Đồng Tháp tìm đường “khai phóng” hạt lúa
Trước nghịch lý: Đầu tư tăng, nhưng năng suất giảm, đầu ra bấp bênh... đời sống người trồng lúa bị dồn đẩy vào thế chân tường của bài toán lợi nhuận, tỉnh Đồng Tháp đã mời các chuyên gia nông học về bàn kế sách “khai phóng” cho hạt lúa... Tuy nhiên thực tế cho thấy, không dễ để làm...
- 28-02-2017Bị thương lái trong nước ép giá, nông dân chuyển sang trồng lúa cho Nhật kiếm lời
- 25-02-2017Những nghịch lý của thị trường lúa gạo
- 19-02-2017Sản lượng lúa Đông Xuân sớm ở Bến Tre tăng gấp 80 lần năm trước
Giảm ngay vụ chính
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV) Đồng Tháp, ThS Nguyễn Thị Ngọc Ánh, cho biết, từ năm 2011-2016, sản lượng lúa của Đồng Tháp tăng hơn 300.000 tấn, nhưng chủ yếu là do tăng diện tích (hơn 50.000ha). Đặc biệt là năng suất lúa trong vụ Đông xuân - vụ sản xuất có năng suất cao nhất trong năm - giá thành thấp nhất năm lại có dấu hiệu giảm dần...
Cụ thể, vụ Đông xuân 2016-2017, năng suất đạt 5,31 tấn/ta, giảm 1,2 tấn/ha so cùng kỳ 2015-2016 và đây là vụ Đông xuân có năng suất thấp nhất trong nhiều năm qua.Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng bao trùm là do thời tiết diễn biến bất lợi do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu toàn cầu- nước biển dâng (BĐKHTC-NBD). “Ngoài ảnh hưởng nền nhiệt độ trung bình cao, cây lúa tăng tốc độ ra lá, làm rút ngắn thời gian sinh trưởng, khi cây lúa ở giai đoạn từ 35 ngày thì lại gặp biên độ nhiệt thấp và số giờ nắng thấp, làm giảm số bông, khả năng quang hợp. Đến thời kỳ lúa bắt đầu trỗ, lại xuất hiện nhiều trận mưa ảnh hưởng đến thụ phấn, làm lúa bị lem lép hạt, giảm năng suất”, Ths Ánh cho biết.
Trong khi đó, theo các chuyên gia nông học, chính phương pháp canh tác phần lớn dựa vào kinh nghiệm “truyền miệng” của nông dân đã “nối giáo” cho thiên tai gia tăng mức tấn công lên cây lúa. GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng ĐH Nam Cần Thơ cho rằng việc áp dụng kỹ thuật sản xuất chưa phù hợp, không chỉ khiến cho lúa giảm năng suất, chi phí tăng cao mà còn gây nhiều tác động lâu dài cho nhiều vụ tới. “Chính tạp quán đốt rơm trên đồng và thói quen bón thừa phân đạm đã làm tổn hại bầu khí quyển, làm cho tiến trình xâm hại của BĐKHTC-NBD sẽ nhanh lên, và nhất là “chai” đất” làm cho các vụ gieo trồng tiếp theo tốn nhiều chi phí hơn, những năng suất lại sụt giảm”, GS Xuân nhấn mạnh. Còn GS.TS Nguyễn Bảo Vệ - nguyên trưởng khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) thì cho rằng, lịch thời vụ sản xuất lúa của Đồng Tháp chưa né tránh những bất lợi của thời tiết, không chỉ khiến nông dân phải đối mặt với thực trạng tốn thêm chi phí để ứng phó mà còn làm cây lúa bị bất lợi về sinh trưởng, năng suất, chất lượng giảm.
Không dễ để làm
Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng, thủy văn, tác động của BĐKHTC-NBD sẽ ngày càng nghiêm trọng, nhất là tình trạng thiếu nước ngọt, thừa nước mặn sẽ ngày càng gay gắt Điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho cây trồng sử dụng nhiều nước như lúa. Tuy nhiên, việc khắc phục vấn nạn này lại không hề đơn giản. Tuy không chối bỏ tác động tiêu cực từ thiên nhiên, nhưng GS Võ Tòng Xuân cũng chỉ ra thêm những tác động do chính con người gây ra.
Đó không chỉ là con người “bên ngoài” như những đập thủy điện, những công trình khai thác nước bất chấp những quy định chung ở khu vực đầu nguồn sông Mekong, mà còn do chính con người “bên trong” gât ra như: Nạn phá rừng tràm trồng lúa, làm mất đi túi nươc cung ứng cho đồng đất vào mùa khô, rồi ngọt hóa vùng mặn để trồng lúa, lên đe bao để trồng lúa 3 vụ, vô hình trung đẩy lũ đi nhanh ra biển, vừa làm thất thoát phù sa bồi đắp cho đất, vừa gia tăng nguy cơ thiếu nước trong mùa khô.
GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh: “Trong lúc việc “đấu tranh” nguồn nước với các quốc gia láng giềng vẫn chưa có hồi kết, thì tuy duy “lúa và lúa” của nhiều địa phương đã khiến cho nguồn nước đã eo hẹp ngày càng trầm trọng”. Bởi điều này không chỉ dồn đẩy người trồng lúa đối mặt với nghịch lý: đầu tư tăng, năng suất giảm, giá bán không cao do chất lượng không cao, mà còn để lại nhiều hệ lụy lâu dài cho đồng đất. Vì vậy, theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, để khai phóng cho hạt lúa, trước mắt, nông dân phải khai thác có hiệu quả tài nguyên đất, nước, khí hậu để giảm chi phí trồng lúa, đặc biệt là phải để đất trống từ 30 – 40 ngày...
Tuy nhiên, theo GS Xuân, bên cạnh việc đòi hỏi người trồng lúa thay đổi phương pháp canh tác, trồng lúa thông mình, như: chủ động né tránh thời tiết bất thường, khai thác có hiệu quả tài nguyên đất... cũng rất cần thay đổi về tư duy quản lý cây trồng vật nuôi ở cấp khu vực. Giảm diện tích lúa phẩm cấp “đại trà” để đầu tư nâng cao chất lượng hạt gạo cao cấp, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Lao động