Giảm giá bán, chưa đủ!
Ngày 28-4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám tiếp tục khảo sát tại một số doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ thịt heo và làm việc với UBND TP HCM để tìm giải pháp giải cứu heo tồn.
Qua khảo sát, ông Vũ Văn Tám cho biết tổng đàn không tăng quá lớn. Tại Đồng Nai, nơi đàn heo lớn nhất cả nước, chỉ tăng khoảng 16% nhưng bị khủng hoảng giá do Trung Quốc ngưng nhập tiểu ngạch và yếu tố tâm lý khiến người nuôi bán đổ bán tháo, thương lái càng ép giá. Trước tình hình trên, bộ đã làm việc với 30 tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi, đề nghị họ chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi sau 15-20 năm được hưởng lợi. Hiện đã có 5 tập đoàn lớn giảm giá thức ăn chăn nuôi từ 200 đồng - 500 đồng/kg.
Tuy nhiên, ông Tám cho rằng giá heo hơi hiện nay nông dân đang lỗ 7.000 đồng - 11.000 đồng/kg trong khi giá bán lẻ cho người tiêu dùng chỉ giảm nhẹ là chưa ăn thua. Thứ trưởng Vũ Văn Tám kêu gọi các thương nhân đang tham gia chuỗi cung ứng heo chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi; người dân, các bếp ăn tập thể thay vì dùng phụ phẩm gà nhập khẩu có thể chuyển sang dùng thịt heo. Trước đó, làm việc tại Vissan, ông Tám cũng đề nghị đơn vị xúc tiến xuất khẩu sang Nga vì thị trường đã mở cửa và Vissan có sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu để tạo cú hích cho thị trường.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết trong bối cảnh hiện nay, thương lái mổ heo ra chợ sỉ nhiều ngày bị lỗ khủng khiếp. Nhiều hôm mua heo hơi 20.000 đồng/kg nhưng bán heo mảnh chỉ có 15.000 đồng (heo mảnh có trọng lượng khoảng 75% heo hơi) trong khi chợ lẻ, siêu thị bán cho người tiêu dùng giảm giá quá ít.
Đại diện hiệp hội cho rằng tại TP HCM tuy kênh bán hàng hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi phát triển rộng khắp nhưng nhìn chung nơi tiêu thụ thịt heo chủ lực vẫn là các chợ truyền thống và chợ tự phát. Những nơi này không có điều kiện bảo quản nên thời gian bán hàng ngắn, chủ yếu là nửa đầu buổi sáng, sau đó thịt xuống phẩm cấp, người tiêu dùng thường chê. Do đó, tiểu thương không dám lấy nhiều hàng mà chỉ lấy lượng vừa đủ bán và neo giá cao để bảo đảm phần lãi cho mình.
Theo ông Lâm Tuấn Hùng, Giám đốc thu mua thực phẩm tươi sống Lotte Mart Việt Nam, heo từ trại nông dân đến thành phẩm bán cho người tiêu dùng qua rất nhiều khâu trung gian (vận chuyển, giết mổ, các loại phí kiểm dịch...) nên giá bán tới tay người tiêu dùng tăng lên. Hơn nữa, giá thành từ heo nguyên con để ra thành phẩm cần rất nhiều điều kiện cấu thành. Hàng hóa vào siêu thị phải bảo đảm các yêu cầu khắt khe về chất lượng, phẩm chất, quy cách sản phẩm, vì vậy, giá thu mua các loại này thường ít biến động và vẫn giữ giá khá tốt. Chưa kể các đơn vị ký hợp đồng tiêu thụ trong một thời gian cố định nên giá cả ít biến động. Tình trạng rớt giá chỉ xảy ra với các hộ chăn nuôi trôi nổi, tự phát, khó hoặc không kiểm soát được chất lượng và một phần từ việc cung cao hơn cầu.
Trước việc tiểu thương chợ lẻ không chịu giảm giá cho người tiêu dùng, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đã có sáng kiến thu mua heo của hội viên với giá 30.000 đồng/kg heo hơi, thuê giết mổ và mở sạp bán trực tiếp tại các khu công nghiệp với giá không lợi nhuận. Dự kiến trong vài ngày tới, các sạp này có thể đi vào kinh doanh. Việc tự đứng ra bán lẻ không chỉ giúp tiêu thụ heo cho nông dân mà còn tìm hiểu thực tế việc bán lẻ thịt heo có đúng là “ăn quá dày” để tìm biện pháp can thiệp.
Người Lao động