ĐHCĐ Bảo hiểm BIDV: Lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 1 nghìn tỷ
Phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược sẽ do HĐQT lựa chọn và quyết định. Tỷ lệ tối đa 30%.
Ngày 11/4/2014, tại trụ sở Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển đã diễn ra ĐHCĐ thường niên 2014 với sự tham gia của 91,9% đại diện cổ phần có quyền biểu quyết.
Năm 2013, mảng bảo hiểm xe cơ giới tiếp tục mang lại nhiều doanh thu phí bảo hiểm nhất cho BIC, đạt 308,3 tỷ đồng, chiếm gần 39% tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc. Bảo hiểm tài sản về vị trí quán quân với 17,4% tôngr doanh thu hí bảo hiểm, đạt 137,7 tỷ đồng. Đại diện BIC cho biêết, bảo hiểm xe máy là nghiệp vụ mới được tập trung triển khai trong 2 năm 2012 và 2013 đã tăng trưởng gấp 2 trong kỳ.
Tổng chi phí bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại của riêng BIC (Chưa tính liên minh bảo hiểm Lào Việt) ở mức 208 tỷ đồng, trong đó thực chi 179 tỷ đồng, tăng trích lập dự phòng bồi thường 29 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của các cơn bão lớn trong năm 2013 và vụ tổn thất máy bay của LaoAir, tỷ lệ bồi thường thuộc trách nhiệm bình quân toàn Tổng công ty tăng nhẹ, cao hơn 1,3% so với số bình quân năm 2012 (39,4%). Tuy nhiên, ông Phạm Quang Tùng, Chủ tịch HĐQT BIC nhấn mạnh, đây vẫn là mức tỷ lệ bồi thường thấp so với thị trường.
Kết quả năm 2013, BIC đạt Tổng doanh thu phí bảo hiểm 895 tỷ đồng, vượt kế hoạch 5,3%, LNTT đạt 122,3 tỷ đồng, vừa cán đích lợi nhuận cả năm (vượt 1,1%). Chỉ tiêu lợi nhuận nói trên được tính riêng BIC và tỷ lệ % lợi nhuận LVI theo tỷ lệ vốn góp của BIC vào LVI. Nếu theo báo cáo kiểm toán hợp nhất cả năm, LNTT của BIC đạt 125,6 tỷ đồng.
Kế hoạch doanh thu nghìn tỷ
HĐQT công ty đã đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2014 với chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm 1.000 tỷ đồng, tăng 11,7% so với kết quả thực hiện năm 2013. Tuy nhiên chỉ tiêu lợi nhuận được đề xuất thận trọng hơn với 130 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,5% so với năm 2013.
Chúng tôi lưu ý, chỉ tiêu LNTT năm 2014 của BIC đã được tính đến bao gồm cả phần lợi nhuận hợp nhất với Liên doanh bảo hiểm Lào Việt (LVI) và chưa bao gồm CVI do chưa xác định thời điểm chuyển nhượng cụ thể.
Năm 2014, BIC dự kiến tiếp tục đẩy mạnh bán bảo hiểm qua Banca, E-Biz, Telesales, đặc biệt mở rộng kênh bancas sang các ngân hàng ngoài BIDV.
Theo kế hoạch đầu quý 3/2014 sẽ khai trương hoạt động Liên doanh bảo hiểm BIDV – Metlife.
Phương án tăng vốn điều lệ
Thay mặt HĐQT, ông Phạm Quang Tùng, Chủ tịch HĐQT công ty đã trình ĐHCĐ thường niên phương án tăng vốn năm 2014. Có 3 mục tiêu chính của BIC khi đề ra phương án tăng vốn điều lệ, cụ thể như sau:
- Tác động đến kết quả định hạng tín nhiệm quốc tế.
- Đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư vào CVI và Liên doanh BIDV Metlife.
- Hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
2 phương án tăng vốn được đề ra:
Phương án 1: Thực hiện trả cổ tức 10% năm 2013 bằng cổ phiếu, sau đó phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tối đa 30% vốn điều lệ mới. Theo phương án này, vốn điều lệ mới của BIC có thể tăng từ 693 tỷ đồng hiện nay lên 1.089 tỷ đồng.
Phương án 2: Thực hiện trả cổ tức 10% bằng tiền, phát hành tối đa 30% cho cổ đông chiến lược. Theo phương án này, Vốn điều lệ của BIC có thể tăng lên 990 tỷ đồng.
Cân nhắc mặt tích cực và hạn chế của 2 phương án, HĐQT đề xuất ĐHCĐ thông qua phương án 1, theo đó vốn điều lệ sẽ tăng lên trên 1.000 tỷ đồng, sớm tăng năng lực tài chính của BIC.
Xem xét mở rộng đầu tư tài chính
Cùng với việc đó, BIC dự kiến tăng đầu tư vào LVI, hiện đang hoạt động tương đối hiệu quả trên đất bạn Lào (thị phần đứng thứ 2 tại Lào - sau một doanh nghiệp của Đức đã hoạt động trên 20 năm).
ĐHCĐ đã kết thúc với việc thông qua toàn bộ các tờ trình trước đó. Chúng tôi lưu ý, về phương án tăng vốn, BIC đã lựa chọn phương án 1 với vốn điều lệ tăng lên trên 1.000 tỷ đồng.
Trí Thức Trẻ