MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề nghị xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho diễn viên Quỳnh Tứ trong đại án OceanBank

28-08-2017 - 18:34 PM | Tài chính - ngân hàng

Hoàng Thị Hồng Tứ tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, được Hà Văn Thắm tuyển dụng vào Ngân hàng Đại dương làm giúp việc hành chính, văn phòng cho HĐQT.

Phiên tòa xét xử bị cáo Hà Văn Thắm và đồng phạm sáng nay bắt đầu bằng những giọt nước mắt, tiếng nức nở của nhiều nữ bị cáo.

Trong đó, khi trả lời câu hỏi của Thẩm phán về lý lịch của mình, bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ bật khóc nức nở. Hoàng Thị Hồng Tứ tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu Điện ảnh (đóng một số bộ phim lấy nghệ danh là Quỳnh Tứ) được Hà Văn Thắm tuyển dụng vào Ngân hàng Đại dương (Oceanbank) làm giúp việc hành chính, văn phòng cho HĐQT.

Khi Công ty BSC thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 3, ngày 16/12/2008, Hoàng Thị Hồng Tứ khi ấy đang là Thư ký HĐQT Ngân hàng Đại Dương được Hà Văn Thắm cho đứng tên làm Chủ tịch HĐQT Công ty BSC. Tứ không góp vốn, không điều hành, không hưởng lương của Công ty BSC. Từ khi Tứ đứng tên làm Chủ tịch HĐQT Công ty BSC cho đến thời điểm Phạm Hoàng Giang được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty BSC không có hoạt động gì.

Ngày 4/3/2009, theo chỉ đạo của Hà Văn Thắm, Hồng Tứ đã ký hợp đồng lao động và quyết định bổ nhiệm Phạm Hoàng Giang làm Tổng giám đốc công ty BSC với mức lương 10 triệu đồng/tháng.

Trong thời gian từ 22/5/2009 đến 31/1/2012, Công ty BSC đã ký 721 hợp đồng dịch vụ khống, 80 hợp đồng mua bán tài sản có kỳ hạn để thu phí của khách hàng có nhu cầu vay vốn và mua ngoại tệ của OceanBank tổng số tiền gần 69 tỷ đồng. Trong đó, nữ Chủ tịch HĐQT công ty BSC ký 98 hợp đồng dịch vụ (48 hợp đồng có chữ ký nháy của Phạm Hoàng Giang), thu số tiền hơn 14 tỷ đồng.

Theo lời khai của Tứ, do các hợp đồng này đã được khách hàng ký trước và trên hợp đồng ghi bản thân cô là đại diện Công ty BSC nên nữ chủ tịch phải ký để hoàn thiện. Thực chất cô không biết bản chất và mục đích của hợp đồng là gì.

Ngoài ra, tài liệu điều tra còn xác định Tứ đã 3 lần nhận tổng số tiền hơn 6,64 tỷ đồng của Công ty BSC chi theo chỉ đạo của Lê Thị Minh Nguyệt để chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn (Tổng giám đốc, ủy viên HĐQT Oceanbank và đại diện phần vốn góp của PVN tại ngân hàng). Tứ khai đưa cho Sơn tại phòng làm việc của Sơn ở 18 Láng Hạ, Hà Nội, không biết là tiền gì, không được hưởng lợi gì.

Như vậy, hành vi của Tứ với cương vị là Chủ tịch HĐQT của Công ty BSC đã giúp sức cho Hà Văn Thắm sử dụng Công ty BSC để thu phí, lấy tiền chi theo yêu cầu của Sơn.

Đồng thời, việc Tứ trực tiếp ký 98 hợp đồng dịch vụ thu được số tiền 14,1 tỷ đồng để Thắm sử dụng chi cho Sơn chiếm đoạt và Tứ trực tiếp chuyển số tiền 6,64 tỷ đồng của công ty BSC chi cho Sơn để Sơn chiếm đoạt số tiền này là đã cùng Hà Văn Thắm giúp sức cho hành vi phạm tội của Nguyễn Xuân Sơn.

Quá trình điều tra, Hoàng Thị Hồng Tứ không biết mục đích việc ký hợp đồng dịch vụ, thu phí và việc sử dụng số phí thu được và tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Gia đình Tứ có hoàn cảnh khó khăn, 2 anh trai bị nhiễm chất độc da cam, bố là thương bệnh binh nên cơ quan điều tra đề nghị xem xét, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho nữ bị can khi bị đưa ra xét xử.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên