBT đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 8.353 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 674 tỷ đồng niên độ 2017-2018. Chỉ tiêu kinh doanh của Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa – Đồng Nai sau khi sáp nhập là doanh thu hợp nhất 4.688 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 323 tỷ đồng.

Trả lời thắc mắc cổ đông về lý do sáp nhập 2 công ty, HĐQT Đường Biên Hòa cho biết BHS có thế mạnh về thương hiệu và kênh phân phối, SBT có thế mạnh về dây chuyền công nghệ, kỹ thuật sản xuất và vùng nguyên liệu nên sẽ hỗ trợ nhau cùng phát triển. Trong ngắn hạn, việc sáp nhập mang lại lợi ích cho cổ đông BHS nhiều hơn và trong dài hạn thì cả 2 bên cùng có lợi.

Bên cạnh đó, với đặc thù yếu tố nguyên liệu chiếm đến trên 80% giá thành sản xuất, đây được xem là động thái tích cực của ngành đường, nhằm nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa ngành đường Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực, đồng thời tiếp tục đảm bảo năng lực cung ứng các sản phẩm đường sạch...

Bước đi chiến lược này cũng góp phần mang lại sự chủ động hơn về việc phát triển bền vững vùng nguyên liệu khi TTCS sở hữu tổng cộng 49.000ha, chưa kể đến vùng nguyên liệu rộng lớn được TTCS và BHS mua lại từ HAGL Sugar.

Ông Thái Văn Chuyện - cổ đông lớn của BHS cho rằng việc sáp nhập là bước đi chiến lược và đối với cổ đông thì đây là tin vui và giá trị cổ phiếu của công ty sau sáp nhập sẽ không dừng lại ở con số hiện tại. Thay vì cạnh tranh về vùng nguyên liệu thì 2 công ty sẽ cùng chia sẻ, đem lại lợi ích cho người nông dân và tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Về công nghệ thì BHS được thừa hưởng những công nghệ sản xuất hiện đại nhất thế giới từ SBT. Về thị trường thì việc sáp nhập sẽ giúp phân chia thị trường đường hợp lý.

Theo Duy Khánh

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên