MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Động lực thúc đẩy tăng trưởng

Nghị quyết 01/2024 của Chính phủ được xem là "chìa khóa" để khai mở, tận dụng những động lực tăng trưởng cả mới và cũ của năm 2024

Năm 2024 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Nền kinh tế được dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành

Do đó, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay từ 6% - 6,5%, Nghị quyết 01/2024 nêu rõ 6 trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp triển khai để đạt mục tiêu. Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh yếu tố chủ động, linh hoạt, đúng thời điểm, hiệu quả cùng sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các chính sách.

Nhóm nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất được Chính phủ đưa ra là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Cụ thể, Chính phủ khuyến khích các ngân hàng (NH) giảm chi phí, thủ tục để tiếp tục hạ lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp (DN) và người dân. Cùng với đó, các chính sách tài khóa như miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ tiếp tục được nghiên cứu triển khai nhằm hỗ trợ nhiều hơn nữa cho người dân và DN.

Chính phủ lưu ý tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, từng bước cải thiện cán cân thương mại với những thị trường mà Việt Nam nhập siêu song song với phát triển thị trường nội địa.

Đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công được giao, Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ ngay từ đầu năm. Kiên quyết không đầu tư dàn trải, lãng phí; loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết; điều chuyển vốn của dự án không giải ngân được sang dự án có khả năng giải ngân.

Để hỗ trợ nhóm giải pháp về ổn định, phát triển kinh tế, Chính phủ đưa ra nhóm giải pháp không kém phần quan trọng là rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.

Đáng chú ý, giải pháp tháo gỡ vướng mắc của thị trường trái phiếu DN, quyền sử dụng đất, bất động sản, năng lượng sẽ được ban hành trong năm nay. Riêng với thị trường bất động sản, Chính phủ sẽ nghiên cứu cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài, hạn chế lệch pha cung - cầu; đặt mục tiêu hoàn thành khoảng 130.000 căn nhà theo Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Một giải pháp khác là đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng đô thị, liên vùng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia như: đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Vành đai 3 TP HCM, Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất...

Để thúc đẩy 3 động lực quan trọng cho tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, cần thực hiện đồng bộ nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Để thúc đẩy 3 động lực quan trọng cho tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, cần thực hiện đồng bộ nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trợ lực thêm doanh nghiệp

Điểm đáng chú ý trong trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, tháo gỡ các rào cản để DN vượt qua khó khăn, bứt phá, đóng góp vào mục tiêu chung. Chính phủ cũng xác định thúc đẩy 3 động lực quan trọng cho tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết 01/2024 được bộ này tham mưu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành sớm để chủ động triển khai. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt, tập trung đẩy mạnh và triển khai nhanh hơn các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của nghị quyết trên tinh thần "Kỷ cương, trách nhiệm, chủ động, kịp thời, tăng tốc, sáng tạo, hiệu quả, bền vững".

Nghị quyết 01/2024 đã giao rõ nhiệm vụ cho các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Theo đó, trước ngày 20-1, các cơ quan cần xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động và các văn bản cụ thể để triển khai thực hiện nghị quyết này. "Bộ KH-ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và cơ quan liên quan đôn đốc, theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết 01/2024" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Đánh giá cao nội dung của Nghị quyết 01/2024 khi hướng đến việc tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng nếu triển khai có hiệu quả, nghị quyết này sẽ là động lực, là "chìa khóa" quan trọng mở cánh cửa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01/2024, TS Lê Đăng Doanh góp ý Bộ KH-ĐT cần phối hợp với Văn phòng Chính phủ và cơ quan liên quan đôn đốc, theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện; bám sát các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã giao cho từng bộ, ngành để có đánh giá, báo cáo Chính phủ.

"Việc thực thi chính sách vẫn luôn là khâu yếu, cần khắc phục để có thể hoàn thành tốt các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ, khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy như hiện nay" - TS Lê Đăng Doanh lưu ý.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VERP), các giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn là rất quan trọng trong thời điểm này. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì chính sách tài khóa mở rộng, kết hợp hiệu quả với chính sách tiền tệ.

"Chính sách về tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo. Tôi kỳ vọng các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí sẽ tiếp tục được Chính phủ xem xét, triển khai trong năm 2024 để trợ lực nhiều hơn nữa cho DN" - TS Nguyễn Quốc Việt bày tỏ. 

Đẩy mạnh các mô hình kinh tế mới

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng để góp phần vào tăng trưởng kinh tế, cần đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế mới, hoạt động thương mại điện tử, thương mại biên giới. Phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chip bán dẫn; thúc đẩy phát triển, hội nhập thị trường tín chỉ carbon...

"Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, cần tập trung vào 3 động lực tăng trưởng; làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận.

Ngành ngân hàng chủ động từ đầu năm

Về phía ngành NH, ngay từ đầu năm, NH Nhà nước đã thông báo, giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15% cho các tổ chức tín dụng để các đơn vị chủ động triển khai, đáp ứng nhu cầu vốn, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, theo NH Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 ở mức khá thấp so với cùng kỳ các năm gần đây. Do đó, NH Nhà nước đã ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, các chi nhánh NH nước ngoài đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm; đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

NH Nhà nước cũng yêu cầu các NH rà soát, đơn giản hóa, tối ưu hóa việc áp dụng chuyển đổi số vào quy trình và thủ tục cấp tín dụng; tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ phù hợp từng đối tượng khách hàng và thị trường; đối thoại, trao đổi với khách hàng nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...

Động lực thúc đẩy tăng trưởng- Ảnh 2.

Để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, cần nhiều giải pháp quyết liệt từ phía Chính phủĐồ họa: ANH THANH

Quyết tâm xử lý vướng mắc của bất động sản

Theo các chuyên gia, trên lý thuyết, trong chu kỳ của "bong bóng" bất động sản, ngân hàng cho người đầu cơ và công ty bất động sản vay quá nhiều, dẫn đến dư thừa nguồn cung nhà ở trên thị trường. Đến một thời điểm, nguồn cung tín dụng cạn kiệt khiến giá nhà sụt giảm và hoạt động xây dựng đình trệ. Thị trường bất động sản khi đó sẽ mất nhiều năm để tiêu thụ nguồn cung dư thừa.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện không diễn ra tình trạng này. Tỉ lệ nhà trống tại Việt Nam đang ở mức dưới 5%. Hoạt động xây dựng đang tạm dừng không phải vì dư thừa nguồn cung mà do một số vấn đề về pháp lý khiến dự án mới khó được phê duyệt và vấn đề cấp vốn cho các dự án ở những khu đô thị hiện hữu. Hơn nữa, giá nhà ở tại Việt Nam không giảm do nhu cầu đang lớn hơn nguồn cung.

Theo đánh giá của Quỹ Đầu tư Vinacapital, thị trường bất động sản đang "ấm" lên sẽ hỗ trợ cho tiêu dùng trong năm 2024. Gần đây, một số dự án có vị trí đẹp được phát triển bởi các công ty lớn đã mở bán rất thành công. Một số chỉ báo thể hiện Chính phủ rất quyết tâm xử lý các vấn đề của thị trường bất động sản, nhất là vấn đề pháp lý đang khiến một số dự án bị đình trệ. Nguồn thu từ phí sử dụng đất của các dự án được phê duyệt năm 2024 dự kiến tăng 70% so với năm ngoái, cho thấy số lượng dự án được phê duyệt sẽ tăng mạnh.

L.Anh

photo-1708330940605

Ông NGUYỄN HỒNG DIÊN

Ông NGUYỄN HỒNG DIÊN, Bộ trưởng Bộ Công Thương:

Nhanh chóng ban hành chương trình hành động

Bộ Công Thương đã ban hành chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết 01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Chương trình hành động này cũng nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Chính phủ giao cho ngành Công Thương trong năm nay.

Để đẩy mạnh xuất nhập khẩu - một trong những động lực chính của nền kinh tế, Bộ Công Thương sẽ triển khai các giải pháp thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác cơ hội từ quan hệ đối ngoại với nước lớn nhằm đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ ba của các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Tích cực tham mưu, đàm phán, ký kết và nâng cấp các hiệp định thương mại tự do với các đối tác còn tiềm năng ở khu vực Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ.

Bộ Công Thương còn chú trọng đổi mới xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, thương mại điện tử, kinh tế số nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng.


photo-1708330966380

TS PHAN ĐỨC HIẾU

TS PHAN ĐỨC HIẾU, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Bám sát thực tiễn để triển khai Nghị quyết 01/2024

Tại Nghị quyết 01/2024, Chính phủ đã ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với 6 quan điểm trọng tâm chỉ đạo, điều hành và 12 nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, chủ động thích ứng linh hoạt, hành động quyết liệt, hiệu quả, tích cực đổi mới sáng tạo.

Chính phủ nhấn mạnh chủ đề năm nay là "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững". Trong 12 nhóm giải pháp, có một số giải pháp đã đủ cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay nhằm dốc toàn lực cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định vĩ mô.

Nghị quyết 01/2024 cũng nêu các mục tiêu rất cụ thể. Trong đó, có thể kể đến mục tiêu tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phấn đấu đến các năm 2025, 2030 có 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn. Với sự chuẩn bị về nguồn nhân lực như vậy, chúng ta có thể nâng cao tính sẵn sàng khi thời cơ, cơ hội đến.

Trên cơ sở Nghị quyết 01/2024, các bộ, ngành, địa phương cần bám sát thực tiễn để nắm rõ khó khăn của DN, từ đó điều chỉnh các giải pháp hiện tại, bổ sung giải pháp mới để có sự hỗ trợ kịp thời.

photo-1708330903839

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia kinh tế:

Cần những giải pháp cụ thể, thiết thực

Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt trên 5%, cách xa mục tiêu đề ra là 6% - 6,5%. Tình trạng khó khăn của nền kinh tế còn kéo dài đến đầu năm nay khi số liệu cho thấy số lượng DN rút lui khỏi thị trường trong tháng 1-2024 tăng đột biến với 53.900 DN, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cũng cao gấp 2 lần so với số DN thành lập mới và hoạt động trở lại. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ cần thẳng thắn nhìn nhận để đưa ra giải pháp cụ thể, thiết thực.

Theo đó, cần tiếp tục theo dõi sát sao tình hình thế giới để có những phản ứng chính sách phù hợp, nhất là trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã ngừng tăng lãi suất và có khả năng bắt đầu cắt giảm lãi suất từ sau quý II/2024. Các ngân hàng cũng cần tăng cường giải pháp hỗ trợ DN, nới lỏng điều kiện cho vay, chấp nhận cho vay tín chấp bởi nhiều DN đã kiệt quệ, không còn tài sản bảo đảm.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến về hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm cùng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực khoa học - công nghệ. Theo tôi, đây là ý tưởng rất mới, có thể góp phần hỗ trợ thiết thực cho DN trong những giai đoạn khó khăn.

Chính phủ cũng nên quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các thị trường như chứng khoán, bất động sản, vàng, tiền gửi ngân hàng... phát triển một cách bền vững, qua đó đóng góp tích cực vào nền kinh tế.


photo-1708330866189

Ông SUAN TECK KIN

Ông SUAN TECK KIN, Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu - Tập đoàn UOB:

Hưởng lợi từ dịch chuyển chuỗi cung ứng

Năm 2023, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 5,05% do chịu sức ép từ nhu cầu bên ngoài suy yếu và trên nền tăng trưởng cao trong năm trước đó. Năm 2024, nền kinh tế còn đối mặt nhiều thách thức, bất lợi bởi ảnh hưởng của những bất ổn liên quan các cuộc xung đột địa chính trị và môi trường lãi suất cao trên thế giới.

Chỉ riêng xung đột ở biển Đỏ - khu vực chiếm 12% thương mại toàn cầu với 17.000 tàu đi qua hằng năm - đã khiến các công ty vận tải toàn cầu phải định tuyến lại quanh Mũi Hảo Vọng, dẫn đến kéo dài hành trình, gây ra sự chậm trễ và tăng chi phí giao hàng. Tình trạng này ảnh hưởng không chỉ với người tiêu dùng và người sử dụng cuối cùng mà còn cả các nhà xuất khẩu, nhà sản xuất, rộng hơn là toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu - bao gồm Việt Nam.

Một yếu tố khác cũng cần xem xét là việc thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) tại Việt Nam đối với các doanh nghiệp đa quốc gia có hiệu lực từ đầu năm 2024. Ước tính 122 công ty nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng trong khi số thuế thu nộp ngân sách nhà nước tăng 14.600 tỉ đồng/năm. Chính phủ cần thực hiện các biện pháp bù đắp cho nhà đầu tư như giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động nhằm duy trì khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

Đáng chú ý, ở thời điểm hiện tại, triển vọng cho nền kinh tế Việt Nam được củng cố nhờ sự phục hồi nhu cầu của ngành bán dẫn, sự tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc, khu vực và lợi ích từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng. Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay ở mức 6% và CPI khoảng 3,7%.

Minh Chiến - Thái Phương - Thùy Dương ghi


Theo Minh Chiến - Thái Phương

Báo Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên