MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đối mặt với cú sốc kinh tế lớn nhất kể từ Đại suy thoái, châu Âu có nguy cơ tự phá hỏng kế hoạch giải cứu kinh tế của chính mình

07-05-2020 - 19:34 PM | Tài chính quốc tế

Khả năng hồi phục của châu Âu sau cú sốc kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại Suy thoái đang gặp rủi ro bởi những vấn đề chính trị và pháp lý vốn có từ trước.

Yếu tố này có thể ảnh hưởng đến hàng nghìn tỷ euro khoản tiền kích thích. Theo cảnh báo của Uỷ ban châu Âu (EC) mới đây, nền kinh tế châu Âu có thể giảm ở mức kỷ lục 7,5% trong năm nay, thậm chí mức giảm còn không đồng đều ở 19 quốc gia thuộc eurozone. Đà sụt giảm được dự đoán mạnh hơn nhiều so với những gì khu vực này phải trải qua sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và ước tính trước đó của IMF cách đây 3 tuần.

Theo dự đoán, giá tiêu dùng sẽ sụt giảm đáng kể, trong khi mức chi tiêu cho các biện pháp hỗ trợ các lĩnh vực chịu ảnh hưởng của Covid-19 sẽ đẩy mức thâm hụt của các chính phủ châu Âu từ mức 0,6% GDP trong năm 2019 lên khoảng 8,5% trong năm nay. EC cũng ước tính tỷ lệ thất nghiệp của châu Âu sẽ tăng từ 6,7% trong năm ngoái lên 9% trong năm nay.

Uỷ viên Kinh tế của EC - Paolo Gentiloni, nhận định: "Châu Âu đang trải qua một cú sốc kinh tế chưa từng có kể từ Đại Suy thoái. Cả sự sâu sắc của cuộc suy thoái và động lực hồi phục sẽ không đồng đều. Điều này phụ thuộc vào việc các biện pháp hạn chế sẽ được dỡ bỏ nhanh đến đâu, tầm ảnh hưởng của các dịch vụ như du lịch ở mỗi nền kinh tế và nguồn lực tài chính của mỗi quốc gia."

Theo các quan chức của EU, tác động của đại dịch còn có thể tồi tệ hơn mức dự báo, "một đại dịch nghiêm trọng và kéo dài hơn có thể khiến GDP sụt giảm mạnh hơn nhiều so với ước tính." Cơ quan này cũng cho biết, điều cần thiết là một chiến lược hồi phục chung mạnh mẽ và kịp thời với quy mô toàn EU để tránh những tổn thất nghiêm trọng trong khối thương mại lớn của khu vực.

Tuy nhiên, sự chiến lược đó có thể không thể thực hiện đủ nhanh, hoặc những mâu thuẫn vốn có đã cản trở những biện pháp đó. Dù đã có thoả thuận chung giữa các quốc gia thành viên về nhu cầu cứu trợ khẩn cấp, thì những mâu thuẫn trước đây có thể sẽ trì hoãn việc thực hiện những chiến lược nhằm nỗ lực vực dậy. Hơn nữa, một quyết định về pháp lý mang tính bước ngoặt hồi đầu tuần này tại Đức có thể gây cản trở khả năng sử dụng một trong những công cụ kích thích của NHTW châu Âu (ECB).

Các nhà lãnh đạo EU đã ký kết thoả thuận về gói cứu trợ khẩn cấp trị giá ít nhất 500 tỷ euro (538 tỷ USD), biên soạn bởi các bộ trưởng tài chính. Gói này bao gồm các khoản trợ cấp tiền lương nhằm tránh tình trạng sa thải hàng loạt, cũng như cung cấp khoản vay cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự chia rẽ sâu sắc giữa các quốc gia thành viên đã "cản đường" giới chức EU đẩy nhanh quá trình tung quỹ hỗ trợ phục hồi với quy mô lớn hơn – ước tính có giá trị ít nhất 1 nghìn tỷ euro (1,1 nghìn tỷ USD).

Charles Michel– chủ tịch EC, gần đây đã kêu gọi gói hỗ trợ này nên được tung ra vào ngày 1/6. Tuy nhiên, cơ quan này đã không thể hoàn thiện đề xuất về các biện pháp được đưa vào trong gói. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU hiện không có kế hoạch tham gia các cuộc họp cùng nhau cho đến ngày 18/6.

Quan điểm khác biệt vẫn là về cách thức hoạt động của quỹ này, đặc biệt là vấn đề có nên cung cấp các khoản vay hoặc trợ cấp cho các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất như Italy và Tây Ban Nha hay không. Các khoản tài trợ hoặc tiền được chuyển trực tiếp, lại là một khoản nợ mà các quốc gia cùng phải gánh – 1 quan điểm mà Hà Lan, Áo và Đức từ lâu đã phản đối.

Đức gần đây cũng đưa ra quyết định khiến gói hỗ trợ hồi phục này bị cản trở. Theo phán quyết của Toà án tối cao Đức, Bundesbank không được tham gia Chương trình mua trái phiếu khu vực công (PSPP) của ECB – vốn cho phép ECB can thiệp vào các chính sách kinh tế và hỗ trợ trực tiếp chính phủ các nước châu Âu. Hiện tại, ECB có 3 tháng để điều chỉnh chương trình này.

Dù phán quyết trên không ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch mua 750 tỷ euro (810 tỷ USD) trái phiếu chính phủ và các tài sản khác của ECB nhằm đối phó với đại dịch, thì khả năng mở rộng các biện pháp như vậy sẽ gặp khó khăn. Theo đó, các nhà kinh tế đang lo ngại về tác động dài hạn từ động thái này.

Holger Schmieding– kinh tế gia trưởng tại Berenberg, cho hay: "Nếu ECB hạn chế chương trình mua tài sản do phán quyết của Toà án Đức, hoặc nếu việc Bundesbank buộc phải kết thúc các chương trình đó trong 3 tháng, thì cuộc suy thoái sẽ trở nên sâu sắc và kéo dài hơn ở Đức, và cả toàn bộ khu vực eurozone."

Hôm 5/5, ECB đã đưa ra phản hồi về quyết định của Đức, cho biết rằng Toà án Châu Âu đã xác nhận nỗ lực kích thích của họ là hợp pháp. Hiện tại 2 bên vẫn còn nhiều mâu thuẫn về vấn đề này.

Ngoài ra, phán quyết của Toà án Tối cao Đức có thể thúc đẩy những thách thức về pháp lý lớn hơn đối với các chương trình ECB thực hiện, bao gồm cả mua trái phiếu có liên quan đến đại dịch. Điều đó có thể tạo áp lực lớn hơn nữa đối với các quốc gia thành viên EU khi đi đến thoả thuận về một biện pháp kích thích tài chính lớn.

Tham khảo CNN

Lục Lam

Trở lên trên