Giá ăn uống, dịch vụ có giảm theo thuế GTGT?
Các doanh nghiệp đánh giá quyết định giảm thuế giá trị gia tăng trong 2 tháng cuối năm sẽ tác động tích cực nhưng chưa đủ mạnh để có thể đẩy lực cầu lên cao
- 05-11-2021Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ tụt hậu trung bình của thế giới từ 2 - 3 thế hệ
- 04-11-2021Thu thuế cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản tháng 10 nhiều hơn số thu 2 tháng trước gộp lại
- 04-11-2021Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam: Gần 80% nhà đầu tư ‘rót tiền’ vào bất động sản kiểu ‘chạy nước rút’ thay vì chọn ‘marathon’
Liên tục từ ngày 1-11 đến nay, một loạt chuỗi cà phê, trà sữa, thức ăn nhanh… đồng loạt thông báo trên app, website, Facebook… về việc điều chỉnh thuế giá trị gia tăng (GTGT) trên mỗi sản phẩm từ 10% xuống còn 7%, thời gian áp dụng từ ngày 1-11 đến 31-12-2021 như một cách khẳng định với khách hàng về việc chấp hành nghiêm quy định của nhà nước và tinh thần chia sẻ với khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn.
Giá giảm không đáng kể
Theo Nghị quyết 406 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân chịu tác động của dịch Covid-19 và Nghị định số 92/2021/NĐ-CP hướng dẫn của Chính phủ, từ ngày 1-11 đến 31-12-2021, GTGT một số lĩnh vực được giảm 30%, gồm dịch vụ vận tải, lưu trú, ăn uống, dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch, các dịch vụ hỗ trợ, quảng bá và tổ chức tour du lịch. Cùng với đó là một số sản phẩm và dịch vụ liên quan đến các hoạt động vui chơi giải trí, thể thao khác.
Các doanh nghiệp và hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống đều cho rằng mức giảm 30% GTGT chưa đủ tác dụng kích cầu vì rất ít tác động tới giá hàng hóa .Ảnh: AN NA
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện một chuỗi cà phê thuộc tốp đầu tại Việt Nam cho hay: "Ngay khi được mở cửa bán hàng trở lại, chúng tôi đã chạy chương trình khuyến mãi đậm để thu hút khách, nhờ vậy doanh thu nhanh chóng phục hồi gần như 100% như thời điểm trước dịch. Việc giảm thêm 30% GTGT theo quy định đúng là có giúp giá bán mỗi ly nước giảm thêm nhưng chưa thật sự ấn tượng nên từ ngày 1-11 đến nay, lượng đơn hàng mỗi ngày gần như không tăng bao nhiêu so với trước" - vị đại diện này tiết lộ.
Anh Đặng Hữu Khoa - chủ một quán cà phê kèm cơm trưa văn phòng quận 3, TP HCM - thống kê lượng khách đến quán chỉ bằng 1/2 so với trước dịch. "Trung bình mỗi hóa đơn ăn trưa và uống nước cho 2-3 khách khoảng 250.000 - 400.000 đồng, nếu giảm 30% thuế GTGT là 7.500 - 12.000 đồng, chưa đủ hấp dẫn để kéo họ đến quán thường xuyên như trước" - anh Khoa tính toán. Nguyên nhân được anh lý giải là do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần này quá nặng, đại đa số người dân TP HCM còn tâm lý e ngại ăn uống bên ngoài và tiết kiệm tiền nên tác động của việc giảm thuế GTGT đối với giá ăn uống chưa thấy rõ. Hy vọng 1-2 tuần nữa, khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội sâu rộng hơn, tâm lý người dân bớt e dè và tiêu dùng sẽ thoải mái hơn.
Trong khi đó, việc giảm thuế GTGT với du lịch được đánh giá sẽ có tác động tích cực cho ngành trong quá trình khôi phục. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông Công ty TST tourist, cho biết nhiều giải pháp tài chính vừa áp dụng trong việc hỗ trợ cho người lao động mất việc, giảm tiền ký quỹ dành cho DN kinh doanh lữ hành trong nước, quốc tế và gần đây nhất là Nghị quyết số 406 đã góp phần giúp DN nâng cao khả năng gượng dậy để khôi phục hoạt động. Điều này có ý nghĩa tích cực, không những cho DN lữ hành mà là động lực cho nền kinh tế sớm trỗi dậy. "Việc giảm thuế GTGT trong lĩnh vực du lịch sẽ giúp cả khách hàng và DN lữ hành được lợi nhiều hơn khi xây dựng cấu thành giá bán ra thấp hơn. DN sẽ cân đối tổng thể giá thành những dịch vụ đầu vào sao cho sản phẩm du lịch vừa hấp dẫn, giá thành hợp lý, có những chính sách ưu đãi hoặc tiện ích đi kèm nhằm thu hút du khách hơn…" - ông Mẫn nói.
Cần hỗ trợ mạnh hơn
TS Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, đánh giá việc giảm thuế GTGT đối với một số lĩnh vực tiêu dùng, dịch vụ trong 2 tháng cuối năm 2021 là một trong những cách để giảm giá thành của hàng hóa trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi. "Tuy nhiên, trong lĩnh vực ăn uống, quy định hiện tại chỉ áp dụng cho phần ngọn là các hàng quán nên mức độ tác động kích cầu sẽ rất hạn chế. Nếu được, nên áp dụng trên quy mô lớn từ các DN sản xuất, phân phối thực phẩm để người tiêu dùng mạnh dạn mua. Ngoài ra, cần tính toán lại mức giảm vì giảm 30% như hiện tại chưa đủ sức hấp dẫn" - ông Vũ góp ý.
Theo ông Lê Tấn Hậu, Giám đốc Công ty Dịch vụ Du lịch Vận tải Tấn An Gia, áp lực về thuế GTGT là rất lớn, vì tháng nào cũng phải đóng. Còn thuế thu nhập DN một năm mới đóng một lần sẽ đỡ "căng" hơn. Nhưng chỉ giảm 30% thuế GTGT sẽ không có nhiều ý nghĩa vì hiện doanh thu của công ty giảm mạnh đến 80% so với trước dịch. Do đó, nếu được giảm thuế GTGT 100% mới thật sự có nhiều ý nghĩa.
Nhiều DN vận tải nói hiện nay họ gặp rất nhiều khăn, doanh thu không có nên giảm thuế GTGT chưa thể giúp được gì cho DN. Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP HCM, cho rằng DN vận tải cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ để vượt qua khó khăn thay vì chỉ giảm thuế GTGT. Hiện nay, số lượng xe tải của các DN ở thành phố là rất lớn (hơn 10.000 chiếc) trong khi lượng hàng hóa không nhiều dẫn tới cung vượt cầu, xe tải dư thừa. Nhiều chủ xe chấp nhận chạy không lãi để có thu nhập trả nợ ngân hàng.
Ngay cả ngành du lịch, nhiều DN cũng cho rằng mức giảm GTGT hiện đang áp dụng chưa cao và khó kích cầu trong thời gian tới nên kiến nghị thêm chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel Holdings, phân tích việc giảm thuế GTGT ở mức 30% áp dụng đến ngày 31-12-2021, tức chỉ trong vòng 60 ngày thì như "muối bỏ bể", chưa đủ kích cầu được trong bối cảnh ngành du lịch vừa gượng dậy và sức mua là rất yếu. "Do đó, cần cú hích mạnh mẽ hơn trong hỗ trợ ngành du lịch đúng với tinh thần là ngành kinh tế mũi nhọn. Chúng tôi đề xuất giảm thuế GTGT từ 10% xuống 5% và áp dụng trong khoảng 2 năm để kích cầu thật sự. Ngoài ra, cần giảm thuế thu nhập DN từ 23% xuống 18% trong khoảng 2 năm và có thể áp dụng chính sách ân hạn cho DN một vài năm. Bởi giãn, hoãn như hiện nay DN thực chất vẫn phải đóng trong khi "sức khỏe" tài chính đang rất khó khăn" - ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, cũng cho rằng thời gian áp dụng quá ngắn. Vì du lịch chỉ mới chớm phục hồi và chính sách cần độ trễ để lan tỏa, không thể giảm là kích thích ngay. Nếu có thể giảm 30% trong vòng 1 năm sẽ tốt hơn.
Thực hiện như thế nào?
Theo Cục Thuế TP HCM, thực hiện Nghị định số 92/2021/NĐ-CP hướng dẫn chính sách miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch, các DN, tổ chức khi lập hóa đơn GTGT cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, tại dòng thuế suất thuế GTGT ghi mức thuế suất theo quy định 5% hoặc 10% x 70%. Tiền thuế GTGT và tổng số tiền người mua phải thanh toán. Căn cứ hóa đơn GTGT, DN sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế GTGT đầu ra; DN mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo số thuế đã giảm được ghi trên hóa đơn GTGT.
T.Thơ
Người lao động