Đôi Dép và triết lý kinh doanh lạ lùng
Bắt đầu từ sự yêu thích bài thơ Đôi Dép mà một công ty đã cho ra đời cả chuỗi sản phẩm lên tới con số gần 60 cùng triết lý kinh doanh lạ lùng - không thể thiếu nhau.
- 25-01-2019"Hoa sữa" và những mảnh đời yếu thế
"Hai chiếc dép kia gặp gỡ tự bao giờ
Có yêu đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau
Cùng bước cùng mòn không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia"
Đó là những câu thơ trong bài thơ Đôi Dép của Nhà thơ Nguyễn Trung Kiên mà ắt hẳn nhiều người đều biết. Thế nhưng, bắt nguồn từ sự yêu thích bài thơ ấy mà một thương hiệu lớn ra đời lấy tên Đôi Dép thì rõ ràng là khác lạ. Nhưng sự khác lạ ấy đang là hiện thực.
Từ bài thơ Đôi Dép đến chuỗi kinh doanh Doi Dep
Tò mò về chuỗi kinh doanh tưởng đơn giản mà không hề giản đơn này, chúng tôi đã tìm gặp ông chủ của Sandals, đồng thời được giới thiệu một vị quản lý người Nga với kinh nghiệm 20 năm làm trong lĩnh vực du lịch, hàng tiêu dùng.
Đôi Dép – Do Difference là thương hiệu của Công ty CP Sandals có trụ sở tại Tp. Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng. Theo lời kể của ông chủ Đôi Dép thì từ niềm yêu thích bài thơ với từng câu chữ đều mang ý nghĩa, đều ẩn chứa những triết lý của cuộc sống nên từ năm 2008 ông đã mua bản quyền bài thơ này. Sau đó, ông cũng đã đăng ký chứng nhận độc quyền với các sản phẩm mang thương hiệu Đôi Dép và chuỗi sản phẩm lên tới con số 58.
Mãi đến tận năm 2014 ông mới bắt đầu bước vào kinh doanh chính thức. Đôi Dép ra đời với "bài thơ đầu tiên" là chuỗi kinh doanh cà phê sân vườn hướng vào giới doanh nhân hoặc "nhà giàu", là nơi để những người có tâm hồn đồng điệu có thể gặp gỡ và nói chuyện hoặc bàn chuyện làm ăn. Và bởi bắt nguồn từ ý tưởng đó, ông chủ của thương hiệu lạ ấy đã có điểm kinh doanh cà phê độc, lạ với diện tích lên đến 4.000 m2. Đến nơi này, người ta ngỡ như lạc vào khu resort hơn là một điểm thưởng thức cà phê bình thường bởi cảnh sắc không hề giống bất kỳ một điểm kinh doanh cà phê nào, và cũng chẳng có chỗ nào bán cà phê lại rộng lớn đến như vậy.
Đôi Dép ra đời với "bài thơ đầu tiên" là chuỗi kinh doanh cà phê sân vườn
Được biết, sau khi xây dựng điểm kinh doanh cà phê đầu tiên ấy, đến nay Đôi Dép đã mở rộng mạng lưới ra Tp. Hồ Chí Minh và Nha Trang (Khánh Hoà). Và sau khi có chuỗi cà phê, Đôi Dép lại xuất hiện trên thị trường qua các Tea shop, khu resort, khu tắm bùn, khách sạn, và gần đây nhất là hàng tiêu dùng nhanh.
Tea Shop là nơi trưng bày giới thiệu các sản phẩm của Đôi Dép, từ cà phê các loại, trà ô long, tổ yến ăn liền và hàng tiêu dùng nhanh khác
Còn theo lời của vị quản lý người Nga của Sandals, mục tiêu ra đời của Đôi Dép đó là ông chủ của họ muốn xây dựng thành một thương hiệu quốc gia, sau đó phát triển ra quốc tế. Thứ mà ông xây dựng không phải là một mô hình kinh tế nào mà là một hệ sinh thái, ở đó triết lý bao trùm là Không thể thiếu nhau. "Tại sao lại là Đôi Dép? Nếu nhìn đơn thuần thì đó là bài thơ viết về tình yêu đôi lứa, nhưng dưới góc nhìn của doanh nhân thì đó lại là triết lý doanh nghiệp – những vật tầm thường cũng có thể thành thơ, cùng bước, cùng mòn, cùng lên, cùng xuống, cái này tồn tại phải có cái kia, như thế là Không thể thiếu nhau".
