MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Eximbank hoãn vì không đủ tỷ lệ tham dự

26-04-2019 - 10:22 AM | Tài chính - ngân hàng

Sáng nay ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tổ chức đại hội cổ đông theo kế hoạch. Tuy nhiên đại hội đã không thể diễn ra vì không đủ tỷ lệ tham dự.

Sáng nay ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) tổ chức đại hội cổ đông theo kế hoạch. Tuy nhiên đại hội đã không thể diễn ra vì chỉ có hơn 57% số cổ đông có quyền biểu quyết tham dự, tức không đủ túc số theo quy định. Như vậy, Eximbank phải triệu tập một cuộc họp khác.

Trước đó, như chúng tôi đã thông tin, từ tháng 2/2019 tới nay, vấn đề nhân sự cấp cao ở Eximbank cũng như các nhóm cổ đông lớn của nhà băng này không có sự đồng thuận, dẫn đến Eximbank trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của toàn thị trường.

Cách đây hơn 1 tháng, chiếc ghế nóng chủ tịch HĐQT của ngân hàng bị đổi chủ nhưng sau đó lại bất thành do tòa án có phán quyết dừng khẩn cấp tạm thời đối với việc thay đổi chủ tịch sau khi ông chủ tịch cũ là Lê Minh Quốc có đơn kiện. Ông Quốc cho rằng việc thay đổi chủ tịch HĐQT và việc HĐQT thành lập Uỷ ban độc lập là sai quy định.

Sau đó, được biết các thành viên trong Hội đồng quản trị của ngân hàng này đã có vài lần yêu cầu ông Lê Minh Quốc triệu tập cuộc họp về các vấn đề liên quan đến nội bộ Hội đồng quản trị, nhưng ông Quốc không triệu tập theo quy định.

Mới đây, nhóm cổ đông lớn nhất của ngân hàng là SMBC của Nhật đã có công văn kiến nghị ông Quốc về việc "Uỷ ban độc lập thuộc HĐQT đã nhận định được một số vấn đề tồn tại và đưa ra các kiến nghị khắc phục nhằm gia tăng hiệu quả quản trị tại Eximbank. Các vấn đề đã được nhận định và kiến nghị khắc phục cần thông tin tới tất cả các cổ đông để cổ đông đóng góp và ý kiến", và SMBC cũng yêu cầu HĐQT đưa vào chương trình nghị sự của đại hội cổ đông để tất cả các cổ đông bỏ phiếu tín nhiệm hoặc không tín nhiệm với các thành viên HĐQT. Tuy nhiên ông Quốc đã từ chối các yêu cầu này.

Được biết, sau khi ông Lê Minh Quốc có công văn trả lời từ chối, phía Ban kiểm soát của Eximbank đã có báo cáo lên cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước. Văn bản nêu rõ, việc ông Quốc tự ý trả lời 9 thành viên Hội đồng quản trị và toàn bộ Ban kiểm soát về việc không đưa nội dung mà SMBC đề nghị đưa vào chương trình nghị sự đại hội, mà không lấy ý kiến các thành viên HĐQT là sai quy định.

Cụ thể, theo quy định của Luật doanh nghiệp và điều lệ ngân hàng, thì quyền triệu tập đại hội cổ đông là của toàn bộ HĐQT chứ không phải cá nhân ông chủ tịch, và thẩm quyền xem xét nội dung chương trình họp để đại hội cổ đông thông qua là của toàn bộ HĐQT chứ không phải của 1 cá nhân. Việc có đưa nội dung do nhóm cổ đông lớn yêu cầu vào chương trình nghị sự hay không phải đưa ra toàn thể đại hội và lấy ý kiến tất cả các cổ đông chứ không phải quyền quyết định của chủ tịch HĐQT.

Trong một nội dung khác liên quan tới kế hoạch 2019, tờ trình gửi tới các cổ đông trước ngày đại hội của Eximbank cho biết ngân hàng đặt mục tiêu tăng tổng tài sản 18,6% đạt hơn 181 nghìn tỷ đồng; huy động vốn tăng 21% và dư nợ cấp tín dụng tăng 11%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2%. 

Ngân hàng đặt 2 mục tiêu về lợi nhuận, trong đó lợi nhuận trước khi phải trích lập bổ sung dự phòng trái phiếu VAMC là 2.000 tỷ đồng còn lợi nhuận trước thuế là 1.077 tỷ. Trước đó trong năm 2018 ngân hàng đã phải điều chỉnh giảm gần một nửa lợi nhuận như trong báo cáo tài chính 2018 chưa kiểm toán, từ mức 1.737 tỷ về 827 tỷ do phải trích lập dự phòng rủi ro bổ sung.

Từ năm 2013 tới nay, tình hình hoạt động của Eximbank bị trì trệ, nên mặc dù là một ngân hàng từng năm trong top đầu nhóm thương mại cổ phần tư nhân, nhưng đến nay Eximbank lại thụt lùi rất xa. Giới quan sát cho rằng, sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn và nội bộ HĐQT là 1 trong những lý do quan trọng gây nên sự trì trệ, bởi vậy vấn đề cấp thiết đặt ra lúc này là ngân hàng phải có sự ổn định, hòa hợp giữa các nhóm cổ đông để đưa Eximbank trở lại quỹ đạo phát triển. Có như vậy mới đảm bảo được lợi ích cho hơn 6.000 cán bộ nhân viên, hàng nghìn cổ đông nhỏ lẻ và các nhà đầu tư, cũng như tạo dựng được môi trường đầu tư lành mạnh, hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực ngân hàng Việt Nam.


Hằng Kim

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên