MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàn Quốc tiếp tục mạnh tay săn lùng 'mỏ vàng' dưới nước của Việt Nam: Thu hơn 180 triệu USD từ đầu năm, nước ta là 1 trong 3 ông trùm của thế giới

03-06-2024 - 14:06 PM | Thị trường

Cùng với Trung Quốc và Na Uy, Việt Nam đang thống trị thị trường thế giới ở mặt hàng này.

Hàn Quốc tiếp tục mạnh tay săn lùng 'mỏ vàng' dưới nước của Việt Nam: Thu hơn 180 triệu USD từ đầu năm, nước ta là 1 trong 3 ông trùm của thế giới- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thuỷ sản tháng 4/2024 đạt 770 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu thuỷ sản đạt tổng cộng 2,7 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, xuất khẩu mực và bạch tuộc trong tháng 4 đạt 43 triệu USD, giảm 14,2% so với tháng 3/2024. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu mực và bạch tuộc thu về 183 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu mực thu về 98 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ và bạch tuộc thu về 84 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.

Xét về thị trường, Hàn Quốc là thị trường lớn nhất của mực, bạch tuộc Việt Nam với 74 triệu USD, chiếm 54% thị phần. Nhật Bản là khách hàng lớn thứ 2 với 44 triệu USD, chiếm 24%. Trung Quốc và Hong Kong là thị trường lớn thứ 3 với 19 triệu USD, chiếm thị phần 10%.

Hàn Quốc tiếp tục mạnh tay săn lùng 'mỏ vàng' dưới nước của Việt Nam: Thu hơn 180 triệu USD từ đầu năm, nước ta là 1 trong 3 ông trùm của thế giới- Ảnh 2.

Các thị trường xuất khẩu chính của mực và bạch tuộc trong 4 tháng đầu năm. Nguồn: VASEP

Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh, bạch tuộc cắt khúc ướp đá, bạch tuộc chế biến đông lạnh, mực khô lột da, mực chế biến làm sạch đông lạnh, mực sushi đông lạnh, mực nang phile làm sạch đông lạnh, mực nang nguyên con làm sạch đông lạnh, mực cắt trái thông đông lạnh, mực nút đông lạnh...

Số liệu của kita.org cho thấy, Việt Nam là nguồn cung bạch tuộc đông lạnh lớn nhất cho Hàn Quốc, chiếm 43% thị phần. Trung Quốc đứng thứ hai chiếm 41% thị phần.

Đối với Nhật Bản, quốc gia này ưa chuộng mặt hàng này từ Việt Nam do sản lượng khai thác mực, bạch tuộc nội địa của Nhật ngày càng giảm trong khi nhu cầu lại tăng, nhất là đối với các sản phẩm mực, bạch tuộc ăn liền, tiện lợi với lối sống hiện đại, bận rộn, ít thời gian nấu nướng. Đây là yếu tố tác động tích cực tới xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Nhật Bản.

Hiện nay, trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3, chiếm trên 7% thị phần của thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy. Tính chung cả năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,97 tỷ USD, giảm 17,8% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam đạt 660 triệu USD, giảm 13% so với năm 2022. Tuy chưa thoát đà tăng trưởng âm, nhưng xuất khẩu mực, bạch tuộc ghi nhận mức giảm nhẹ hơn so với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực khác.

Dự kiến xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Hàn Quốc - thị trường xuất khẩu lớn nhất sẽ tiếp tục tăng trưởng dương trong thời gian tới khi lệnh cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản vào Trung Quốc vẫn chưa được dỡ bỏ.

Trước những biến động của thị trường VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần và khả quan hơn vào nửa cuối năm 2024. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường của các doanh nghiệp sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản hồi phục trở lại mức 9,5-10 tỷ USD năm 2024. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản dự báo thu về khoảng 3,6-3,8 tỷ USD.

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên