Đồng loạt giảm lãi suất và hai bánh của chiếc xe
Phó thủ tướng yêu cầu kiểm điểm trong giải ngân vốn, các lãi suất điều hành đồng loạt giảm...
- 09-07-2017NHNN có thể duy trì mặt bằng lãi suất điều hành mới đến bao giờ?
- 09-07-2017Thấy gì từ quyết định giảm lãi suất của NHNN?
- 08-07-2017Giảm lãi suất: Đèn xanh đã bật, những đối tượng nào được hưởng?
Ngày 7/7, Ngân hàng Nhà nước đồng loạt giảm các lãi suất điều hành, cùng lãi suất cho vay một số lĩnh vực. Quyết định này không bất ngờ.
Với người bám sát diễn biến trên các thị trường, cùng định hướng và thực tế của các chính sách, có nhiều tín hiệu đã phát đi trước đó.
Thêm nữa, ngay trước thềm quyết định giảm lãi suất, ngày 4/7, Chính phủ đã họp về vấn đề vốn đầu tư công, có yêu cầu kiểm điểm các cá nhân, tổ chức liên quan trong giải ngân chậm, mà đáng chú ý nữa là các con số khê đọng được đưa ra.
Các sự kiện và diễn biến trên không hề rời rạc.
“Yếu tố không mong đợi”
Trên thị trường liên ngân hàng, hai tuần gần đây lãi suất giảm sâu; lãi suất VND qua đêm đã quen dần với vùng dưới 2%/năm, có phiên về sát 1,5%/năm. Cùng đó, kể từ ngày 22/6, số dư các tổ chức tín dụng phải vay mượn Ngân hàng Nhà nước đã giảm về bằng không và duy trì trạng thái này cho đến cuối tuần qua.
Nói cách khác, cân đối vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung tốt, thậm chí vốn khả dụng có biểu hiện dư thừa. Đây là một trong những nền tảng đầu tiên để góp phần xem xét giảm lãi suất.
Tất nhiên, từ trong năm 2016 đến nửa đầu 2017, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị tốt các điều kiện, cân đối khác cho quyết định giảm lãi suất. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, triển vọng cả năm nay tiếp tục thấp.
Tỷ giá, sau đợt biến động cục bộ và ngắn đầu 2017, tiếp tục được giữ ổn định, cùng khẳng định năm nay kiểm soát tốt ngay cả trong trường hợp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất, như Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định tại cuộc họp trực tuyến ngày 3/7 vừa qua. Và trực tiếp, hoạt động điều tiết nguồn trong hệ thống, trong kết nối với chính sách tài khóa đã được Ngân hàng Nhà nước triển khai chủ động, nhịp nhàng.
Nhưng ở đây có một “yếu tố không mong đợi” khi nhìn về nền tảng của quyết định giảm lãi suất vừa qua.
Đó chính là sự khê đọng nguồn vốn đầu tư công, trong sự kiện nói trên, mà Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan.
Có thể hình dung một cách hình ảnh về yếu tố trên như hai bánh của một chiếc xe vậy. Bánh trước thì trơn tru trong vòng quay huy động nguồn, nhưng bánh sau thì kẹt nhịp giải ngân. Hệ quả là tốc độ của cỗ máy bị ảnh hưởng, trì trệ hoặc tốn năng lượng.
Cụ thể, như năm 2016, nửa đầu 2017 hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ huy động vốn cho cân đối ngân sách có tốc độ cao, băng băng về gần đích kế hoạch cả năm. Trong khi đó, hoạt động và tiến độ giải ngân chậm, đến mức có yêu cầu phải kiểm điểm trách nhiệm.
Nguồn lực theo đó bị khê đọng, nó nằm dưới dạng tiền gửi ở các ngân hàng thương mại. Nó tạo một phần đòn kê cho thanh khoản và vốn khả dụng của hệ thống - một trong những cơ sở góp phần tạo điều kiện cho quyết định giảm lãi suất nói trên.
Giảm lãi suất có lợi chung cho nền kinh tế, nhưng vốn khê đọng lại là vấn đề của ngân sách. Chính phủ huy động trái phiếu trả lãi suất cao, vốn khê đọng gửi ở các ngân hàng phần lớn không kỳ hạn hoặc ngắn có lãi suất thấp. Đây cũng là một điểm bất lợi về chi phí, nếu thời gian khê đọng càng lâu.
Nếu hoạt động huy động vốn cho ngân sách khớp nhịp với hoạt động giải ngân, như sự bon nhịp đều giữa hai bánh của chiếc xe, nguồn lực hao hụt và chi phí khê đọng sẽ giảm thiểu.
Dù vậy, “yếu tố không mong đợi” trên có góp phần nhất định trong quyết định giảm được các lãi suất điều hành sau hơn ba năm chờ đợi. Kết quả này có từ nỗ lực bình ổn và cân bằng được các cân đối khác như lạm phát, tỷ giá, và đáng chú ý như trên là hiệu quả điều tiết nguồn của nhà điều hành chính sách tiền tệ.
Hiệu quả, vì trong quá khứ Ngân hàng Nhà nước đã từng phải gồng mình nhiều năm để dàn xếp sự chèn lấn, lấn át của chính sách tài khóa đối với cơ cấu vốn trong hệ thống; qua đó ảnh hưởng đến tính chủ động trong mục tiêu giảm được lãi suất. Đó là áp lực và khó khăn trong kiểm soát, điều tiết vòng quay của vốn.
Ngân sách tăng cường huy động vốn qua phát hành trái phiếu Chính phủ, năm sau cao hơn năm trước. Các ngân hàng thương mại dùng vốn đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, rồi họ lại dùng chính giấy tờ có giá là trái phiếu đó vay cầm cố Ngân hàng Nhà nước tái tạo nguồn. Mặt khác, nguồn vốn ngân sách huy động chưa giải ngân lại quay trở lại hệ thống ngân hàng, qua tiền gửi ngắn hạn… Nói là chính sách tiền tệ phải gồng mình điều tiết và có phần thụ động, vì những vòng quay và bội số vốn liên quan đó.
Chờ vòng quay tương đồng
Đến nay, cũng như thể hiện rõ trong năm 2016, hoạt động điều tiết vốn của Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ hơn với chính sách tài khóa trong huy động qua phát hành trái phiếu Chính phủ.
Bằng trực quan, đặc biệt trong giai đoạn trung hòa nguồn tiền mua vào lượng lớn ngoại tệ trong 2016 và độ trễ trung hòa còn chuyển tiếp sang 2017, có thể thấy mỗi khi Kho bạc Nhà nước tổ chức đầu thấu huy động vốn bằng trái phiếu Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước lại “nhường” bằng tạm ngừng các phiên phát hành tín phiếu hút bớt tiền về.
Quyết định giảm đồng loạt các lãi suất điều hành, cùng giảm lãi suất cho vay một số lĩnh vực cuối tuần qua, cũng như triển vọng giảm được tiếp lãi suất cho vay nói chung có một phần đạt được từ sự hòa hợp hơn, phối hợp và điều tiết tốt hơn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ như trên.
Vấn đề còn lại là sự bon trơn tương đồng của hai chiếc bánh xe huy động và giải ngân của vốn đầu tư công thời gian tới, trong câu chuyện và các mối quan hệ này.
Vneconomy