MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Hoa sữa" và những mảnh đời yếu thế

25-01-2019 - 16:01 PM | Sống

Được thành lập từ tâm huyết của Nhà giáo ưu tú Phạm Thị Vy sau 25 hoạt động, Trường Trung cấp Kinh tế-Du lịch Hoa Sữa (Hà Nội) đã thắp lửa ước mơ cho hơn 8.000 học sinh nghèo, khuyết tật, mồ côi… trên khắp mọi miền cả nước.

"Viên gạch hồng" giữa Thủ đô

Năm 1994, Nhà giáo Ưu tú Phạm Thị Vy cùng một số nhà giáo, trí thức ở Hà Nội đã xây dựng nên Trường Nữ công tư thục Hoa Sữa. Đặc biệt, với sự giúp đỡ của bà Song Thư Bideaux Nguyễn (một Việt kiều Pháp), Trường Hoa Sữa đã đưa 3 nghề: Nấu ăn Âu, phục vụ bàn, bánh mì-bánh ngọt Pháp vào đào tạo một cách bài bản.

Ngôi trường hoạt động với sứ mệnh giúp các thanh niên khuyết tật, thanh niên yếu thế (mồ côi, dân tộc, nghèo, con thương binh liệt sĩ…) trên khắp cả nước có cơ hội học nghề, tạo dựng cuộc sống độc lập, bình đẳng và được coi trọng trong xã hội. Vì vậy, việc tuyển sinh và đào tạo của trường Hoa Sữa cũng rất đặc thù, thậm chí có lúc đi ngược lại quy luật bình thường để có cách ứng xử phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Với những người khuyết tật, không có cách ứng xử chung vì mỗi người một cá tính và nhận thức khác nhau nên việc đào tạo cũng phải rất linh hoạt: Thời gian đào tạo nghề dài, tỉ mỉ, lặp đi lặp lại nhiều lần. Tthậm chí, học viên nào khả năng tiếp thu chậm thì đào tạo dài hơn nữa, khi nào thành thạo nghề thì mới tốt nghiệp.

Đặc biệt, nhà trường không từ chối bất kỳ học sinh nào, dù có khiếm khuyết, chậm chạp đến đâu cũng tìm mọi cách để dạy nghề cho các em. Đối tượng nào có khả năng thì sẽ hỗ trợ ngay để các em sớm được học và có việc làm.

Hoa sữa và những mảnh đời yếu thế - Ảnh 1.

Về vấn đề chuyên môn, trường Hoa Sữa chủ trương xây dựng một chương trình đào tạo chất lượng, chú trọng đến việc thực hành, lấy người học làm trung tâm và đáp ứng được yêu cầu xã hội. Ngoài việc đảm bảo "bộ khung" của giáo dục đào tạo trong nước, nhà trường cũng tham khảo thêm những chương trình đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới.

Nhà trường khéo léo lồng ghép các kỹ thuật đào tạo nghề tiêu chuẩn của quốc gia, quốc tế trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Chính vì vậy 100% học viên của Hoa Sữa sau khi tốt nghiệp đều có việc làm, đảm bảo được cuộc sống ổn định. Rất nhiều học sinh của trường nay trở thành chủ doanh nghiệp hoặc có vị trí cao trong các khách sạn, nhà hàng lớn ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai và nhiều tỉnh thành khác…. Có những học sinh ở lại trường trở thành các nhà giáo tâm huyết.

Với những nỗ lực bền bỉ không mệt mỏi, đến nay trải qua 25 năm hoạt động Hoa sữa đã đào tạo, dạy nghề và giới thiệu việc làm miễn phí cho hơn 12.000 học sinh, trong số này có tới hơn 8.000 học sinh là đối tượng yếu thế (thuộc hộ nghèo, mồ côi, dân tộc, khuyết tật, con thương binh liệt sĩ…). Điều đáng mừng là đa phần các em đã trụ lại được với nghề và phát triển tốt với mức thu nhập khá.

