Hàng nghìn taxi điện sắp hoạt động: Cần tính toán kỹ
Trong tuần qua, hàng loạt doanh nghiệp (DN) taxi tại Hà Nội và nhà cung cấp ô tô đã đưa ra kế hoạch đưa taxi điện vào hoạt động thay thế dần xe chạy xăng. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện Hà Nội không cấp mới taxi nên việc đầu tư, đưa taxi điện vào hoạt động cũng cần phải tính toán kỹ.
- 28-03-2023Tỉnh duy nhất hiện có 2 nhà máy sản xuất pin xe điện VinFast hơn 10.000 tỷ đồng có tiềm năng thế nào?
- 27-03-2023Đài NHK Nhật Bản nói về VinFast và hiện tượng 'đi tắt đón đầu' trong lĩnh vực xe điện
- 19-03-2023Đề xuất dự án sản xuất xe điện được ưu đãi thuế TNDN ở mức cao
Taxi điện có kế hoạch lăn bánh từ tháng 4
Trước yêu cầu của Chính phủ về việc từng bước thay thế xe chạy xăng sang xe chạy nhiên liệu sạch theo lộ trình từ nay đến năm 2030 và tăng tính cạnh tranh, phù hợp xu thế, trong tuần qua 50 doanh nghiệp taxi trên địa bàn Hà Nội đã họp, bàn kế hoạch đầu tư, phát triển xe taxi điện.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, với xu thế phát triển của toàn cầu là ưu tiên sử dụng phương tiện sạch nhiên liệu sạch để giảm ô nhiễm môi trường, do vậy cùng với bàn thảo một số vấn đề liên quan đến hoạt động của taxi điện trên địa bàn thành phố, các DN taxi tại Hà Nội cũng đang trao đổi, tìm kiếm các đối tác sản xuất, cung cấp xe, công nghệ đảm bảo hoạt động tốt theo điều kiện, địa hình ở các đô thị lớn tại Việt Nam. Ông Hùng cho biết, “Tại hãng taxi Mai Linh, đang có một DN chuyên cung cấp, sản xuất, lắp ráp ô tô đàm phán, làm việc để chuyển giao hàng nghìn ô tô điện để hoạt động trên lĩnh vực taxi. Đây là điều kiện rất tốt để không chỉ Mai Linh mà cả các DN taxi khác nghiên cứu, thực hiện trong thời gian tới”.
Ông Nguyễn Anh Quân, Tổng Giám đốc Hãng Taxi G7 cho biết, sau nhiều năm phát triển taxi truyền thống (sử dụng nhiên liệu xăng) đã bão hòa và đang bị cạnh tranh khốc liệt với các loại hình vận tải khách công nghệ, do vậy ông đồng tình với việc các DN taxi Hà Nội triển khai chuyển đổi xe chạy xăng sang chạy điện. Theo ông Quân, việc này vừa phù hợp xu thế, vừa giúp DN taxi Hà Nội cạnh tranh sòng phẳng với các hãng vận tải khách công nghệ hiện có.
Trong tuần qua, Cty Cổ phần di chuyển xanh và thông minh (GSM) thông báo, bắt đầu từ tháng 4 họ sẽ đưa vào vận hành dịch vụ taxi điện và cho thuê ô tô, xe máy điện VinFast. Số lượng xe điện được GSM dự kiến đầu tư cho kế hoạch này là 10.000 ô tô và 100.000 xe máy điện. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, trong tuần qua, GSM đã đưa 50 chiếc ô tô taxi điện đầu tiên có cùng màu sơn chạy từ Nhà máy VinFast (Hải Phòng) về đến Hà Nội.
Tuy nhiên vấn đề ông Quân quan tâm là giá cả của xe điện, sẽ khiến thời gian thu hồi vốn của DN kéo dài, khó khăn; giá cước cũng vì thế mà đội lên hành khách khó tiếp cận, giảm sự cạnh tranh với các loại hình dịch vụ vận tải khác. Hiệp hội cần có tiếng nói chung về cơ chế cho hoạt động, mua nhập xe ô tô điện dưới 9 chỗ.
Không làm tăng số lượng xe taxi
Ủng hộ việc các DN taxi trên địa bàn Hà Nội sử dụng xe điện để thay thế xe chạy xăng, nhưng nhiều ý kiến chuyên môn cho rằng, không được làm tăng số lượng xe taxi trên địa bàn Hà Nội để tránh ùn tắc giao thông. Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, tuy là vận tải công cộng nhưng taxi đang là loại hình kinh doanh có điều kiện.
Do vậy, hoạt động ở bất kỳ địa phương nào taxi cũng phải tuân thủ quy định về quản lý của địa phương đó. Tại Hà Nội, để giảm mật độ xe trên đường, trong đó có taxi, theo quy hoạch về phát triển, quản lý taxi, thành phố đã dừng cấp phép mới số lượng xe từ năm 2014. Hiện số lượng xe taxi trên địa bàn Hà Nội đang được giữ ổn định ở mức hơn 19.000 xe trong nhiều năm nay.
Ông Liên cho rằng, nếu thành phố không gỡ “quy định” dừng gia tăng, cấp phép cho xe taxi thì việc đưa xe taxi điện vào hoạt động chỉ có thể thực hiện với các xe thay hoặc xe hết niên hạn sử dụng, với DN thành lập mới để hoạt động chở khách bằng xe ô tô điện theo hình thức taxi là không thể được.
Ngoài quy định trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, để taxi điện hoạt động được ngoài đầu tư phương tiện còn phải cần hệ thống hạ tầng rất nhiều chi phí, trong đó có các trạm sạc và mặt bằng xây trạm sạc. Do vậy, nếu phát triển xe taxi điện mà thành phố không cùng tháo gỡ các khó khăn trên thì khó mà thực hiện được.
Ngày 27/3, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, xe ô tô điện về cấu trúc, chức năng giống như ô tô chạy xăng, chỉ khác là vận hành bằng động cơ điện, do vậy sau khi làm các thủ tục với cơ quan chức năng (đăng kiểm, đăng ký) DN taxi được cấp phép vẫn đưa xe vào hoạt động bình thường theo số lượng xe đã đăng ký. Với những xe điện hoạt động theo hình thức taxi (có gắn mào) hoặc DN vận tải vừa thành lập để hoạt động theo hình thức taxi thì hiện nay thành phố chưa có chủ trương tăng số lượng xe và DN taxi mới.
Tiền phong