Nữ doanh nhân say mê ẩm thực
Lòng kiêu hãnh về nghề nghiệp là thứ mà các đầu bếp ở Việt Nam hầu như còn thiếu. Nghề đầu bếp cũng chưa được nhìn nhận đúng giá trị, từ xã hội và bản thân người đầu bếp.
- 01-03-20152 nữ tướng ngành sữa được Forbes vinh danh Nữ doanh nhân quyền lực châu Á 2015
- 17-02-2015Nữ doanh nhân Việt Nam: Sẵn sàng tư thế cạnh tranh bình đẳng
- 09-10-2014Doanh nhân Phạm Thị Việt Nga: “Tôi vô sản tại Dược Hậu Giang”
- Cơ duyên đến với nghề ẩm thực từ lời chê của con gái.
- Mơ ước đưa nghề ẩm thực - đầu bếp lên đúng vị trí trang trọng, xứng đáng.
- Dám từ bỏ cuộc sống sung túc, an toàn
- Khát khao được hỗ trợ trẻ em vùng cao trong từng miếng cơm, manh áo
Gặp Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Học viện Ẩm thực Hà Nội Bùi Thị Cẩm Thơ, ít ai nghĩ rằng người con gái bé nhỏ, dịu dàng như chị lại là một doanh nhân sớm lăn lộn với thương trường. Tại bản doanh nơi đào tạo những đầu bếp chuyên nghiệp, nhắc đến ẩm thực, Cẩm Thơ hào hứng đến lạ kỳ. Chị chia sẻ thật nhiều về tình yêu với ẩm thực, về nghề đầu bếp và những ấp ủ, hoài bão mang ẩm thực Việt vươn tầm thế giới.
Cơ duyên chỉ vì…đĩa ngô chiên
Khi được hỏi cơ duyên đến với ẩm thực, Cẩm Thơ thật thà chia sẻ: Từ lời chê của con gái. Cô bé thích ăn ngô chiên, và bảo ngoài hàng làm ngon hơn, giòn hơn mẹ làm. Chỉ có thế thôi, Cẩm Thơ quyết định đi học một lớp nấu ăn. Và rồi, chị nhận thấy ẩm thực là một thế giới đầy sáng tạo. Nó bắt chị phải dày công tìm hiểu lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ này.
“Yêu ẩm thực, tại sao chị không bắt đầu bằng việc mở một nhà hàng, mà lại là Học viện Ẩm thực?”, Cẩm Thơ tâm sự: Khi được tiếp xúc với rất nhiều các đầu bếp trên thế giới, dành thời gian trao đổi và quan sát khi họ đứng bếp, chị khao khát được trông thấy nhiều hơn nữa những đầu bếp ở Việt Nam có được tác phong “hàn lâm”, chuyên nghiệp như vậy khi làm việc và giao tiếp. Lòng kiêu hãnh về nghề nghiệp là thứ mà các đầu bếp ở Việt Nam hầu như còn thiếu. Nghề đầu bếp cũng chưa được nhìn nhận đúng giá trị, từ xã hội và bản thân người đầu bếp.
Trăn trở với câu hỏi “Tại sao đầu bếp Việt” lại thiếu tự tin đến vậy? Câu trả lời cho hàng đêm suy nghĩ của Cẩm Thơ là họ thiếu một nơi được đào tạo bài bản, không chỉ về nghề, mà còn về tác phong, về giao tiếp, tổ chức sản xuất, ngoại ngữ để có thể tiến xa hơn trong nghề nghiệp trong giai đoạn hội nhập…Học viện Ẩm thực Hà Nội, nơi Cẩm Thơ làm Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT ra đời với tham vọng đó: Đưa đầu bếp Việt sánh vai các đầu bếp nổi tiếng thế giới. Và chị sẽ là người “cuối bếp” người đứng sau hậu trường làm tất cả để các đầu bếp được tỏa sáng.
Với Cẩm Thơ, ẩm thực không chỉ đơn thuần là những thứ mà chúng ta ăn hàng ngày - đó còn là văn hóa. Còn nhớ trong một chuyến thăm Việt Nam năm 2007, Phillip Kotler – cha đẻ của Marketing hiện đại đã từng nhấn mạnh về thương hiệu quốc gia cho Việt Nam, cơ hội Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới”. Sự đánh giá tinh tế đó của Phillip Kotler đủ để nhận thấy rằng, ẩm thực Việt là một tiềm năng, như một cô gái có vẻ đẹp tiềm ẩn đang chờ tỏa sáng. Cẩm Thơ cũng có những nhận định tương tự.
Là phụ nữ, Cẩm Thơ đặc biệt quan tâm đến bếp ăn gia đình, đến việc giữ lửa trong từng bữa cơm. Chính vì thế, Học viện Ẩm thực Hà Nội được mở ra không chỉ là điểm đến của những đầu bếp chuyên nghiệp bồi dưỡng thêm nghiệp vụ, của những học viên luôn hướng đến nghề đầu bếp mà còn là địa chỉ của những bà nội trợ, những người vợ, người chồng muốn mang đến hạnh phúc thực sự cho bản thân, cho người thân trong mỗi bữa cơm hàng ngày. Đây còn là địa chỉ dạy nấu ăn cho cả các bé học sinh trong những ngày đầu học làm nghề bếp.
Chia sẻ về nữ quyền, về thiên chức của người phụ nữ, Cẩm Thơ thẳng thắn: Nấu ăn rõ ràng không phải là công việc dành riêng cho phụ nữ. Để mang lại hạnh phúc cho người cùng chung sống, nỗ lực phải đến từ hai phía. Một người đàn ông đứng bếp nấu ăn cho người phụ nữ thương yêu, tại sao không? Bình đẳng đôi khi xuất phát từ những việc giản đơn như vậy.
Can đảm bước chân ra khỏi “vùng an toàn”
Trước khi đến với ẩm thực, Cẩm Thơ đã có một công việc ổn định trong một cơ quan nhà nước. Vị trí đủ để chị có một cuộc sống sung túc, không lo lắng nhiều về tiền bạc… Nhưng với Cẩm Thơ - điều đó chưa đủ. Chị phải tìm vùng trời mới, phải bay tự do, cho dù là nguy hiểm hơn. Quyết định rời cơ quan nhà nước của chị gặp nhiều sự phản đối từ gia đình, bạn bè. Và chị đã chấp nhận đánh đổi - Đầu tư vào công ty ẩm thực với tất cả đam mê, nhiệt huyết. Cẩm Thơ thật thà chia sẻ, chị không sợ mất. Vì sức ép tài chính của chị gần như không có. Ngay cả mất hết, thì chị vẫn sống thôi, và sống tốt!
Thật may, Cẩm Thơ không phải đánh đổi quá nhiều khi bước chân ra khỏi vùng an toàn của riêng mình. Lựa chọn đó, đến giờ chưa một phút giây nào cô hối hận. Những dấn thân trong nghề bếp đã đưa chị là người trẻ nhất trong danh sách giải thưởng Bông hồng vàng cho Nữ doanh nhân tiêu biểu Thủ đô 2010. Và rất nhiều bằng khen từ Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam…
“Vậy, có bao giờ chị tiếc vì đã…rẽ quá muộn?”. “Không, việc gì cũng có thời điểm của nó. Môi trường doanh nghiệp nhà nước tôi luyện cho tôi khả năng chịu đựng, sự kiên nhẫn. Đó là những bài học quý”, Cẩm Thơ cho biết.
Khi được hỏi, chị thường giải trí như nào. Chị bảo, thường trồng hoa hồng và đi tập kick boxing mỗi tuần. Con người nên luôn đan xen giữa “động” và “tĩnh” như vậy để có thể hài hòa với sự “ vạn biến” trong xã hội hiện nay. Đó là cách cân bằng năng lượng hiệu quả.
Chị Cẩm Thơ tại buổi tổ chức Trung thu cho trẻ em Mù Căng Chải của quỹ Cơm Có Thịt.
Khi sắp xếp được thời gian rảnh, chị lại cùng mọi người làm những việc có ý nghĩa cho những trẻ em miền núi. Cùng mọi người làm hàng trăm ngàn hộp ruốc thịt, gom góp từng đôi dép tổ ong, từng chiếc áo ấm để mang tận nơi cho trẻ em vùng cao. "Mỗi khi trở về từ miền núi, tôi ngơ ngẩn thương cả tháng sau đó. Hàng ngày, tiếp xúc với đồ ăn ngon, chị lại nhớ tới những bữa cơm của bọn trẻ chỉ có rau cải xanh nấu với muối trắng, không đủ no mà mỗi ngày bọn trẻ đi bộ cả chục cây số để tới trường" - Cẩm Thơ trăn trở. Chị muốn làm việc chăm chỉ và hiệu quả hơn nữa để có điều kiện hỗ trợ và giúp đỡ trẻ em miền núi nhiều hơn.
Minh Thư