Cũng theo vị quản lý người Nga, hệ sinh thái này có 3 cốt lõi đó là du lịch, sản phẩm từ trà và các dòng sản phẩm tiêu dùng nhanh. Triết lý không thể thiếu nhau là thông điệp ra thị trường để đối với tất cả mọi người, từ đối tác, trong gia đình, bạn bè, tình yêu, tất cả mọi thứ đều có thể ứng dụng một cách linh hoạt và cùng hướng về một "doi dep tức đời đẹp" – phiên bản thứ 2 của đôi dép.
Sản phẩm có đôi, mua 1 cũng không bán
Kể về các sản phẩm của hệ sinh thái Không thể thiếu nhau đang xây dựng, ông giám đốc điều hành Sandals cho biết, các sản phẩm của chuỗi kinh doanh này sẽ luôn luôn có đôi.
Việc đầu tiên là ông bán 2 chứ không bán 1, tức là khi người mua 1 thì sẽ được thêm 1, có muốn mua 1 cũng không bán. Nếu có 3 thì sẽ được 4. Mục đích của việc bán có đôi này là truyền thông điệp rằng khi người ta mua sắm cái gì thì phải nghĩ đến người khác, đó có thể là bạn bè, người thân. Chẳng hạn, bán chai nước uống tinh khiết theo cặp, rồi kem đánh răng thì đi kèm bàn chải, hộp cà phê cũng chia ra 2 ngăn…Giá niêm yết cho sản phẩm đôi sẽ chỉ tương đương với 1 hoặc cao hơn chút ít, như thế sẽ khuyến khích người dùng hơn.
Ở không gian của các Tea shop, điểm kinh doanh cà phê hay resort, khách sạn cũng đều được trang trí, bày biện theo số chẵn, chẳng hạn đó là những cặp ghế đôi, bình hoa đôi, bức tranh mẹ con, đối tác treo trên tường… tạo ra không gian vô cùng đặc biệt.
Đến cả người phục vụ cà phê, trà cũng luôn có hai người, một người bê ra và một người mời khách. Ở các điểm kinh doanh đặc biệt, chuỗi này còn có một người nước ngoài và một người Việt cùng phục vụ.
Một bức tranh trang trí tại Đôi Dép
Muốn người Việt được dùng những sản phẩm tốt nhất
CEO của Sandals chia sẻ, ông chủ của chuỗi thương hiệu Không thể thiếu nhau luôn canh cánh trong lòng rằng người Việt thường bỏ rất nhiều tiền ra mua nước uống Lavie, Cocoa, Pepsi của nước ngoài, để rồi họ lại chuyển tiền về đất nước của họ, mà người Việt có nguồn tài nguyên phong phú, nguồn nước khoáng dồi dào sao không có sản phẩm tương tự để phục vụ ngay chính đất nước của mình?
Trong chiến tranh, kẻ thù đã cướp đi từng mảnh đất của dân ta, đến thời bình thì những người nước ngoài lại chiếm lĩnh những mặt bằng kinh doanh đẹp nhất, xây dựng những thương hiệu mà người Việt dùng nhiều nhất, vậy tại sao mình không xây dựng thương hiệu Việt thật sự của mình? Chính những điều đó đã thôi thúc ông xây dựng chuỗi sản phẩm hiện nay và mong rằng người Việt hãy ủng hộ hàng Việt có chất lượng cao.
Ông chủ của Đôi Dép nói rằng muốn người Việt được dùng những sản phẩm chất lượng tốt nhất
Nói đến hệ sinh thái đang xây dựng và phát triển, vị quản lý cho biết thương hiệu chính là con người. Một sản phẩm có nhân cách tính cách, họ biến sản phẩm thành con người. Và ông mong muốn người Việt sẽ được dùng những sản phẩm tốt nhất mang chất lượng quốc tế. Do đó nhân sự của Sandals hiện nay cũng có tới 50% đến từ nước ngoài, chủ yếu là các nước như Nga, Ukraine, Pháp, trong khi các sản phẩm đưa ra thị trường trước tiên phải đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Cũng theo ông, các sản phẩm của công ty hiện nay đều là loại sản phẩm cao cấp phục vụ người Việt, chẳng hạn với sản phẩm trà ô long Đài Loan thì công ty đang có diện tích trồng cây chè thương hạng lên tới 100 ha ở Lâm Đồng, các sản phẩm cà phê cũng có những thương hiệu đặc biệt như cà phê collagen cho phái đẹp, cà phê chim, cà phê chồn; khu resort và khách sạn đạt chuẩn 5 sao...
"Như với sản phẩm trà, hiện nay chúng ta chủ yếu xuất khẩu trà nguyên liệu ra nước ngoài rồi họ chế biến và xuất tiếp đi các nước khác với giá đắt đỏ hàng chục ngàn USD. Nhưng chúng tôi sẽ khai thác nguồn nguyên liệu này rồi xuất khẩu ra nước ngoài trực tiếp, sẽ không chỉ tạo ra được sản phẩm thương hiệu Việt chất lượng cao mà còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn con người" – ông quản lý chia sẻ và cho biết thêm việc ông bỏ công việc từ Nga về làm cho người Việt ở chuỗi của Không thể thiếu nhau là mục đích làm cầu nối cho thương hiệu này sang thị trường Âu Mỹ.
Tự tin vào chiến lược
Sau một thời gian miệt mài xây dựng, hệ sinh thái của Không thể thiếu nhau đã dần hoàn thiện. Theo lời kể của vị quản lý thì yếu tố con người được công ty cực kỳ coi trọng để phát triển thương hiệu, và KPIs xây dựng cho người lao động chính là thái độ, tốc độ và trình độ. Những người cùng làm việc với nhau thì phải có lợi cho cả đôi bên, nhưng sự có lợi ấy không đơn thuần là Win Win mà là bên này không thể thiếu bên kia.
"Cũng giống như một đôi dép, nếu đôi hàng hiệu cả nghìn USD nhưng khi rớt một chiếc thì chiếc kia sẽ vô nghĩa, chẳng bằng một đôi dép tổ ong vài chục nghìn đồng. Mất một là mất hết chứ không phải chỉ mất 50% giá trị như những thứ khác" – vị quản lý minh họa về triết lý không thể thiếu nhau.
Tỏ ra rất am hiểu về thị trường Việt Nam, ông nói thêm, như một bất động sản được xây lên, bất cứ tòa nhà nào cũng làm từ xi măng, sắt thép và các vật liệu khác nhau, nhưng tại sao nhà của ông Phạm Nhật Vượng lại thu hút được giới nhà giàu, vào đến Vinhomes là người ta cảm nhận được hệ sinh thái vô cùng đẳng cấp chứ không chỉ đơn giản là cái nhà? "Nói vậy để chia sẻ rằng chúng tôi cũng chú trọng xây dựng sản phẩm và dịch vụ với chất lượng đẳng cấp cao nhất để giúp khách hàng cảm nhận được, qua đó cảm được triết lý không thể thiếu nhau cùng chúng tôi”.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Kinh doanh tử tế
Xem tất cả >>- Quyết tâm chống "ô nhiễm trắng", doanh nhân Việt sáng tạo vải tái chế mới, mở thương hiệu thời trang hạng sang trên đất Mỹ
- LEGO – “Vệ sĩ” của trẻ em trên toàn thế giới
- Con gái Dr.Thanh: Câu chuyện truyền cảm hứng nhất của cha tôi là bán xe máy mua xe đạp!
- Sẵn sàng uống nước từ bồn cầu sau khi xử lý, đây là cách Bill Gates và quỹ từ thiện 50 tỷ USD của vợ chồng ông làm thay đổi thế giới
- Thành lập công ty để “trả nợ rừng”