MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp ngành than kinh doanh có lãi nửa đầu 2017

06-08-2017 - 14:56 PM | Doanh nghiệp

Cả 8 doanh nghiệp ngành than trên sàn niêm yết đều đã công bố KQKD có lãi trong quý 2 và nửa đầu năm 2017.

Bước tranh về tình hình sản xuất kinh doanh của ngành than đã dần sáng tỏ khi cả TKV và các doanh nghiệp than trên sàn niêm yết đều đã công bố con số lợi nhuận khả quan so với cùng kỳ. Theo đó, mới đây Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã báo cáo kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm với chỉ tiêu doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 54.577 tỷ đồng tăng 13% so với cùng kỳ, đáng chú ý than xuất khẩu đạt 719.000 tấn tăng 249% so cùng kỳ, tập đoàn dự kiến 6 tháng lãi 1000 tỷ đồng trong khi mục tiêu kinh doanh của cả năm cũng là có lãi 1.000 tỷ đồng - Như vậy kết thúc nửa năm TKV đã hoàn thành được mục tiêu lợi nhuận. Cùng với Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), các doanh nghiệp than trên sàn niêm yết cũng đã công bố KQKD trong quý 2 và nửa đầu năm 2017.

Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng

Riêng quý 2, có tới 7/8 doanh nghiệp than có mức doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ trong đó mức tăng mạnh nhất thuộc về Than Cao Sơn (TCS) với doanh thu trong kỳ đạt gần 1.190 tỷ đồng tăng gần 52% so với cùng kỳ chỉ duy nhất Than Cọc Sáu (TC6) có doanh thu giảm sút so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, TC6 giảm 18% về doanh thu, MDC chỉ giảm sút nhẹ, các doanh nghiệp than còn lại đều có doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ. Đối với ngành than doanh thu cao đóng góp tích cực vào con số lợi nhuận trong kỳ kinh doanh đó.

Với mức doanh thu tăng trưởng nên các doanh nghiệp ngành than đều công bố KQKD có lãi trong quý 2 và nửa năm 2017 trong đó riêng quý 2 Than Hà Lầm (HLC) lãi cao nhất với hơn 18 tỷ đồng tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái, một số doanh nghiệp than khác cũng đã có con số lợi nhuận rất tích cực trong đó Than Mông Dương, Than Đèo Nai, Than Cọc 6 có lãi trong khi cùng kỳ thua lỗ, Than Núi Béo báo lãi 9,7 tỷ đồng giảm 15,6% do trong kỳ thời tiết mưa nhiều, điều kiện khai thác gặp nhiều khó khăn, ngoài ra đây mới chỉ là con số tạm tính do công ty vẫn chưa quyết toán chi phí với TKV. Than Cao Sơn cũng có mức lợi nhuận giảm do trong kỳ công ty thanh toán cho 66 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động với chi phí 833 triệu đồng. Lý giải về nguyên nhân lợi nhuận tăng trưởng, Than Vàng Danh cho biết do chất lượng than tốt, giá bán tăng trong khi đó Than Mông Dương lãi tăng do tiết kiệm được chi phí tài chính.

Vẫn còn nhiều khó khăn phía trước

Mặc dù bức tranh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp than có vẻ khả quan hơn so với cùng kỳ tuy nhiên vẫn còn bộc lộ rất nhiều khó khăn. Kết thúc nửa đầu năm 2017 ngoại trừ Than Hà Lầm (hoàn thành được 86% kế hoạch) và Than Núi Béo (hoàn thành 81% kế hoạch) các doanh nghiệp còn lại đều có tỷ lệ hoàn thành mục tiêu kinh doanh ở mức rất thấp, mặc dù kế hoạch kinh doanh đều giảm so với 2016.

Tính đến 30/6/2017, các doanh nghiệp này còn đang có lượng than tồn kho lớn, 8 doanh nghiệp tồn kho tổng cộng hơn 2.283 tỷ đồng tăng 53% so với đầu kỳ. Nợ phải trả cũng đang ở mức rất cao, 8 doanh nghiệp nợ tổng cộng 11.745,5 tỷ đồng chiếm khoảng 85% trong tổng nguồn vốn, thậm chí hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Than Hà Lầm lên tới gần 14 lần, Than Vàng Danh là gần 7 lần.

Bên cạnh đó ngành than còn phải đối mặt với những khó khăn về điều kiện thời tiết và địa chất xuống sâu, phức tạp, đặc biệt khi bước vào quý III thường là thời điểm khó khăn nhất vì mưa nhiều. Ngoài ra doanh nghiệp than còn gặp thách thức trong việc tuyển dụng, giữ chân thợ lò. Theo ông Tạ Văn Bền - Phó Giám đốc Công ty Than Mông Dương hiện Công ty đang thiếu so với yêu cầu khoảng 150 người, đối với các đơn vị sản xuất hầm lò, tuyển dụng và giữ chân thợ lò đang là một thách thức lớn, ảnh hưởng tới sản xuất của công ty.

Theo ông Nguyễn Tiến Chỉnh - nguyên Trưởng ban Khoa học công nghệ và Chiến lược phát triển (TKV) cho rằng: “Cái khó của ngành than Việt Nam là than quy mô manh mún, điều kiện địa chất phức tạp. Mặc dù có công nghệ tiên tiến nhưng điều kiện để áp dụng, triển khai công nghệ lại bị hạn chế bởi tính quy mô. Vì thế, hợp lý nhất vẫn là áp dụng công nghệ phù hợp trong từng điều kiện khai thác cụ thể, nơi nào có điều kiện cơ giới hóa phải tổ chức cơ giới hóa tối đa”.

Minh Hương

HNX

Trở lên trên