Doanh nghiệp dệt may linh hoạt sản xuất, chuyển tìm đơn hàng nhỏ và khó
Lần đầu tiên trong 10 năm qua, xuất khẩu dệt may quý I của Việt Nam giảm so cùng kỳ (trừ quý I/2020 xảy ra đại dịch COVID-19), mức giảm sâu xấp xỉ 20% tương đương trị giá 2 tỷ USD.
- 15-04-2023Doanh nghiệp dệt may triển khai hàng loạt giải pháp nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường
- 08-04-2023Doanh nghiệp dệt may nỗ lực vượt khó khi đơn hàng vẫn khan hiếm
- 29-03-2023Sự thật buồn: Rất ít doanh nghiệp dệt may của Việt Nam xuất khẩu bằng thương hiệu riêng
Xuất khẩu sụt giảm mạnh
Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, tháng 3/2023 kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tiếp tục giảm 15% so cùng kỳ năm 2022, đạt 3,2 tỷ USD. Lũy kế hết quý I/2023 xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 8,6 tỷ USD, giảm 19% so cùng kỳ năm ngoái.
“Đây là quý thứ 2 liên tiếp xuất khẩu dệt may Việt Nam, bao gồm cả sợi tăng trưởng âm kể từ quý IV năm 2022 và cũng là lần đầu tiên sau 10 năm (trừ quý I/2020 xảy ra dịch COVID-19) dệt may Việt Nam có quý I xuất khẩu giảm so cùng kỳ, mức giảm sâu xấp xỉ 20% tương đương trị giá 2 tỷ USD”, ông Vương Đức Anh nhấn mạnh.
Theo ông Vương Đức Anh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tác động của tình hình thế giới, khi các vụ phá sản ngân hàng ở Mỹ, Thụy Sỹ xảy ra liên tiếp trong tháng 3 đẩy nền kinh tế thế giới đứng trước rủi ro suy thoái. Nhu cầu tiêu thụ dệt may tiếp tục suy yếu, tình hình thị trường chuyển biến nhanh theo hướng kém tích cực. Tác động của “cơn gió ngược” đã bắt đầu rõ nét trong quý I này.
Về thị trường xuất khẩu, trong tháng 3/2023 chỉ duy nhất thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc duy trì tăng nhẹ so cùng kỳ, tăng lần lượt 9% và 2%, kim ngạch đạt 340 triệu USD và 330 triệu USD. Các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, Trung Quốc xuất khẩu tiếp tục suy giảm.
Trong khi đó, tồn kho của các nhãn hàng lớn vẫn ở mức cao. Doanh thu tăng nhẹ nhưng lợi nhuận giảm sâu. Tồn kho của Nike đến hết quý I/2023 tăng 16% so với cùng kỳ. Doanh thu thuần tăng 14% nhưng lợi nhuận ròng giảm 11% so với cùng kỳ. Còn H&M, quý I/2023 tồn kho tăng 4% so với cùng kỳ. Hanes tồn kho năm 2022 tăng 24,9% so với năm ngoái. Doanh thu thuần giảm 8,3%. Lợi nhuận ròng âm 127 triệu USD trong khi năm trước dương 77 triệu USD.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, năm 2022 với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 44,4 tỷ USD, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh và tốc độ tăng trưởng đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Bangladesh. Đáng lưu ý, 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của toàn ngành và của nhiều doanh nghiệp đã vượt kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2022, đặc biệt là quý I năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam bị giảm 18,9% so với cùng kỳ. “Đây là kết quả rất thấp so với các quý hơn một chục năm trở lại đây”, ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh.
Tìm kiếm đơn hàng, linh hoạt sản xuất
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, trong thời điểm rất khó khăn như hiện nay, mỗi doanh nghiệp, đơn vị thực hiện tiết kiệm triệt để, nghiêm túc những chi phí thường xuyên. Vinatex tiếp tục thực hiện công tác chuyển đổi số, quản trị số tập trung.
“Hiện nay, nhiều đơn vị thiếu đơn hàng, đơn hàng nhỏ lẻ thì cũng chính là thời điểm thuận lợi trong việc đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng chuyên nghiệp trong điều hành, sản xuất kinh doanh”, ông Lê Tiến Trường cho hay.
Trước dự báo tình hình kinh tế, thị trường khó khăn còn kéo dài đến hết năm 2023, tổng cầu thế giới tiếp tục giảm, cầu ở mức thấp và thấp hơn tổng cầu năm 2020 khi có dịch COVID -19 (do có cầu về hàng y tế); các nền kinh tế đầu tàu khả năng rơi vào khủng hoảng trong khi Trung Quốc mở cửa với các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các DN trong nước; xu thế giảm việc làm, giảm lao động là tất yếu trong thời gian tới… Vinatex dự báo trong quý 2/2023, tình hình đơn hàng có thể cải thiện về số lượng nhưng tiếp tục khó khăn về đơn giá khi áp lực chi phí cao, biên lợi nhuận của doanh nghiệp chưa được cải thiện; dư địa phát triển ngành may chỉ là đơn hàng nhỏ, phức tạp; ngành sợi sẽ có cải thiện hơn nếu doanh nghiệp mua được giá bông mới, xuất khẩu đến các thị trường ngoài Trung Quốc…
Đại diện Vinatex cho hay, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ thực hiện phòng dịch trong sản xuất, tất cả các đơn vị xây dựng kế hoạch hoạt động ở mức “năng lượng thấp” theo các kịch bản để chủ động tình huống ứng phó trong sản xuất kinh doanh, vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay. Cùng với đó, tạm dừng những chi phí chưa cấp thiết, chỉ ưu tiên chi phí phát triển thị trường, chi phí đầu tư bỏ ra và thu hồi được hiệu quả trong năm 2023.
"Đặc biệt, các doanh nghiệp dệt may sẽ linh hoạt tổ chức sản xuất kinh doanh, thích ứng tìm kiếm và làm hàng đơn hàng nhỏ, hàng khó. Quan tâm yếu tố chất lượng sản phẩm để cạnh tranh bán hàng và giữ uy tín với khách hàng", ông Lê Tiến Trường nhận định.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, ngành dệt may đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu bền vững với mức tăng trung bình từ 8 - 15% mỗi năm, góp phần thực hiện mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp dệt may đang gặp một số khó khăn trong việc tìm kiếm và duy trì thị trường, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.
Để khắc phục những khó khăn nêu trên, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, thay vì chiều rộng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.
Bên cạnh đó, để đạt được các mục tiêu đã đặt ra đến năm 2030, ngành Dệt may Việt Nam cần thay đổi tư duy trong tầm nhìn, chiến lược, trong đó, cần tập trung phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh quy mô lớn; đầu tư thiết bị hiện đại, tự động hóa cao; quản trị tự động theo thời gian thực, sản xuất xanh sạch, thân thiện môi trường...
Báo tin tức