Ngoài ra, nhà trường còn hỗ trợ chi phí đào tạo, ăn ở cho hàng nghìn đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác từ 50%, 75% đến 100% với các nghề may-thêu, kỹ thuật chế biến món ăn Âu-Á, nghề làm bánh mì-bánh ngọt, nghiệp vụ lưu trú…

Trong đó, nhà trường miễn phí hoàn toàn với đối tượng học sinh nghèo, mồ côi cha mẹ không nơi nương tựa, học sinh dân tộc thiểu số, con liệt sĩ, con nạn nhân chất độc da cam, con của gia đình có bố mẹ khuyết tật, bố mẹ ly hôn không nơi nương tựa hoặc ở với ông bà nhưng khó khăn về kinh tế…

"Vượt sóng" trước cơm áo, gạo tiền

Bà Lê Thị Kim Phượng, Hiệu phó trường Trung cấp Kinh tế-Du lịch Hoa Sữa chia sẻ: "Bác Vy giờ đã nghỉ, không còn là hiệu trưởng nhưng những nền móng mà bác và các sáng lập viên đã đặt sẽ mãi là tôn chỉ, mục đích để những thế hệ sau này của trường thực hiện".

Trong đó, sứ mệnh không thay đổi là việc lấy việc đào tạo nghề, tạo việc làm và thu nhập cho người yếu thế và khuyết tật làm trung tâm cho mọi hoạt động của mái nhà chung Hoa Sữa. Các em không chỉ được trang bị kỹ năng về ngôn ngữ, được tạo điều kiện học nghề mà còn được hỗ trợ các dụng cụ thể thao để luyện tập góp phần nâng cao sức khỏe.

Để có thể thực hiện được sứ mệnh đó Trường cũng trải qua không ít thăng trầm. Có những giai đoạn vô cùng khó khăn, khủng hoảng, tưởng không thể vượt qua. Có những lúc đã có người đánh tiếng muốn cổ phần với trường…. "Thế nhưng, nhìn lại tâm huyết hơn 10 năm gây dựng của các bác Vy, nhìn tụi nhỏ bị khuyết tật vẫn cần mẫn, tỉ mỉ bên khung thêu, máy may, chúng tôi lại quyết tâm "vượt sóng" để thực hiện được sứ mệnh mà Hoa sữa đã đặt ra", bà Phượng chia sẻ.

Hoa sữa và những mảnh đời yếu thế - Ảnh 2.

Vị hiệu phó này bổ sung: "Người ngoài nếu không hiểu sẽ nói chúng tôi ngoa khi dùng từ "vượt sóng" nhưng đúng thật có giai đoạn trường rơi vào bế tắc vì cả trường mấy trăm con người mà thu không bù được chi, nợ tiền nhà cung cấp… Trong khi đó phần lớn học sinh là diện đào tạo miễn phí và được học bổng toàn phần", – bà Lê Thị Kim Phượng chia sẻ.

Không thể mãi trông chờ vào nguồn tài trợ, muốn giúp được người khác trước hết bản thân mình phải "đủ no". Chính vì vậy, từ năm 2006 trường bắt đầu mở thêm hệ đào tạo theo nhu cầu. Tiếng là hệ đào tạo có thu phí nhưng mức phí trường thu khá thấp. Đặc biệt dù là hệ theo nhu cầu nhưng 100% học sinh khi học xong vẫn được Nhà trường giới thiệu việc làm miễn phí.

"Bên cạnh việc mở hệ đào tạo theo nhu cầu, Nhà trường cũng tiến hành nhiều dịch vụ khác như: bán bánh, mở nhà hàng thực hành, phục vụ tour – tiệc, bán sản phẩm thực hành may của học sinh khuyết tật… vừa tăng thêm thu nhập , mà quan trọng tạo là tạo được môi trường để học sinh các nghề được rèn kỹ năng – thực hành" – bà Lê Kim Phượng kể.

Dù đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng, song cô Lê Kim Phượng cho biết, hiện nay cả trường có hơn 500 em học sinh thì trong số này có tới 50% em thuộc diện đào tạo miễn phí. "Sức ép về nguồn kinh phí khá lớn song với mục tiêu không để các con phải thiệt thòi, phải học trong môi trường thiếu thốn nên hiện nay một bộ phận cán bộ nhân viên của trường vẫn bị nợ lương. Bản thân tôi trường cũng đang nợ 2 tháng lương", bà Phượng cười khi chia sẻ về khó khăn của trường.


Lan Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên