MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm danh những ngân hàng ngược dòng, tăng trưởng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm

28-10-2023 - 11:01 AM | Tài chính - ngân hàng

Điểm danh những ngân hàng ngược dòng, tăng trưởng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm

Tính đến sáng 28/10, mới chỉ có 7 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022.

Đến hiện tại, đã có khoảng 20 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với phần lớn đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022. Thống kê sơ bộ cho thấy, mới chỉ có 7 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương là ACB, HDBank, VIB, Sacombank, MSB, Nam A Bank và Kienlongbank.

Trong đó, nhờ duy trì được nhịp tăng trưởng, ACB đã vươn lên đứng thứ hai khối ngân hàng tư nhân, chỉ sau Techcombank với khoản lãi trước thuế trên 15.000 tỷ đồng.

Kết quả trên đến từ việc ACB vẫn duy trì được đà mở rộng của thu nhập lãi thuần khi tăng trưởng tín dụng đạt tới 8,7% so với đầu năm, cao hơn mặt bằng chung của ngân hàng. Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi tăng mạnh cùng với việc kiểm soát chí hoạt động đã đóng góp vào đà tăng lợi nhuận của ACB.

"Hiện mảng bán lẻ chiếm tỉ trọng hơn 93% danh mục cho vay và ngân hàng không tập trung vào các lĩnh vực có rủi ro cao như cho vay tiêu dùng, cho vay tín chấp, cho vay kinh doanh bất động sản…Rủi ro về chất lượng tài sản đối với ngân hàng tương đối thấp do không sở hữu trái phiếu doanh nghiệp, tỉ lệ nợ xấu thấp và chiến lược thận trọng" - đại diện ACB cho biết.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế HDBank đạt 8.632 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ 2022. Cũng giống ACB, lợi nhuận HDBank tiếp tục tăng trưởng nhờ sự mở rộng của các nguồn thu chủ chốt. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 12,5% và thu nhập ngoài lãi tăng 14,1% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, tổng thu nhập vượt 18.156 tỷ đồng, tăng 12,8%.

Với mức tăng trưởng gần 7,5% so với cùng kỳ 2022, VIB đã vượt qua “ông lớn” VPBank với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 8.325 tỷ đồng.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, VIB ghi nhận tổng doanh thu đạt trên 16.300 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng chính đến từ các mảng kinh doanh cốt lõi của ngân hàng bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp và khối nguồn vốn. Trong đó thu nhập lãi đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 18% và thu nhập ngoài lãi đóng góp 20% vào tổng thu nhập hoạt động. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt, ở mức 4.840 tỷ đồng, chỉ tăng 4,5% so với năm trước. Nhờ vậy, hệ số chi phí/doanh thu (CIR) của VIB giảm còn 30% và là một trong những ngân hàng bán lẻ có hiệu quả quản trị chi phí dẫn đầu ngành.

Lợi nhuận trước dự phòng tín dụng của VIB tăng trưởng vượt bậc, đạt gần 11.500 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng quý 3 đạt 4.300 tỷ đồng – mức cao nhất của ngân hàng từ trước đến nay. Bên cạnh kết quả kinh doanh giữ vững tăng trưởng ổn định, nhằm nâng cao chất lượng tài sản cũng như tạo bộ đệm dự phòng vững chắc, ngân hàng cũng chủ động trích lập dự phòng lên tới hơn 3.150 tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ. Sau 9 tháng, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 8.325 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022.

Chia sẻ tại cuộc gặp với các nhà phân tích gần đây, lãnh đạo VIB cũng cho biết trong bối cảnh thị trường như hiện nay, ước tính lợi nhuận trước thuế cả năm của VIB sẽ đạt tối thiểu 11.000 tỷ đồng.

Sacombank cũng mới thông báo kết quả kinh doanh sơ bộ 9 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 6.840 tỷ đồng, tăng hơn 54% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 72% kế hoạch. Với kết quả trên, Sacombank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất hệ thống tính tới thời điểm hiện tại. Ngân hàng này chưa công bố báo cáo tài chính nhưng cho biết tổng tài sản hợp nhất đến cuối tháng 9 đạt hơn 651.000 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm; quy mô huy động và cho vay đều tăng trưởng tích cực.

Một nhà băng khác cũng hoàn thành 83% kế hoạch cả năm là MSB với lợi nhuận hợp nhất trước thuế lũy kế 9 tháng đạt 5.223 tỉ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

MSB cho biết trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, MSB đẩy mạnh nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng với tỉ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập đạt gần 29%. Đáng chú ý, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó doanh thu từ dịch vụ thanh toán chiếm tỉ trọng 43% trong tổng doanh thu phí dịch vụ nhờ ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số.

Ngoài những nhà băng nêu trên, Nam A Bank Kienlongbank cũng lần lượt ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận là 10% và 25%. Động lực chính giúp hai ngân hàng này duy trì tăng trưởng đến từ sự mở rộng mạnh mẽ của các khoản thu ngoài lãi, đi cùng với việc quản lý hiệu quả chi phí hoạt động và chi phí trích lập dự phòng.

Ngân hàng nào có nhiều khả năng bứt tốc trong các tháng cuối năm?

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2023 đối với các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tình hình kinh doanh và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong quý III/2023 chưa có sự cải thiện như kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh thu hẹp kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới, với 66,7 - 72,1% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện trong quý IV và cả năm 2023 (thấp hơn tỷ lệ 70,3 - 74,8% của kỳ điều tra trước), đồng thời số tổ chức tín dụng lo ngại tình hình kinh doanh suy giảm tăng lên.

Trong những tháng cuối năm, bên cạnh dư địa tín dụng còn lại, VNDirect kỳ vọng những ngân hàng có tỷ lệ cao về cho vay bán lẻ như VIB, ACB có nhiều cơ hội để cải thiện tăng trưởng tín dụng khi Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn phục hồi ban đầu. Ngược lại, những ngân hàng có tỷ lệ cho vay bất động sản cao có thể sẽ gặp khó khăn trong việc mở rộng tín dụng khi Thông tư 06/2023 (hiệu lực từ tháng 9/2023) sẽ giới hạn khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp.

VnDirect cũng  kỳ vọng chi phí vốn sẽ giảm mạnh hơn khi lần cắt giảm lãi suất diễn ra thứ 3 và 4 diễn ra vào cuối quý II/2023 sẽ có hiệu lực toàn bộ từ nửa cuối 2023 trở đi. Tuy nhiên, nhóm phân tích không kỳ vọng sự cải thiện ở NIM ngay lập tức khi việc cắt giảm lãi suất vẫn là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy hoạt động kinh tế.

“Cho nửa cuối năm, chúng tôi kỳ vọng một số ngân hàng sở hữu tỷ lệ cho vay cá nhân cao, tỷ lệ LDR thấp và tỷ trọng vốn ngoại tệ trên tổng nguồn vốn thấp sẽ có nhiều cơ hội để cải thiện NIM tốt hơn so với toàn ngành như MB, VIB", VnDirect đánh giá.

Chung quan điểm với VnDirect, Bộ phận nghiên cứu của WiGroup cho rằng, những ngân hàng có tỷ lệ cho vay BĐS cao tốc độ tăng trưởng đã chậm lại trong quý này, cho thấy thị trường BĐS tiếp tục gặp khó khăn. Trái lại, những ngân hàng có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao như ACB, VIB, OCB,... đạt mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng (cho thấy dấu hiệu phục hồi nhẹ từ mảng bán lẻ).

"Những ngân hàng có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao sẽ tiếp tục hưởng lợi khi Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn phục hồi. Ngược lại, những ngân hàng có tăng trưởng cho vay chủ yếu đến từ BĐS sẽ tiếp tục gặp khó do chính sách siết tín dụng sẽ giới hạn khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp", Wigroup dự báo.

Kim Ngân

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên