Đi tiểu đêm: Chuyên gia khuyên trường hợp nên đi khám ngay đừng chậm trễ
Tiểu đêm rất thường gặp ở cả người trẻ lẫn người cao tuổi, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Vậy đâu là những nguyên nhân khiến bạn lâm vào tình trạng này?
- 24-04-201710 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư đang lớn dần trong cơ thể: Ai cũng nên thuộc nằm lòng
- 23-04-2017Tập 10 phút/ngày để thông mạch máu toàn cơ thể: Đơn giản để phòng đột quỵ, nhồi máu cơ tim
- 23-04-2017Điều gì xảy ra với cơ thể nếu bạn ăn ít thịt?
Câu hỏi đầu tiên mà một bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân khi họ phàn nàn về chuyện đi tiểu đêm là: Việc buồn tiểu khiến bạn thức giấc hay bạn thức giấc rồi mới nhận ra là phải đi tiểu?
"Câu trả lời sẽ đưa ra các chẩn đoán khác nhau", Randy Wexler - Phó giáo sư về y học gia đình và Phó chủ nhiệm các vấn đề lâm sàng tại Trung tâm Y tế Đại học bang Ohio cho biết.
Bác sĩ Wexler giải thích rằng khi bạn ngủ, lưu lượng máu tăng đến thận có thể làm tăng sản xuất nước tiểu.
Vì vậy, nếu bạn thức giấc do tiếng ngáy của bạn cùng giường hoặc mất ngủ hoặc bất cứ lí do nào khác không liên quan đến bàng quang khiến bạn phải vào nhà vệ sinh thì việc đi tiểu đêm không có gì đáng lo lắng.
Nhưng nếu buồn tiểu là lí do khiến bạn thức giấc, bạn không nên chủ quan mà hãy đi khám bệnh ngay.
1. Uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ
Nguyên nhân này thì quá rõ ràng. Nhưng phó giáo sư Wexler nói rằng nhiều người không nhận ra rằng uống nhiều nước trước khi ngủ làm gián đoạn giấc ngủ của bạn.
"Tôi luôn nói với bệnh nhân nên uống nước 2 tiếng trước khi đi ngủ", ông Wexler cho biết.
Nhưng nếu làm đúng hướng dẫn này vẫn khiến bạn thức dậy đi tiểu vào lúc nửa đêm, bạn nên đến gặp bác sĩ.
Bạn nên ngừng uống nước khoảng 2 tiếng trước giờ ngủ và nên đi vệ sinh trước khi lên giường.
2. Uống rượu hoặc cà phê quá gần giờ đi ngủ
Cả rượu và cà phê đều có thể làm tăng lượng nước tiểu trong cơ thể. Nếu có thói quen thưởng thức một ly rượu hay một cốc cà phê sau bữa tối hoặc trước giờ lên giường, bạn sẽ dễ đi tiểu vào ban đêm.
Phó giáo sư Wexler khuyến cáo tốt nhất bạn không nên uống cà phê và trà lúc 6 giờ tối và ngừng uống rượu ít nhất 3 tiếng trước khi đi ngủ.
Tất nhiên, nếu đã tuân thủ việc này nhưng vẫn mắc chứng tiểu đêm, bạn nên tìm tới bác sĩ.
3. Thiếu hóc-môn chống lợi tiểu
"Tuổi tác khiến cơ thể bạn bị mất dần hóc-môn chống lợi tiểu", Tobias Köhler - Chủ nhiệm khoa tiết niệu tại Bệnh viện Tưởng niệm Illinois cho biết.
Hóc-môn này giúp thận kiểm soát lượng nước tiểu. Càng ít hóc-môn chống lợi tiểu, bạn càng đi tiểu nhiều. Sự mất mát hoóc môn tự nhiên này thường bắt đầu ở tuổi 40, nhưng nghiêm trọng ở tuổi 60 hoặc 70.
Thiếu hóc-môn chống bài niệu cũng dễ gây tiểu đêm.
4. Bị nhiễm trùng đường tiết niệu
Nếu bạn là phụ nữ và bạn đã loại bỏ các nguyên nhân gây ra kể trên, nguyên nhân khiến bạn đi tiểu đêm có thể là nhiễm trùng đường tiểu.
"Nếu đó là nhiễm trùng đường tiểu, bạn có thể gặp phải những triệu chứng khác đi kèm như nóng, rát hoặc khó chịu trong người", ông Wexler cho biết.
Còn với đàn ông, dù ít bị viêm hơn, nhiễm trùng đường tiết niệu cũng khiến họ mắc tiểu liên tục, ngay cả ban đêm và bị đau rát.
5. Chân bị phù nề
Theo bác sĩ Tobias Köhler, chân bị phù nề, sưng tấy xảy ra khi chất lỏng trong cơ thể tích tụ dưới chân khiến bạn phải đi tiểu nhiều lần khi bạn nằm xuống.
Giải pháp: Để cải thiện tình trạng này, bạn nên kê chân cao trong vài tiếng trước khi giờ đi ngủ. Điều đó sẽ giúp chất lỏng ở dưới chân đưa lên bàng quang và bạn có thể đi tiểu trước khi đi ngủ.
6. Bị bệnh tiểu đường hoặc tiền đái tháo đường
Nếu đang bị bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường, cơ thể của bạn có thể tăng lượng nước tiểu để giảm lượng đường trong máu. Điều này có thể giải thích tại sao bạn hay thức giấc để đi tiểu vào ban đêm, phó giáo sư Wexlex giải thích.
Cũng giống như triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường khiến bạn đi tiểu nhiều lần trong ngày. Đặc biệt, nếu bạn luôn cảm thấy khát nước, thậm chí uống nhiều nước - đó là một dấu hiệu cho thấy đường máu của bạn có vấn đề.
7. Bị bệnh lây qua đường tình dục
"Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục ví dụ như bệnh lậu và Chlamydia có thể gây ra tình trạng đi tiểu nhiều lần", ông Wexler nói. Cảm giác đau rát khi đi tiểu cũng là dấu hiệu có thể của bệnh tình dục.
8. Tử cung, buồng trứng nở rộng
Một loạt các vấn đề như polyps cổ tử cung, u nang buồng trứng, ung thư buồng trứng khiến tử cung hay buồng trứng bị mở rộng ra. Nếu quá lớn, chúng sẽ đè lên bàng quang, gây cảm giác mắc tiểu thường xuyên.
"Cách phát hiện bệnh duy nhất chính là đi khám bác sĩ", phó giáo sư Wexler nói.
9. Sa bàng quang
Cơ, dây chằng và các mô liên kết giúp tạo thành sàn chậu phụ nữ cũng hỗ trợ bàng quang và các cơ quan khác của cơ thể.
Khi lão hóa hoặc sau sinh con, sàn xương chậu có thể yếu đi và bàng quang bị trượt hoặc sa xuống, tạo áp lực đè lên nó. Khi đó bạn phải đi tiểu nhiều lần.
Các bài tập Kegel có tác dụng giúp săn chắc cơ âm đạo và trị chứng tiểu đêm hiệu quả.
10. Có vấn đề về tuyến tiền liệt hay niệu đạo
Tuyến tiền liệt của con người không ngừng phát triển cho đến ngày chúng ta qua đời. "Nếu sống thọ, bạn sẽ có những vấn đề về tuyến tiền liệt", Wexler cho biết.
Do đó, khi có tuổi, đàn ông dễ bị các vấn đề về tuyến tiền liệt. Tuyến này lớn lên có thể đè ép đường tiết niệu, khiến nam giới khó đi tiểu, và có cảm giác buồn tiểu thường xuyên.
* Theo Prevention
Theo Trí Thức Trẻ