MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Muốn lớn thật nhanh. Những doanh nghiệp này toan tính gì?

08-03-2016 - 14:47 PM | Doanh nghiệp

Không chỉ muốn lớn lên, nhiều doanh nghiệp đang muốn lớn lên thật nhanh, gấp 5-gấp 7- thậm chí gấp hơn chục lần quy mô hiện tại. Họ ấp ủ nhiều kế hoạch lớn và chờ sự đồng thuận của cổ đông trong kỳ đại hội cổ đông năm 2016 này.

Mùa đại hội cổ đông năm nay chưa đi vào guồng nhưng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới đầu tư bởi những kế hoạch bất ngờ của nhiều doanh nghiệp.

Bất ngờ nhất là nhiều doanh nghiệp lâu nay theo trường phái không chạy đua tăng vốn nay lại bất ngờ tăng vốn lớn, gấp 5, gấp 7 lần quy mô vốn hiện tại. Họ toan tính gì?

Như Cảng Đoạn Xá (mã chứng khoán: DXP), trong kế hoạch kinh doanh năm 2016 dự kiến đệ trình Đại hội cổ đông tới đây, công ty dự kiến tăng vốn “sốc” gấp 7 lần mức chưa đầy 80 tỷ đồng hiện tại. Đó là chưa kể đến phương án phát hành 500 tỷ đồng vốn trái phiếu không chuyển đổi kỳ hạn 5 năm.

Theo DXP, trong vòng 5 năm qua, Cảng Đoạn Xá không đầu tư phát triển mở rộng quy mô mà chỉ đẩy mạnh khai thác tối đa năng lực hiện có. Tuy nhiên, thực tế hoạt động 2015 cho thấy Cảng Đoạn Xá có nhiều lần rơi vào trạng thái quá tải, phải từ chối đơn hàng của chủ tàu, trong khi với kinh nghiệm và năng lực hiện có, Cảng Đoạn Xá hoàn toàn có thể hoạt động hiệu quả trên quy mô lớn hơn. Hơn nữa, do tình hình cạnh tranh giữa các cảng tàu trong khu vực ngày càng mạnh mẽ, việc mở rộng quy mô là yêu cầu tất yếu. Cụ thể, Cảng Đoạn Xá có kế hoạch sẽ tăng vốn để mở rộng quy mô hoạt động của cảng hiện tại và đầu tư phát triển cảng mới trong năm tới.

Còn về kế hoạch phát hành trái phiếu, công ty dự kiến sử dụng vốn để nâng cao năng lực tài chính của Công ty, thực hiện chiến lược đầu tư, mua lại, hợp nhất các công ty hoạt động trong ngành khai thác và kinh doanh cảng biển.

Một kế hoạch tăng vốn đầy bất ngờ của một doanh nghiệp “bé hạt tiêu” nhưng EPS (lợi nhuận trên cổ phiếu) luôn đạt tốp đầu của thị trường chứng khoán là của Công ty Cổ phần PIV (mã chứng khoán: PIV). Trước khi tăng vốn đầu năm 2016, PIV có vốn điều lệ vỏn vẹn 12 tỷ đồng và lợi nhuận năm 2015 đạt hơn 12 tỷ đồng. EPS năm 2015 lên đến hơn 10.000 đồng.

Đã nhiều năm liền kể từ khi niêm yết vào năm 2010 đến nay, PIV không hề tăng vốn. Việc trả cổ tức cũng không được thực hiện từ khi niêm yết dù năm 2014, 2015 đã có lãi trên vốn cao. 2 năm lãi cao giúp PIV tích lũy được khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 18 tỷ đồng so với quy mô vốn chỉ 12 tỷ đồng.

Sống mãi trong cái “áo hẹp” 12 tỷ đồng vốn có lẽ khiến cơ thể đang lớn của PIV thấy ngột ngạt. Công ty lên kế hoạch tăng vốn đầy bất ngờ: Gấp 12,5 lần quy mô vốn cũ. Từ 12 tỷ đồng, nếu tăng vốn thành công theo kế hoạch, quy mô vốn của PIV sẽ lên đến 150 tỷ đồng. Việc phát hành được thực hiện bằng cách chào bán 13,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:1.150 tức mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được quyền mua 1.150 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Trong toan tính của PIV, công ty sẽ dùng 48 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Thương mại Trường Lưu Thủy, dùng 72 tỷ đồng đầu tư vào Công ty TNHH Tiến Đại Phát và 18 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động cho công ty nhằm phục vụ mục đích kinh doanh, mở rộng quy mô hoạt động.

Trong khi Cảng Đoạn Xá muốn mở rộng quy mô, PIV muốn “lớn nhanh” bằng đầu tư vào các doanh nghiệp khác thì Nước giải khát Khánh Hòa (Vikoda – mã chứng khoán VKD) lại muốn tăng vốn vọt từ 21,6 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng bằng cách chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 100:456, giá phát hành 10.000 đồng/cp.

Gần 100 tỷ đồng thu về nhờ phát hành tăng vốn sẽ được Vikoda sử dụng chủ yếu cho đầu tư tài sản cố định gồm máy móc, nhà cửa, vật kiến trúc. Một phần nhỏ vốn (28,4 tỷ đồng) được sử dụng để bổ sung vốn lưu động.

Địa ốc Đất Xanh(mã chứng khoán DXG) là một trong những công ty có tốc độ tăng vốn điều lệ khá nhanh. Sau nhiều đợt phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của công ty chính thức cán mốc nghìn tỷ vào cuối năm 2014 và tiếp tục tăng đạt mức 1.168 tỷ đồng 7 tháng sau đó.

Năm 2016, Địa ốc Đất Xanh tiếp tục tăng vốn. DXG dự kiến huy động gần 1.200 tỷ đồng thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1 với giá phát hành 10.000 đồng/cp. Vốn huy động từ đợt phát hành này dự kiến sẽ được tài trợ cho dự án thành phần thuộc Dự án Khu dân cư và tái định cư Nam Rạch Chiếc tại An Phú, quận 2, TP.HCM (bao gồm cả nhận chuyển nhượng dự án).

Còn nhiều doanh nghiệp khác đã lộ kế hoạch tăng vốn điều lệ lớn trong năm 2016 nhưng chi tiết phát hành, sử dụng vốn chưa được công bố. Như Doanh nghiệp “bé hạt tiêu” quanh năm gần như không có giao dịch cổ phiếu với vốn hiện tại chỉ 15 tỷ đồng là Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây dựng Bình Triệu (UpCOM-mã chứng khoán BTC) cũng có kế hoạch tăng vốn khá táo bạo từ 15 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng; Xi măng và Xây Dựng Quảng ninh (mã chứng khoán: QNC) đang lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 200 tỷ đồng, lên mức 385 tỷ đồng, mức tăng hơn gấp đôi so với vốn điều lệ hiện tại....

Nhu cầu lớn thật nhanh đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Khá nhiều doanh nghiệp đã công bố rõ nhu cầu tăng vốn để làm gì ngay từ khi chốt quyền họp Đại hội cổ đông nhưng cũng có doanh nghiệp đang "ém" kỹ kế hoạch của mình. Doanh nghiệp sẽ lớn nhanh để vừa chiếc áo quá rộng mà họ mong muốn hay chỉ là cơ thể cũ trong chiếc áo mới còn chờ đợi cổ đông của họ phán xét, chấp thuận trong mùa đại hội năm nay.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên