MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HSBC: "Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn bao giờ hết"

Bức tranh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 9 tháng đầu năm sáng lên cho dù dự báo tăng trưởng kinh tế không được như kỳ vọng, được HSBC nhận định Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất.

Báo cáo nhận định của HSBC về kinh tế vĩ mô vừa được đưa ra đánh giá sản xuất và xuất khẩu tiếp tục là hai điểm sáng của nền kinh tế, phản ánh năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn được duy trì.

Chỉ số PMI cho thấy lĩnh vực sản xuất đã tiếp tục tăng trưởng tháng thứ tám liên tiếp trong bối cảnh một số nước châu Á và hầu hết các nền kinh tế phương Tây đang phải vật lộn để có mức tăng trưởng. Theo đó, chỉ số PMI của ngành sản xuất đã tăng lên 52,2 điểm từ 51,9 điểm của tháng trước.

Nhu cầu nước ngoài tiếp tục duy trì ở mức cao trong tháng 8 khi xuất khẩu trong tháng tăng 8,0% so với cùng kỳ năm ngoái (từ đầu năm đến nay tăng 5,5% so với cùng kỳ) và nhập khẩu tăng 8,2% so với cùng kỳ (từ đầu năm đến nay giảm 0,3% so với cùng kỳ).

Với cả nhập khẩu và xuất khẩu, các lĩnh vực có vốn đầu tư nước ngoài có mức tăng trưởng mạnh hơn các lĩnh vực trong nước, giúp thặng dư thương mại tháng 8 gia tăng 572,5 triệu USD (từ đầu năm đến nay là USD2,87 tỷ).

Đáng chú ý, nguồn vốn FDI cũng tiếp tục chảy đều đặn vào nền kinh tế. Từ đầu năm đến tháng 8, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã đạt 9,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015. Các lĩnh vực sản xuất và chế biến thu hút dòng vốn FDI lớn nhất chiếm 73% trong tổng số, tiếp theo là bất động sản chiếm 6% và lĩnh vực khoa học và công nghệ chiếm 4,3%.

HSBC cho rằng mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang gặp rất nhiều khó khăn, song nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa của Việt Nam vẫn khá lớn. Đặc biệt là việc tăng trưởng ấn tượng của dòng vốn FDI đã cho thấy, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2016 dưới 5% khi tháng 9 ghi nhận chỉ số lạm phát ở mức 3,3% và có nhiều yếu tố tiềm ẩn. Đó là những diễn biến bất lợi của thời tiết có thể đẩy giá thực phẩm lên cao; giá xăng tăng trở lại cũng có thể châm ngòi cho lạm phát; hoặc việc điều chỉnh một số chi phí dịch vụ quan trọng như y tế, giáo dục…

Mặc dù có nhiều thách thức đặt ra song HSBC cho rằng có nhiều yếu tố tích cực tác động đến kinh tế. Đó là việc Chính phủ đặt trọng tâm vào cải cách cơ cấu kinh tế, nếu được thực hiện có hiệu quả, sẽ đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của Việt Nam hơn bao giờ hết.

“Việt Nam đã cải cách quy trình tư nhân hóa, cổ phần hóa với sự minh bạch cao hơn về giá. Việc tiếp tục loại bỏ dần những hạn chế về sở hữu nước ngoài đối với các công ty niêm yết cũng sẽ kích thích cho thị trường. Đặc biệt, sản xuất vẫn đang là lĩnh vực vô cùng quan trọng tại Việt Nam vì đang nhận dòng vốn FDI nhiều nhất” – HSBC nhận định.

Những băn khoăn của Việt Nam với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đặt ra trong thời gian gần đây khi có ý kiến nên trì hoãn phê chuẩn thỏa thuận TPP. Tuy nhiên, HSBC cho rằng bất kể số phận của thỏa thuận TPP như thế nào, Việt Nam vẫn đang vươn lên phía trước với kế hoạch cắt giảm thuế và loại bỏ bớt những rào cản cho các doanh nghiệp để giúp họ có thêm năng lực cạnh tranh trên trường thế giới.

M. Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên