MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội cưỡng chế thu hồi đất để mở rộng đường Nguyễn Tuân, dân chưa đồng thuận

14-10-2024 - 09:02 AM | Bất động sản

Hàng chục hộ dân có đất bị thu hồi tại dự án cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, đang bức xúc không đồng tình về cách tính đền bù do chủ đầu tư dự án đưa ra. Đất ở từ năm 1991 nhưng chỉ được đền bù với đơn giá bằng 30% giá đất ở.

UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6023 ngày 31/10/2018, về việc phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường Nguyễn Tuân (đoạn từ đầu ngõ 162 đến nút giao Nguyễn Trãi), tỷ lệ 1/500 địa điểm quận Thanh Xuân.

Cùng ngày 31/10/2018, UBND quận Thanh Xuân ra Quyết định số 3854 về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cải tạo, mở rộng theo quy hoạch tuyến phố Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân với tổng vốn đầu tư hơn 399,1 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách quận. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là hơn 277 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng 56 tỷ đồng, chi phí dự phòng là hơn 52,2 tỷ đồng…

Đến năm 2022, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành các quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cải tạo, mở rộng theo quy hoạch tuyến phố Nguyễn Tuân. Theo đó, UBND quận Thanh Xuân xác nhận rằng đất các hộ gia đình tự xây dựng chuyển đổi sang làm nhà ở từ sau ngày 15/10/1993 và trước ngày 1/7/2004 nên chỉ được đền bù với đơn giá bằng 30% giá đất ở tại tuyến phố Nguyễn Tuân theo quy định khung giá đất của thành phố Hà Nội phê duyệt và không được xét mua nhà tái định cư.

Hà Nội cưỡng chế thu hồi đất để mở rộng đường Nguyễn Tuân, dân chưa đồng thuận- Ảnh 1.

Khu vực giải phóng mặt bằng đường Nguyễn Tuân

Bà Chu Thị Thiệu ở 114 đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Chúng tôi sinh sống từ 1991, ổn định hơn 30 năm, có sổ hổ khẩu, đóng thuế đất hàng năm nhưng làm sổ đỏ thì chính quyền không giải quyết. Từ Luật Đất đai 2003, 2013 đã quy định chúng tôi là loại đất giao trái thẩm quyền và có hướng dẫn về việc làm sổ đỏ, nộp tiền sử dụng đất, tuy nhiên, một thời gian dài chúng tôi không làm được sổ đỏ”.

Bà Đỗ Thị Thủy (tại 88 đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân) là người mua lại nhà đất từ năm 1997 chia sẻ: “Khi tôi mua diện tích đất này đã xây nhà ở, có xác nhận của cả phường Thanh Xuân Trung xác nhận năm 1997. Khi dự án thực hiện giải phóng mặt bằng lại cho rằng chúng tôi là đất lấn chiếm?”.

Nguồn gốc đất khu vực giải phóng mặt bằng?

Khu vực hàng chục hộ dân có đất bị thu hồi tại dự án cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung trước đây thuộc Trung tâm Nghiên cứu Sành sứ và Thủy tinh; Viện Công nghệ xạ hiếm được phân chia cho các cán bộ, công nhân từ những năm 1991 phần đất lưu không và UBND xã Nhân Chính giao đất tại đường Nguyễn Tuân thuộc xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm (cũ).

Khu vực này, các hộ dân đã tiến hành xây dựng nhà cửa và các ki ốt sinh sống ổn định từ đó cho đến nay. Trong suốt quá trình sử dụng đất, họ đã nộp thuế sử dụng đất đầy đủ cho nhà nước.

Kết luận số 578 ngày 5/9/1996 của Thanh tra thành phố Hà Nội kết luận thanh tra việc quản lý sử dụng đất tại xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “UBND xã Nhân Chính đã giao 992 m2 đất cho 2 đơn vị dọc đường Nguyễn Tuân, trong đó: Trung tâm Nghiên cứu Sành sứ và Thủy tinh với 733m2. Trung tâm đã giao đất cho 14 hộ làm nhà ở, có 11 hộ đã xây dựng nhà mái bằng kiên cố từ 1 đến 2 tầng…Viện Công nghệ xạ hiếm được giao 259m2 đất, đơn vị đã xây dựng nhà kho và các ki ốt”.

Thanh tra thành phố Hà Nội đã chỉ ra những sai phạm trách nhiệm thuộc về cán bộ địa chính xã, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Chính khóa 1990 - 1993.

Hà Nội cưỡng chế thu hồi đất để mở rộng đường Nguyễn Tuân, dân chưa đồng thuận- Ảnh 2.

Nhà kiên cố đã được xây dựng và người dân đã ở ổn định hơn 30 năm

Kết luận thanh tra không đề cập đến việc thu hồi đất của 2 đơn vị nêu trên. Thanh tra thành phố đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội: Đối với một số khu đất khác do lấn chiếm, mua bán chuyển nhượng trái phép về nguyên tắc phải thu hồi đất, nhưng hiện tại Nhân dân đã xây dựng nhà ở, đề nghị UBND thành phố xem xét giải quyết. Nếu nằm trong vùng quy hoạch khu dân cư thì có thể cho hợp thức nhưng các hộ sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định hiện hành.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân cho biết: Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án với tổng diện tích đất thu hồi GPMB là 14.334 m2 đất của 172 trường hợp (gồm 10 tổ chức, 160 hộ gia đình, cá nhân; 6/10 hộ của khu nhà tập thể 2 tầng và đất giao thông do UBND phường quản lý).

Đến thời điểm này, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân còn hơn 40 hộ chưa đồng tình với phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Một số hộ dân sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có nguồn gốc đất là đất nông nghiệp, giao thông, lưu không... không đủ điều kiện được bồi thường về đất. UBND quận đã báo cáo thành phố Hà Nội đề xuất chính sách hỗ trợ, tuy nhiên, chính sách hỗ trợ về đất được chấp thuận (đơn giá hỗ trợ) chưa được sự đồng thuận của người dân.

Ông Đinh Văn Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội cho biết: “Về nguồn gốc đất, xác định nguồn gốc đất do chính quyền cơ sở xác nhận, dựa trên xác nhận của chính quyền Ban Quản lý áp dụng các chính sách hiện hành. Một số trường hợp chúng tôi thấy thiệt thòi về quyền lợi cho người dân nên đã có những văn bản đề xuất thành phố xin chính sách đặc thù. Tất cả ý kiến của người dân đều xem xét, đảm bảo quyền lợi, kể cả sau khi cưỡng chế vẫn xem xét giải quyết đơn của người dân đảm bảo quyền lợi tối đa”.

Theo PV

VOV.VN

Trở lên trên