MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GS Đặng Hùng Võ: Có nhiều lỗ hổng rất lớn ở khung pháp lý về dự án BT

03-08-2018 - 09:14 AM | Bất động sản

Những bất cập của dự án BT vẫn là câu chuyện “dài kỳ” khi hành lang pháp lý trong thực hiện các dự án này còn nhiều lỗ hổng.

Bộ Tài chính đề nghị UBND thành phố Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng tài sản công (quỹ đất) thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ. Như vậy, các dự án BT của Hà Nội phải tạm dừng lại, để chờ Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành. Đây cũng là bước khắc phục những tồn tại trong việc thực hiện các dự án BT.

Phóng viên VOV.VN phỏng vấn GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này.

PV: Quan điểm của ông thế nào về việc các dự án BT bộc lộ rất nhiều vấn đề và Bộ Tài chính đã yêu cầu dừng dùng quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT?

GS Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng dừng dùng quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT là cần thiết. Đầu tư theo hình thức BT, theo tôi, có nhiều khoảng trống trong quy định của pháp luật. Chính phủ đã có Nghị định về các dự án đối tác công tư (PPP), như Nghị định số 108 ngày 27/11/2009 và Nghị định số 24 ngày 05/4/2011 sửa đổi một số điều của Nghị định 108/2009/NĐ-CP. Trong Nghị định có quy định về hình thức đầu tư BT, nhưng cũng có rất nhiều các quy định lơi lỏng, đơn cử như quy định đất trả cho các dự án BT có thể giao đồng thời với việc thực hiện công trình hạ tầng.

GS Đặng Hùng Võ: Có nhiều lỗ hổng rất lớn ở khung pháp lý về dự án BT - Ảnh 1.

GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ví dụ dự án BT xây dựng đường trục phía nam Hà Nội, do Cienco 5 làm chủ đầu tư, với 41 Km đường (mặt cắt đường 40 m, 4 làn xe) từ ngã ba Kiến Hưng (Hà Đông) tới Pháp Vân - Cầu Giẽ (Thường Tín), Nhà nước sẽ trả cho nhà đầu tư các khu đất để phát triển khu đô thị mới Thanh Hà và Mỹ Hưng. Sau 9 năm thực hiện, mới chỉ xây dựng được 12 km đường, nhưng đất đai cho phát triển khu đô thị mới Thanh Hà và Mỹ Hưng đã được giao cho chủ đầu tư và chủ đầu tư đã bán đất Thanh Hà cho chủ đầu tư khác.

Chính việc giao đất đối ứng dự án BT cùng với việc làm hạ tầng dẫn tới lơi lỏng trong quản lý. Hơn nữa, không có quy định cụ thể về việc định giá hạ tầng do nhà đầu tư xây dựng, kiểm toán kỹ thuật.

PV: Ngoài bất cập nêu trên, ông thấy dự án BT còn vấn đề gì nữa?

GS Đặng Hùng Võ: Một số dự án BT, giao đất đổi lấy dự án xây dựng hạ tầng giao thông cùng trong một khu đô thị thì cũng là một vấn đề. Chủ đầu tư xây dựng dự án hạ tầng giao thông trong khu đô thị, sau đó lại xây nhà trên khu đô thị đó để bán. Như vậy chủ đầu tư được lợi cả hai đường, công trình hạ tầng giao thông làm cho chính dự án khu đô thị của mình thụ hưởng và cũng là công trình hạ tầng giao thông đối ứng với quỹ đất được nhận.

Ở đây Nhà nước dường như không được hưởng lợi từ sự phát triển hạ tầng giao thông. Ví dụ điển hình là các dự án Ecopark, khu đô thị Thanh Hà của Cienco 5 hay khu đô thị Nam Cường ở thành phố Hải Dương...

Trong Luật Đất đai 2013 không có quy định nào về định giá tài sản, cũng như định giá hạ tầng để đổi đất. Về dự án BT, chỉ quy định thẩm quyền ai là người giao đất cho các dự án BT (đó là UBND cấp tỉnh) nhưng không quy định về định giá. Đây là khoảng trống pháp luật rất lớn của Luật Đất đai 2013 đối với dự án BT. Theo tôi, Luật Đất đai có thể không quy định về định giá hạ tầng nhưng phải quy định về định giá đất, định giá thế nào để giá trị đất đai đem đổi tương xứng với giá trị của hạ tầng.

Năm 2017 mới có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, có khá nhiều điều quy định về dự án BT, nhưng 01/01/2018 mới có hiệu lực và không áp dụng được với các dự án BT đã triển khai trước thời điểm đó.

Các quy định về dự án BT trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã có nhưng vẫn không cụ thể. Ví dụ như trong Luật vẫn quy định là đất đai được định giá cho phù hợp với giá thị trường, công trình hạ tầng phải được định giá cho phù hợp với giá thị trường. Nhưng thực tế đòi hỏi chi tiết hơn, định giá thế nào là phù hợp với giá thị trường?

PV: Theo ông, cần làm gì để lấp những “khoảng trống” pháp lý và quản lý tốt hơn dự án BT?

GS Đặng Hùng Võ: Hiện nay, hành lang pháp lý cho đầu tư theo hình thức BT đã được nâng cấp, mặc dù vẫn đang tồn tại những khoảng trống và khoảng chồng chéo pháp luật, cần tiếp tục hoàn thiện. Điều cần làm hiện nay là hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư theo hình thức BT dưới dạng một Nghị định của Chính phủ dưới ô của Luật Đầu tư công 2014 hoặc dưới ô của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Mặt khác, việc thực thi pháp luật cũng cần được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nhất là quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT.

Cần giới hạn lại phạm vi áp dụng dự án đầu tư theo hình thức BT: chỉ được áp dụng tại những địa phương kém phát triển, nguồn thu ngân sách yếu kém mà ngân sách trung ương vẫn phải trợ giúp, hạ tầng chưa đủ để thu hút đầu tư. Tại những địa phương có hạ tầng phát triển tốt thì không thực hiện dự án BT mà phải thực hiện cơ chế Nhà nước đấu giá đất để lấy tiền phát triển hạ tầng.

Dự án BT có nhược điểm chủ yếu là làm cạn kiệt nguồn lực đất đai. Khi áp dụng, cần hoàn thiện cơ chế xác định giá trị công trình hạ tầng, giá trị đất đai trả cho nhà đầu tư và chi tiết hóa hợp đồng BT theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, mọi dự án đối tác công - tư phải được công khai toàn bộ, có sự tham gia giám sát của người dân và cơ quan nhà nước có liên quan phải thực hiện đúng trách nhiệm giải trình trước các ý kiến giám sát của nhân dân. Đây là những nguyên tắc cơ bản của một hệ thống quản trị tốt.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư với 5 dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BT, và thanh toán bằng quỹ đất cho các nhà đầu tư. Các dự án này bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến Khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens; Dự án xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị dân cư quận Hà Đông; Dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5; Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3. Các nhà đầu tư được giao gồm Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Văn Phú Invest, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát...

Theo Hoài Lam

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên