Doanh nghiệp "tìm đường" trở lại: Cần lộ trình cụ thể
Nhà nước cần có khung pháp lý rõ ràng để doanh nghiệp tái hoạt động bên cạnh việc tiếp tục đưa ra chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa, nhất là với những doanh nghiệp có triển vọng phát triển ở giai đoạn "hậu Covid-19".
- 21-09-2021Giải mã thuật ngữ kinh tế mới: Pandexit
- 20-09-2021Từ các dự án xây cầu ở Mỹ, Thuỵ Điển, Trung Quốc đến cầu 8.900 tỷ đồng nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên: Tác động kinh tế mang lại là gì?
- 20-09-2021Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Không phải cứ có ca F0 là đóng cửa toàn bộ nhà máy!
Trong khi doanh nghiệp (DN) tại các KCX-KCN ở quận 7, Củ Chi và Khu Công nghệ cao TP HCM có cơ hội thí điểm phương thức sản xuất phù hợp thì DN tại các khu vực khác vẫn ngóng hướng dẫn.
Đã sẵn sàng nhưng...
Ông Trần Việt Anh, Tổng Ciám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, cho biết công ty ông cũng như nhiều DN khác đã liên tục thất hứa với khách hàng lẫn người lao động (NLĐ) vì chưa thể tái phục hồi sản xuất như kỳ vọng. Hiện nhiều công ty chỉ còn 5%-10% công nhân sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" với năng suất cực thấp nên không thể đáp ứng đơn hàng. "DN cần có câu trả lời rõ ràng là khi nào được đi lại, hoạt động bình thường trong điều kiện tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch.
NLĐ đã được tiêm 2 mũi vắc-xin có thể đi làm bình thường được không, điều kiện kèm theo là gì? Trong thời gian chờ đợi những hướng dẫn đó, chúng tôi khó lòng xoay xở thêm. Nhà nước và thành phố cần giao quyền tự chủ cho DN nhiều hơn nữa và mỗi DN sẽ tự xây dựng một quy trình kiểm soát, phòng dịch một cách chặt chẽ hơn" - ông Việt Anh nêu quan điểm.
Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (Lefaso) có 2/3 số DN hội viên đóng trên địa bàn TP HCM nhưng chưa có DN nào thuộc diện được thí điểm phương thức sản xuất phù hợp trong giai đoạn từ nay đến ngày 23-9. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Lefaso, cho biết từ cách nay khá lâu, các DN thuộc hiệp hội đã xin được áp dụng sản xuất theo mô hình "3 xanh" (nhà máy xanh, cung đường xanh và nơi ở xanh) nhưng chưa được chấp thuận. "Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần, luôn luôn sẵn sàng để tái khởi động sản xuất bất cứ lúc nào nhưng đáng tiếc là đến giờ vẫn chưa có kế hoạch cụ thể. Số lượng DN được thí điểm phương thức sản xuất phù hợp hiện cũng không nhiều và chưa giúp ích được cho việc hồi phục của ngành bởi ngành này cần vận hành theo chuỗi với hàng loạt DN, đơn vị sản xuất liên quan đến nhau" - bà Xuân nói.
Các tour du lịch thí điểm đem lại kỳ vọng ngành du lịch TP HCM sẽ sớm hồi phục. Trong ảnh: Du khách tham quan tour Cần Giờ thí điểm ngày 19-9. Ảnh: LAM GIANG
Để có thể hoạt động trở lại trong điều kiện "bình thường mới", Tổng Thư ký Lefaso kiến nghị nhà nước hỗ trợ DN xây dựng hệ thống y tế tại chỗ để DN chủ động ứng phó với diễn biến của dịch bệnh và tạo tâm lý an tâm hơn cho NLĐ. Đặc biệt, cần cho DN được tự xây dựng phương án mở cửa phù hợp với điều kiện thực tế.
May mắn hơn, ngành du lịch TP HCM đã rục rịch khởi động lại trong bối cảnh Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với lĩnh vực này làm cơ sở quan trọng để tính đến chuyện đón khách trở lại. Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, cho biết công ty vừa khởi động lại tour thí điểm đón khách đầu tiên đến Cần Giờ và sẵn sàng kích hoạt các tuyến du lịch dự kiến mở thí điểm đón khách trở lại tại Phú Quốc, Côn Đảo..., nếu các địa phương có những bộ tiêu chí an toàn, rõ ràng. "Điều DN cần lúc này là các bộ tiêu chí ở các địa phương cần đồng bộ, thống nhất để cùng triển khai bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên kết chặt chẽ với nhau" - ông Dũng bày tỏ.
Cần hỗ trợ nhiều hơn
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, nhấn mạnh yêu cầu thay đổi chiến lược chống dịch và khởi động lại nền kinh tế là rất cấp bách, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của DN, người dân. "Chúng tôi xác định đây là một lộ trình dài hơi chứ không thể ngày một ngày hai bởi tất cả DN không thể đạt 100% công suất ngay lập tức hoặc trong thời gian ngắn do hầu hết đều bị ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng gián đoạn, số NLĐ làm việc thực tế giảm, xuất khẩu khó khăn" - bà Chi bày tỏ.
Theo bà Lý Kim Chi, để sẵn sàng cho phục hồi sản xuất trong trong trạng thái "bình thường mới", yếu tố then chốt hiện nay DN cần là được hoàn thành tiêm 2 mũi vắc-xin cho NLĐ sớm nhất có thể. Cùng với đó, cần có sự phối hợp nhất quán trong triển khai các chính sách, quy định trên toàn quốc, bao gồm: quản lý khai báo phòng chống dịch, vận chuyển, xét nghiệm nhanh, chính sách khi phát hiện F0... phù hợp với điều kiện, tình hình mới. "Các địa phương cần trao quyền chủ động về mô hình, phương thức tổ chức, vận hành phòng chống dịch cho DN và cho phép DN được tự kích hoạt lại trạng thái sản xuất với sự giám sát phù hợp... làm cơ sở để từng bước tiến đến 100% số lượng NLĐ trở lại làm việc bình thường. Đặc biệt, triển khai khẩn cấp các giải pháp hỗ trợ DN, nhất là DN có triển vọng phát triển trong giai đoạn "hậu Covid-19", phù hợp với sự biến đổi nhanh của thời đại cách mạng công nghệ 4.0; xem xét tăng thêm quy mô, mở rộng thêm phạm vi bao phủ của các chính sách hỗ trợ về thuế, lãi suất; thúc đẩy đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng như thiết bị phụ tùng y tế, vắc-xin, đổi mới sáng tạo; phát huy sức mạnh của kinh tế vùng..." - bà Chi kiến nghị.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, nhìn nhận người dân hiện nay đã biết về dịch Covid-19 nên tâm lý không còn nặng nề như trước và sẵn sàng quay trở lại làm việc. DN cũng rất muốn hồi phục sản xuất sau thời gian giãn cách kéo dài. "Nhà nước cần có khung pháp lý rõ ràng để DN hoạt động, ví dụ quy định về xử lý các ca F0 phát sinh theo kiểu khoanh vùng hẹp, tránh phải đóng cửa cả nhà máy hoặc quy định về việc di chuyển của NLĐ giữa các tỉnh, thành. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn nhà nước có quy định để DN có thể được BHXH, BHYT chi trả khoản chi phí xét nghiệm Covid-19 cho NLĐ..." - ông Thứ đề xuất.
Duy trì vùng xanh trong doanh nghiệp
Ngày 20-9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành về tình hình hoạt động, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp phục hồi hoạt động của các KCN-KCX, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp.
Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, DN trong KCN-KCX... tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội bị ảnh hưởng lớn. Mặc dù đã có nhiều nghị quyết của Chính phủ, sự vào cuộc của các ngành, địa phương... nhưng sản xuất ở các KCN vẫn còn khó khăn, ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ là phục hồi sản xuất nhưng phải bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng chống dịch bệnh.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy DN trong các KCN-KCX... đã xây dựng các phương án phòng chống dịch hiệu quả. Tuy nhiên, đa phần DN gặp khó khăn liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy gây thiếu nguồn cung đầu vào và thị trường đầu ra; công tác tuyển dụng, giữ chân NLĐ, giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh của chuyên gia còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành có hướng dẫn phòng chống dịch chưa hợp lý, cứng nhắc khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn nghiêm trọng...
Để tháo gỡ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, DN tăng cường phối hợp, tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách của trung ương. Tùy theo tình hình của địa phương, DN chủ động xây dựng phương án sản xuất, có giải pháp kiểm soát dịch bệnh. Các địa phương sớm tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai tinh thần phục hồi sản xuất; hướng dẫn DN xây dựng phương án phục hồi, bảo đảm lưu thông hàng hóa, kiểm soát dịch bệnh, duy trì vùng xanh trong DN. Bộ Y tế tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh quốc gia ưu tiên vắc-xin để tiêm cho công nhân, NLĐ trong các DN; hướng dẫn địa phương xác định, xây dựng vùng xanh phục hồi sản xuất. Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục thanh tra, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa, hạn chế thấp nhất ách tắc hàng hóa...
M.Chiến
Không mở cửa sớm sẽ mất khách
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group (chuyên xuất khẩu nông sản), rất băn khoăn khi đến nay mới chỉ 60% nhân viên được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19, số lượng còn lại vẫn chưa rõ lịch tiêm dù đã đăng ký. Điều này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu trở lại của DN. "Nếu không sớm mở cửa trở lại thì khách hàng nhập khẩu sẽ dần chuyển sang mua ở các nước đối thủ. Bản thân chúng tôi cũng đã sớm có mục tiêu nhắm đến nhóm khách hàng tại thị trường nội địa là các DN mua sỉ làm quà tặng cho nhân viên, đối tác" - ông Tùng nói.
Người lao động