MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp địa ốc: Nhiều người 'ngồi chơi', có nơi 'bay' cả nghìn lao động

04-04-2023 - 13:58 PM | Bất động sản

Báo cáo tài chính năm 2022 sau kiểm toán dần được các công ty công bố ra thị trường cho thấy một thực trạng đáng buồn ở nhiều doanh nghiệp bất động sản khi lượng nhân viên “teo tóp” đi đáng kể. Tình cảnh nhân sự ngành này "ngồi chơi", chuyển nghề, làm thêm online... phổ biến.

Doanh nghiệp hàng đầu cắt giảm cả nghìn nhân sự

Cùng trong một nhà, Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) và Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (DXS) đều có nhân sự giảm nhiều hàng đầu thị trường khi mỗi bên cắt giảm đến hàng nghìn nhân sự.

Cụ thể tại DXG, số lượng nhân viên của Tập đoàn tại ngày 31/12/2022 là 3.773 người, trước đó cuối 2021, DXG vẫn còn 6.433 nhân sự. Tuy đã giảm mạnh nhân sự tuy nhiên chi phí lương cho nhân viên của DXG vẫn chưa tiết giảm được.

Trong khoản mục chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí lương mà DXG chi trong năm 2022 là gần 460 tỷ đồng, cao hơn 19% so với năm trước. Ngoài ra, DXG cũng chi một khoản lương được hạch toán theo chi phí bán hàng là 419 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí môi giới năm 2022 chỉ chi trả hơn 114 tỷ đồng, giảm mạnh so với năm 2021 là 1.024 tỷ đồng cho thấy tình hình môi giới bất động sản năm qua không được tích cực.

Năm 2022, DXG ghi nhận kết quả kinh doanh với 5.511 tỷ đồng doanh thu thuần và 533,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 45% và 66% so với năm trước.

Doanh nghiệp địa ốc: Nhiều người 'ngồi chơi', có nơi 'bay' cả nghìn lao động - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo tài chính năm 2022 của các doanh nghiệp.

Lãnh đạo DXG cho biết, sự sụt giảm lợi nhuận là do khó khăn chung của thị trường bất động sản dẫn đến doanh số bán hàng ở mảng dịch vụ sụt giảm, trong khi công ty chưa kịp ghi nhận doanh thu lợi nhuận từ các dự án do công ty làm chủ đầu tư và đã triển khai bán hàng thành công.

Mới đây, Công ty CP Chứng khoán VNDirect đã có những phân tích về doanh nghiệp bất động sản này. VNDirect cho rằng, nếu tình hình mở bán các dự án mới và tiến độ bàn giao kém khả quan kéo dài những năm tới khiến cho dòng tiền kinh doanh của Đất Xanh tiếp tục thâm hụt lớn như hiện nay, điều này sẽ tạo áp lực lớn lên khả năng thanh toán của DXG.

Trong hệ thống các công ty con của DXG có DXS giảm mạnh nhất với hơn 2.700 người, tương đương 45% nhân sự của doanh nghiệp. Hiện DXG đang nắm hơn 56% cổ phần tại DXS. Năm 2022, DXS đặt mục tiêu cao khi đề ra kế hoạch doanh thu 8.400 tỷ, lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ 1.250 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tình hình khó khăn khiến DXS chỉ đạt được 344,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tức 27% mục tiêu đề ra. Tài liệu họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 cho biết, DXS sẽ trình lên cổ đông kế hoạch doanh thu dự kiến 3.800 tỷ đồng và lãi ròng 126 tỷ đồng cho năm 2023, còn thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 vừa qua.

Nếu DXG và DXS có số lượng nhân viên sụt giảm lên đến hàng nghìn người thì ở một số công ty bất động sản khác, tuy lượng nhân viên giảm ở mức vài trăm, vài chục người nhưng lại hụt đến hơn nửa nhân sự của công ty.

Đơn cử như Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi (mã NRC) đã giảm hơn 85% nhân sự trong năm 2022 từ 1.007 người xuống chỉ còn 149 người vào thời điểm 31/12/2022.

Báo cáo tài chính kiểm toán của doanh nghiệp này cũng chỉ ra hàng loạt vấn đề ảnh hưởng đến sự liên tục của tập đoàn như khoản phải trả người lao động tại ngày 31/12/2022 là hơn 11 tỷ đồng và tập đoàn đã nhận quyết định của Cục thuế TPHCM về việc ngừng sử dụng hóa đơn từ ngày 14/11/2022 đến 13/11/2023.

Về kết quả kinh doanh, Danh Khôi ghi lỗ ròng hơn 72 tỷ đồng trong năm 2022 do vừa lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh cốt lõi vừa lỗ thêm 8 tỷ đồng từ các hoạt động khác.

Làn sóng giảm nhân sự

Một doanh nghiệp khác cũng cắt giảm đến 67% nhân sự toàn hàng là Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH). Tại ngày 31/12/2022, số lượng nhân viên của TDH hợp nhất là 68 người trong khi hồi đầu năm, con số này là 205 người trong khi TDH vẫn còn 3 công ty con trực tiếp.

Sau khi kiểm toán, lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2022 của TDH cũng đã "bay màu" hơn 72% giá trị, giảm từ 30 tỷ đồng từ báo cáo tài chính tự lập xuống còn 8,1 tỷ đồng sau kiểm toán. Được biết, sự chênh lệch này đến từ việc tăng chi phí tài chính do tăng trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư, tăng chi phí quản lý do tăng trích lập dự phòng các khoản công nợ phải thu quá hạn, điều chỉnh giảm thu nhập khác từ hoạt động thanh lý tài sản đồng thời ghi nhận tăng chi phí khác của dự án đã hoàn thành của công ty và tăng thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại do trích trước chi phí xây dựng.

TDH gặp khá nhiều biến động trong thời gian vừa qua khi dính líu đến vụ án hình sự liên quan đến hoạt động kinh doanh linh kiện điện tử giai đoạn 2017 - 2029 gây ra xáo trộn hàng loạt trong cơ cấu lãnh đạo doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh.

Tháng 3 vừa qua, TDH còn bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của công ty tại ngân hàng với số tiền bị cưỡng chế là gần 91 tỷ đồng.

Ngoài những doanh nghiệp này, thị trường cũng chứng kiến một số doanh nghiệp bất động sản sa sút trong năm 2022 dẫn đến việc phải cắt giảm nhân sự, ví dụ như Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân chỉ còn 25 nhân viên, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia đã giảm gần 30% nhân sự nay chỉ còn 61 người…

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản rơi vào cảnh ảm đạm, kéo theo thanh khoản và sức mua giảm mạnh. Tình cảnh nhân sự ngành này ngồi chơi, chuyển nghề, làm thêm online... phổ biến. Số liệu quý I vừa qua cũng cho thấy bất động sản, xây dựng ở một số thành phố sầm uất như TPHCM tăng trưởng âm.

Trong quý I, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là hơn 60.000, vẫn cao hơn số gia nhập và tái gia nhập thị trường với gần 57.000. Khi doanh nghiệp khó khăn, người lao động sẽ rơi vào cảnh mất hoặc thiếu việc làm.

Theo Nguyên Mạnh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên