MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc ở Phố Wall đồng loạt gióng chuông cảnh báo: Thị trường chứng khoán sẽ gặp ‘thảm hoạ’ nếu không giải quyết trần nợ

18-05-2023 - 08:26 AM | Tài chính quốc tế

Giám đốc ở Phố Wall đồng loạt gióng chuông cảnh báo: Thị trường chứng khoán sẽ gặp ‘thảm hoạ’ nếu không giải quyết trần nợ

Các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Phố Wall đã gửi một bức thư ngỏ đến Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo Quốc hội về tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề trần nợ.

Một số giám đốc tên tuổi ở Phố Wall cảnh báo rằng “thảm họa” sẽ xảy ra trên thị trường chứng khoán nếu các nhà lập pháp Mỹ không sớm bỏ phiếu nâng trần nợ.

CEO David Solomon của Goldman Sachs, ông chủ James Gorman của Morgan Stanley và 142 giám đốc cấp cao khác đã cùng nhau ký vào bức thư ngỏ gửi đến Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Quốc hội. Nội dung thư thúc giục các chính trị gia giải quyết bế tắc trần nợ trước khi chính phủ cạn kiệt tiền.

Các nhà điều hành cho biết: “Chúng tôi viết thư là để nhấn mạnh những hậu quả tai hại có thể xảy ra nếu chính phủ liên bang không hoàn thành các nghĩa vụ của mình. Nếu không đưa ra được hướng giải quyết, chính phủ có thể sẽ hết tiền ngay sau ngày 1/6”. Họ nhấn mạnh thêm tính cấp thiết của động thái chấm dứt vấn đề nợ công.

Trần nợ là giới hạn pháp lý về số tiền mà chính phủ Mỹ có thể vay, do Quốc hội đặt ra. Mỹ đã chạm trần 31,4 nghìn tỷ USD vào ngày 19/1, nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden và Hạ viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo không thể thống nhất cách giải quyết giới hạn nợ này.

Các đảng viên Đảng Cộng hòa đang từ chối bỏ phiếu nâng trần nợ, trừ khi Nhà Trắng đồng ý cắt giảm chi tiêu trong tương lai. Ông Biden và Thượng viện lại cho rằng vấn đề này nên được bỏ phiếu riêng.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, “ngày X” – ngày chính phủ hết tiền có thể đến sớm nhất vào ngày 1/6, nếu Quốc hội không nâng trần nợ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen

Lần gần đây nhất Mỹ tiến gần đến tình trạng vỡ nợ là năm 2011. Các nhà điều hành cấp cao chỉ ra rằng thị trường chứng khoán trên toàn thế giới khi ấy đã sụt giảm. Theo Moody's, sự bất ổn từ cuộc khủng hoảng năm 2011 cũng khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,7%.

Các giám đốc Phố Wall cảnh báo rằng nếu không sớm giải quyết bế tắc trần nợ, hậu quả lần này có thể còn khốc liệt hơn. Vì nền kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn lạm phát cao và chịu ảnh hưởng từ hỗn loạn ngành ngân hàng trong những tháng gần đây. Họ nhấn mạnh điều tồi tệ hơn nữa là nguy cơ vỡ nợ sẽ làm suy yếu vị thế của nước Mỹ trong hệ thống tài chính thế giới.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ mong muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận để đất nước có thể tránh được kịch bản tàn khốc này.

Theo MI


Anh Dũng

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên