MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Hiến kế” giúp doanh nghiệp bất động sản vượt khó trong dịch COVID-19

02-05-2020 - 09:50 AM | Bất động sản

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã kiến nghị và đề xuất với Chính phủ một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản; đồng thời, phản ảnh một số vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật khi doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Về tín dụng, VNREA cho rằng cần quy định cụ thể, chi tiết danh mục hồ sơ, thủ tục để các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thực hiện việc xin hỗ trợ lãi suất theo hướng đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, không gây khó khăn cho doanh nghiệp;

Thứ hai, cần cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các dư nợ gốc và lãi kéo dài thêm một khoảng thời gian là 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn trả nợ (thay vì quy định cơ cấu lại thời gian trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn vay như Thông tư số 01/2020/TT-NHNN đang quy định).

Cuối cùng là đề nghị hỗ trợ cho vay với lãi suất 0% (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) trong suốt thời gian dịch bệnh Covid-19 và giảm 50% lãi suất cho vay (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) đến ngày liền kề sau 12 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.

Việc xác định thiệt hại của từng doanh nghiệp do dịch bệnh cho các cơ quan như hướng dẫn của Tổng cục Thuế, vừa gây khó cho các cơ quan này, vừa làm gia tăng thủ tục hành chính, tăng chi phí và thời gian của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới tính kịp thời của việc áp dụng giải pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình cấp bách.

VNREA cũng đề nghị công bố danh mục lĩnh vực kinh doanh (mã ngành) bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong đó có lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bất động sản du lịch và các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh (có doanh thu trong thời gian trước hoặc trong thời điểm công bố dịch) trong các lĩnh vực đó đều được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp thuế, mà không cần phải có xác định mức độ thiệt hại như quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, đề nghị miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng trong thời gian có dịch; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và 50% thuế giá trị gia tăng trong thời hạn 01 năm sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Gia hạn thời hạn nộp thuế TNDN cho cả quý III, IV/2020 và quý I, II/2021 như đã quy định cho quý I, II/2020 trong Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, theo đó thời gian gia hạn là 12 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế (thay vì thời gian gia hạn là 5 tháng như quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất).

Cho phép miễn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân phải nộp cho giai đoạn 6 tháng cuối năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021;

Giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất trong thời gian có dịch và 12 tháng sau khi hết dịch để đảm bảo doanh nghiệp tập trung nguồn lực phát triển dự án, kế hoạch sản xuất đủ thời gian phục hồi, tuyển dụng nhân sự, người lao động;

VNREA cũng kiến nghị gia hạn nộp thuế đối với các loại thuế: thuế GTGT khâu nhập khẩu linh kiện phục vụ sản xuất, thuế Nhập khẩu, thuế Nhà thầu nước ngoài, thuế Thu nhập cá nhân, thuế Tiêu thụ đặc biệt và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Đồng thời, đề nghị điều chỉnh thời hạn gia hạn nộp thuế lên 12 tháng thay vì 5 tháng do ảnh hưởng của đại dịch dự kiến sẽ kéo dài.

Cuối cùng là giảm tiền thuê đất năm 2020 và 2021 cho các doanh nghiệp.

Về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, ngày 17/3/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành công văn số 860/BHXH-BT về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo nội dung của công văn trên, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể được đề nghị tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6/2020. Tuy nhiên, VNREA cho hay để giảm tải chi phí và khó khăn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn này, doanh nghiệp đề xuất cho các doanh nghiệp được tạm dừng đóng tất các các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động  và thời gian tạm dừng đến hết tháng 12/2020.

Về tiền ký quỹ dự án đầu tư: Theo quy định của Luật đầu tư năm 2014, ký quỹ là một biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện dự án đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư phải ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Mức ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án từ 1 - 3% vốn đầu tư của dự án căn cứ vào quy mô, tính chất và tiến độ thực hiện của từng dự án cụ thể.

VNREA nhận thấy, mức ký quỹ này trên thực tế là rất lớn, gây khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp thực hiện dự án, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Vì vậy, thực hiện tinh thần của Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc "giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh", bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng, thuế và bảo hiểm xã hội nêu trên, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép các Nhà đầu tư chậm nộp tiền ký quỹ để đảm bảo thực hiện các Dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19.

Về Quỹ đất đối ứng để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng chuyển giao (BT), VNREA nhận thấy còn tồn tại bất cập khi thực hiện khoản 3 Điều 5 Nghị định số 63/2018 ngày 04/05/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Do đó, VNREA kiến nghị cần sửa đổi Luật Đầu tư, cụ thể, khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã chọn doanh nghiệp là nhà đầu tư dự án BT thì xác định luôn doanh nghiệp đó là nhà đầu tư dự án trên quỹ đất dự kiến làm tài sản thanh toán cho nhà đầu tư và khi đủ một số điều kiện nhất định cho phép Nhà đầu tư song song với việc triển khai dự án BT được phép thực hiện các thủ tục đầu tư cho dự án trên quỹ đất dự kiến làm tài sản thanh toán cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, tại văn bản kiến nghị, VNREA cho hay, trong thời gian vừa qua, VNREA đã có nhiều công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét, tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế, chồng chéo của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như: pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, nhà ở và bất động sản đang gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu sửa đổi theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, một số các quy định chưa được sửa đổi hoặc đang trong quy trình sửa đổi.

Trước những nội dung đã trình bày, VNREA kiến nghị Thủ tướng, các Bộ, ngành liên quan sớm xem xét giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc để giúp các doanh nghiệp mau chóng vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.

Lan Nhi

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên