Gần 79.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động kể từ đầu năm 2023
Cả nước có gần 79.000 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 2%, tương đương mỗi tháng có 19.700 DN gia nhập thị trường.
- 26-04-2023Địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước
- 21-04-2023Giải mã chuyện thu nhập người Việt thấp nhưng giá bất động sản lại rất cao
- 21-04-2023Tỉnh liền kề Thủ đô duy nhất có thu nhập bình quân tăng trên 15 lần sau 20 năm, lọt top 10 cao nhất Việt Nam
Tổng Cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 với nhiều chỉ số đáng chú ý. Số DN gia nhập thị trường đã cao hơn số DN dừng hoạt động; vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách tăng. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 4 tháng vẫn tiếp đà giảm ở mức 2 con số; Chỉ số giá tiêu dùng tăng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam giảm - so với cùng kỳ năm trước… Đây là những chỉ báo, nền kinh tế sẽ còn nhiều thách thức - bất lợi, cần nhận diện để có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới.
Trong 4 tháng qua, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng ở 52 địa phương và giảm ở 11 địa phương, tương đương giảm 1,8% so với cùng kỳ trước. Ngành khai khoáng giảm mạnh nhất, kế đến là chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện.
Cả nước có gần 79.000 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 2%, tương đương mỗi tháng có 19.700 DN gia nhập thị trường. Số DN rút lui khỏi thị trường là 77.000 DN, tăng hơn 25%, bình quân mỗi tháng hơn 19.000 DN rời thương trường.
Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách ước đạt 131.200 tỷ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ trước. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tính đến 20/04 đạt 8,88 tỷ USD, giảm gần 18%; số vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 5,85 tỷ USD, giảm 1,2%.
Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng qua ước đạt gần 109 tỷ USD, giảm gần 12%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 102 tỷ USD, giảm hơn 15%. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,35 tỷ USD. Hoạt động vận tải hành khách 4 tháng tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước, vận tải hàng hóa tăng hơn 17%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 3.700 nghìn lượt, gấp hơn 19 lần cùng kỳ 2022.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 2.007 tỷ đồng, tăng 12,8%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng tăng 3,84% so với cùng kỳ trước; lạm phát cơ bản tăng 4,9%.
Nhìn chung, kinh tế tiếp tục chịu ảnh hưởng từ bối cảnh quốc tế và sẽ còn gặp những thách thức, bất lợi. Trong đó, điểm sáng là hoạt động du lịch dịch vụ và vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách. “Cần tiếp tục có những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô cùng nhiều giải pháp nền tảng khác, trong đó quan tâm thúc đẩy nguồn vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách, tạo tiền đề cho tăng trưởng giai đoạn còn lại” là khuyến nghị từ bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng.
Thứ nhất, về chính sách cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, điều chỉnh toàn bộ dự án đầu tư công từ khâu chuẩn bị đầu tư, triển khai, hoàn thành, quyết toán dự án và đưa vào sử dụng. Thứ hai, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án.
Thứ ba, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trách nhiệm, xử lý nghiêm các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án cố tình gây khó khăn làm chậm tiến độ dự án, chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn. Thứ tư là tăng cường phối hợp giữa các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, không để các vướng mắc kéo dài. Thứ 5, đẩy nhanh việc thực hiện giải ngân với các dự án chuyển tiếp, các dự án trong năm.
Thứ 6, thực hiện điều hòa vốn giữa chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội cũng như kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm. Cần kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ các dự án, công trình. Cuối cùng tục thực hiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin liên quan đến đầu tư công./.
VOV