Đồng yên tiếp đà phục hồi, chạm đỉnh 7 tháng vì nỗi lo từ phía bên kia bán cầu
Đồng yên đã tăng 10% so với đồng USD chỉ trong hơn 3 tuần và chưa có dấu hiệu ngừng giữa những lo ngại về khả năng kinh tế Mỹ suy thoái.
- 04-08-2024Đồng yên ‘hồi sinh’: Giới bán khống lo ngay ngáy, thị trường toàn cầu ‘gợn sóng’
- 02-08-2024Chứng khoán Nhật Bản trải qua đợt sụt giảm lớn thứ 2 trong gần 40 năm: Có liên quan đến đồng yên?
- 02-08-2024Bất chấp bê bối nổ ra triền miên, ông lớn ô tô Nhật Bản vẫn thu lợi kỷ lục nhờ đồng yên yếu nhưng bữa tiệc có vẻ sắp tàn?
Đồng yên vừa bật tăng lên mức cao nhất trong gần 7 tháng vào phiên mở cửa châu Á sáng thứ Hai (5/8) giữa những lo ngại về khả năng kinh tế Mỹ suy thoái và Fed có thể cắt giảm lãi suất sâu hơn.
Đồng tiền Nhật Bản tăng 0,8% lên mức 145,43 yên đổi 1 USD, sau khi đạt mức đỉnh đỉnh 145,28 yên/USD vào giữa tháng 1.
Cùng với một loạt báo cáo thu nhập yếu từ các công ty công nghệ lớn, dữ liệu việc làm Mỹ công bố ngày 2/8 đã thúc đẩy các đợt bán tháo trên các thị trường chứng khoán, dầu mỏ và các loại tiền tệ có lợi suất cao khi các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn của tiền mặt.
Masafumi Yamamoto, chiến lược gia tiền tệ tại Mizuho Securities ở Tokyo, nhận định: “Thị trường đang đặt cược Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 9. Tôi cho rằng như vậy là quá nhiều”. “Kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu chậm lại nhưng không tệ như thị trường phản ánh”.
Yamamoto cho biết động lực ngắn hạn có thể duy trì các đợt bán tháo, và đồng yên có thể tăng giá nhiều hơn.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ đã giảm khá mạnh kể từ tuần trước, khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 5,25-5,5%. Chủ tịch Jerome Powell cũng để ngở khả năng hạ lãi suất vào tháng 9.
Nhưng đến thứ Sáu (2/8), dữ liệu việc làm cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tháng 7 tăng vọt, làm dấy lên lo ngại kinh tế Mỹ có thể đang hướng đến suy thoái và lãi suất sẽ hạ sâu hơn.
Đồng yên tăng 10% so với đồng USD chỉ trong hơn 3 tuần, một phần là do Ngân hàng Nhật Bản tăng lãi suất cơ bản thêm 15 điểm lên 0,25% vào tuần trước.
Theo Reuters
Nhịp Sống Thị Trường