Dòng vốn hơn 4 tỷ USD từ Nhật Bản đổ về một tỉnh triệu dân giáp Hà Nội
Đến nay, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đứng đầu về số dự án FDI vào tỉnh này với 173 dự án và tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD.
- 19-12-2023Bình Định sẽ có 3 thành phố
- 19-12-2023Phó Thủ tướng: Quy hoạch đột phá để Tây Nguyên "thức giấc"
- 19-12-2023Tín hiệu mới nhất về dự án đường sắt tốc độ cao: Thủ tướng tiếp tục nêu đề nghị với một quốc gia
Hưng Yên nằm ở trung tâm Đồng bằng Bắc Bộ, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và giáp tới 5 tỉnh thành là Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình và Hà Nam.
Nhờ vị trí địa lý thuận lợi và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hiện nay Hưng Yên đang được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, đến nay, Hưng Yên có 2.182 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 20 tỷ USD tương đương, trong đó có 536 dự án FDI với số vốn đăng ký 6,76 tỷ USD.
Trong đó, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đứng đầu về số dự án với 173 dự án và tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD. Hiện đã có khoảng 170 dự án FDI của Nhật Bản đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng trên 3,2 tỷ USD, qua đó tạo việc làm cho khoảng 45.000 lao động, riêng đóng góp ngân sách nhà nước năm 2022 khoảng 1.407 tỷ đồng.
Tỉnh Hưng Yên cho biết coi trọng và kêu gọi các nhà đầu tư từ Nhật Bản, đặc biệt là các tập đoàn lớn nghiên cứu hợp tác đầu tư các lĩnh vực có thế mạnh. Cụ thể, địa phương có lợi thế cạnh tranh vượt trội và có nhu cầu phát triển như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; kết cấu hạ tầng, đô thị thông minh; phát triển nông nghiệp hiện đại; khu công nghiệp; phát triển hạ tầng logistics; tài chính, ngân hàng.
Mới đây sáng 16/12, trong Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản tại Tokyo, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn và đại diện Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã trao đổi bản ghi nhớ (MoU) về việc hợp tác thúc đẩy dự án Khu công nghiệp Thăng Long II, giai đoạn 4.
Ở giai đoạn này, Tập đoàn Sumitomo sẽ chú trọng đến việc mở rộng khu thương mại và nhà ở trên diện tích 391,7 ha, với tổng số vốn đầu tư là 500 triệu USD.
Khu công nghiệp Thăng Long là một trong những khu công nghiệp kiểu mẫu và là điểm nhấn quan trọng trong chiến lược thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Hưng Yên. Đến nay, Khu công nghiệp này đã tiếp nhận trên 100 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3 tỷ USD, chủ yếu là các các nhà đầu tư Nhật Bản; trong đó có một số tập đoàn kinh tế lớn như: Kyocera, Hoya, Nippon, Daikin, Toto, Panasonic.
Tỉnh Hưng Yên hiện tại đang có 17 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích đạt hơn 4.400 ha.
Là tỉnh có hệ thống các tuyến giao thông đường bộ quan trọng như Quốc lộ 5, 39, 38, 38B, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; tuyến đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình, các tuyến đường tỉnh: ĐT.376, ĐT.378, ĐT.379, ĐT.382, ĐT.382B, ĐT.386, ĐT.387... và đường sắt Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng, nối Hưng Yên với các tỉnh phía bắc, đặc biệt là với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Ngoài ra, tỉnh có hệ thống sông Hồng, sông Luộc tạo thành mạng lưới giao thông khá thuận lợi cho giao lưu hàng hoá và đi lại.
Đặc biệt, tỉnh hiện có nguồn lao động dồi dào, với trên 700.000 người ở độ tuổi lao động (chiếm 54% dân số toàn tỉnh - hơn 1,3 triệu người), chủ yếu là lao động trẻ, lao động đã qua đào tạo đạt trên 50%. Cùng với đó, thời gian qua, Hưng Yên liên tục ban hành nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Đây là những yếu tố giúp Hưng Yên trở thành điểm đến của các doanh nghiệp .
Dự kiến, các khu công nghiệp tại Hưng Yên tiếp tục tăng lên thời gian tới, đạt 30 khu công nghiệp với 9.540 ha đến năm 2030; ngoài ra còn có 25 cụm công nghiệp với diện tích trên 1.200 ha và dự kiến tăng lên 52 cụm công nghiệp với diện tích 3.000 ha đến năm 2030.