MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều chỉnh giá điện như nào là phù hợp?

12-08-2023 - 12:33 PM | Thị trường

Giá điện là mặt hàng nhạy cảm, tác động trực tiếp tới đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nên việc điều chỉnh thời điểm thay đổi giá được người dân đặc biệt quan tâm.

Người dân lo lắng về điều chỉnh giá điện

Mới đây, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng để phản ánh kịp thời những biến động thông số đầu vào tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, tránh treo chưa thanh toán các chi phí phát sinh thực tế dẫn tới giá điện tăng đột biến trong một lần điều chỉnh. Bởi thực tế từ việc điều chỉnh giá điện vừa qua, giá thành sản xuất điện tăng vọt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải xin tăng giá để đảm bảo dòng tiền thanh toán cho các đối tác họ mua điện.

Cũng tại Dự thảo về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương có nêu: giá điện sẽ có tăng, có giảm và Tập đoàn điện lực Việt Nam sẽ có thẩm quyền điều chỉnh 3% đến dưới 5% khi có biến động các thông số đầu vào.

Điều chỉnh giá điện như nào là phù hợp? - Ảnh 1.

Mới đây, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng (Ảnh minh họa: KT)

Trước những thông tin này, nhiều người dân như chị Ngô Thị Thúy, nhân viên nghiên cứu thị trường của một công ty tiếp thị đứng ngồi không yên. Với suy nghĩ, điều chỉnh giá thường chỉ có tăng, nếu có giảm thì cũng không đáng kể, chị Thúy cho rằng rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện xuống 3 tháng sẽ khiến người dân phải chịu sự tăng giá 4 lần trong 1 năm.

Là một doanh nghiệp nhỏ kinh doanh mặt hàng thực phẩm, anh Nguyễn Văn Quý cũng cảm thấy băn khoăn trước việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện. Bởi lẽ, mỗi tháng, cơ sở của anh cũng phải chi một khoản kha khá cho tiền điện.

“Mỗi tháng chi trả cho tiền điện cũng khá lớn, con số cũng lên đến chục triệu. Điều tôi quan tâm nhất hiện nay là mức điều chỉnh giá điện sẽ là tăng hay giảm vì thực sự sau Covid – 19, chúng tôi làm ăn cũng gặp nhiều khó khăn nên nếu mà điện tăng 3 tháng một lần thì đúng là quá khó cho các doanh nghiệp như chúng tôi”, anh Quý chia sẻ.

Còn với chị Phạm Minh Hoa ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, điều mà chị quan tâm không phải ở việc tăng hay giảm giá điện, rút ngắn hay kéo dài thời gian điều chỉnh mà cốt yếu làm sao phải đúng, phải phù hợp với điều kiện thực tế, tránh gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Điều chỉnh giá điện thế nào cho phù hợp?

Khoảng 2 năm trở lại đây, biến động về giá của các loại nhiên liệu, năng lượng như than đá, dầu thô và xăng dầu thành phẩm… trên thị trường thế giới tác động mạnh tới thị trường trong nước, đặc biệt là ảnh hưởng tới công tác đầu tư vào ngành điện. Chính vì vậy, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, đây là thời điểm chúng ta cần điều chỉnh về giá điện.

“Đã đến lúc chúng ta cần xem xét tăng giá một số mặt hàng công cộng, ví dụ như điện, nước, xăng dầu hay giáo dục, y tế… Việc giá bao nhiêu, thời gian thế nào, mức độ ra sao thì cần phải được tính toán một cách rất cẩn trọng, để từ đó không gây nên sự xáo trộn trong mặt bằng giá cả của nền kinh tế cũng như đảm bảo nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh cũng như đảm bảo an sinh xã hội. Và trên cơ sở đó, tiếp tục giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế và giúp cho việc kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhưng tăng trưởng (GDP) có thể đạt cao nhất…”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định.

Điều chỉnh giá điện như nào là phù hợp? - Ảnh 2.

Giá điện cần được điều chỉnh cho phù hợp, giúp sản xuất kinh doanh điện hoạt động bình thường (Ảnh minh họa: KT)

Nếu chúng ta thực hiện điều hành giá điện theo quy định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì Tập đoàn điện lực Việt Nam được quyền điều chỉnh giá 6 tháng/lần nếu các thông số đầu vào biến động tăng 3% trở lên so với giá bán hiện hành, Thủ tướng Chính phủ có quyền điều chỉnh giá khi giá bán điện bình quân tính toán cao hơn giá điện hiện hành từ 10%, khi ấy, những khó khăn về dòng tiền của sản xuất kinh doanh điện đã được giải quyết.

Tuy nhiên, trong thực tế, để thực hiện mục tiêu kiểm soát và kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, Việt Nam đã giữ ổn định giá bán điện từ tháng 3/2019 đến nay trong điều kiện giá bán điện thấp hơn chi phí sản xuất, gây lỗ cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, giá điện cần được điều chỉnh cho phù hợp, giúp sản xuất kinh doanh điện hoạt động bình thường là điều cần thiết lúc này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài Chính bày tỏ.

Việc giảm thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện xuống còn 3 tháng và quy định điều chỉnh giá có tăng có giảm sẽ dần xoá bỏ tình trạng giá bán lẻ điện thấp hơn giá thành sản xuất, đảm bảo có lãi trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện, giúp doanh nghiệp và hộ gia đình điều chỉnh kế hoạch sử dụng điện. Bên cạnh đó, việc giảm thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện sẽ truyền đi tín hiệu giá điện cũng sẽ điều chỉnh theo cơ chế thị trường có lên, có xuống để doanh nghiệp và người dân không tâm tư, giảm thiểu lạm phát kỳ vọng khi giá điện biến động.

Cùng với đó, tạo nguồn tài chính để ngành điện mở rộng và tăng năng lực cung ứng điện cho nền kinh tế, đưa giá điện tiến tới giá thị trường, phản ánh đúng quy luật cung cầu sẽ là động lực để Tập đoàn điện lực Việt Nam, khu vực ngoài nhà nước và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tham gia đầu tư vào sản xuất, kinh doanh điện. Điều này đặc biệt quan trọng và cần thiết trong xu thế tất yếu của chuyển đổi sang sản xuất năng lượng tái tạo.

Giá bán lẻ điện được điều chỉnh nhanh hơn, linh hoạt hơn cũng là bước đầu thực hiện Nghị quyết số 55 - NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó là áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài Chính, khi thị trường điện nước ta phát triển theo mô hình thị trường điện cạnh tranh, ngành điện sẽ đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao của đất nước, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời, tạo nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Bên cạnh đó, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cũng đưa khuyến cáo, giá điện tăng thì doanh nghiệp thuộc một số ngành có chi phí điện năng khá lớn sẽ là những doanh nghiệp bị tác động lớn nhất. Giải pháp là phải tăng cường các hoạt động đầu tư liên quan đến vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là cần phải cân nhắc sử dụng thêm những nguồn tự phát, tự dùng - ví dụ như điện mặt trời mái nhà, sử dụng sinh khối hoặc là những nguồn mua ở mức độ có thể quản lý được, như thế sẽ tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào cung ứng từ phía Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng như là việc điều chỉnh tăng giá ở mức giá cao.

Có thể nói, việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện cần phải được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo phản ánh đầy đủ các yếu tố chi phí. Cùng với đó, cần có cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân đảm bảo minh bạch các thông tin đầu vào, kết quả đầu ra. Từ đó, hướng đến việc điều chỉnh giá điện một cách kịp thời, phù hợp, phản ánh sát thực với chi phí phát sinh, biến động trên thị trường. Có như vậy việc điều chỉnh mới thực sự đem lại hiệu quả cao.

Theo Thu Hằng

VOV

Trở lên trên