MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Hãy giả định không có TPP để có hành xử đúng trong vấn đề thu hút FDI"

Trong năm 2016, vốn FDI thực hiện đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9,0% so với năm 2015. Theo nhiều chuyên gia, thành tích này sẽ khó lặp lại trong năm 2017, thậm chí sẽ giảm mạnh.

TS. Nguyễn Đức Thành
TS. Nguyễn Đức Thành
Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR)
31 bài viết

Giải thích nguyên nhân vốn FDI thực hiện tăng cao đột biến trong năm 2016, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng chủ yếu do lượng vốn đăng ký lớn trong hai năm trước đó. Với mục đích hưởng lợi từ TPP, dòng vốn của các doanh nghiệp nước ngoài chảy vào Việt Nam như một làn sóng. Theo ông Thành, dù chưa bao giờ ghi nhận con số tăng cao đột biến như thế nhưng đây là điều tốt cho kinh tế Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Vũ Đình Ánh cho rằng thành quả trên còn do những nguyên nhân từ trong nước. Năm 2016, Chính phủ đã nỗ lực và tập trung hơn vào vấn đề tăng cường giải ngân FDI. Trong khi trước đây, các cơ quan chức năng thường chỉ tập trung vào vốn đăng ký.

Chiến lược thu hút FDI của Viện Nam hiện nay cũng đang hướng tới sự thay đổi cơ bản. Thay vì thu hút bằng mọi giá bằng việc tăng quy mô, Chính phủ đã chú trọng hơn rất nhiều đến chất lượng vốn đầu tư nước ngoài. Chất lượng bao gồm nhiều thành tố đa chiều như đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam, bảo vệ môi trường, khả năng giải ngân,...

Tuy nhiên, tính chung cả năm 2016, lượng vốn đăng ký mới lại chỉ đạt 15,2 tỷ USD, bằng 97,5% so với lượng vốn đăng ký năm 2015. Vốn đăng ký cấp bổ sung trong năm 2016 cũng chỉ đạt 5,8 tỷ USD và bằng 80,3% so với năm 2015. Điều này cho thấy những lo ngại của các đối tác nước ngoài khi cân nhắc lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bộc lộ rõ tính dễ tổn thương trước các cú sốc và tuyên bố ngừng TPP của tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.

Với quan điểm của VEPR, ông Thành không nghĩ TPP sẽ bị đình chỉ. Việc Mỹ rút khỏi TPP vẫn chưa diễn ra. Tất nhiên, tuyên bố của ông Trump đã khiến vốn FDI vào Việt Nam suy giảm. Điều này sẽ còn tiếp diễn và tác động nhiều đến tăng trưởng kinh tế trong năm 2017.

Vấn đề hiện nay còn phức tạp hơn khi dòng vốn đang có chiều hướng quay lại các nước phát triển. Ông Vũ Đình Ánh cho biết sự biến động của tỷ giá hối đoái và chính sách của các cường quốc lớn trên thế giới sẽ thay đổi sự luân chuyển dòng vốn. Điều đặc biệt là dòng vốn luân chuyển nước ngoài có khả năng rút khỏi các nước đang phát triển và mới nổi như Việt Nam để trở lại những quốc gia phát triển.

“Hãy giả định không có TPP để có hành xử đúng trong vấn đề thu hút FDI” – Ông Vũ Đình Ánh nói.

Theo ông Ánh, Việt Nam đã làm, đang làm và chắc chắn sẽ làm trong thời gian tới là cải thiện môi trường đầu tư. Những thay đổi trong năm 2016 là có nhưng còn chậm. Chính phủ cần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài, giữa nhà đầu tư ở khu vực nhà nước với khu vực ngoài nhà nước. Cùng với môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của quốc gia cũng cần được cải thiện. Có như vậy mới thu hút và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên