MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Huế giàu tiềm năng để đạt "tham vọng" thành trung tâm du lịch châu Á

Với nhiều "gia tài" vô giá, Thừa Thiên - Huế tự tin để trở thành trung tâm văn hóa - du lịch lớn của Việt Nam, khu vực và châu Á.

Trong những ngày này, chính quyền và người dân tỉnh Thừa Thiên – Huế rất chờ đợi đến giờ phút Quốc hội đưa ra quyết định thành lập TP Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở địa giới hành chính của tỉnh hiện tại. Nếu được thông qua thì đây là mục tiêu rất quan trọng của Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra, được địa phương hoàn thành.

Ngành du lịch giàu tiềm năng

Nghị quyết 54-NQ/TW còn đưa ra mục tiêu đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu… Tầm nhìn đến năm 2045 là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Huế giàu tiềm năng để đạt "tham vọng" thành trung tâm du lịch châu Á- Ảnh 1.

Chương trình nghệ thuật Áo dài Huế 2024 thuộc Lễ hội mùa Thu nằm trong khuôn khổ Festival Huế 2024 là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút du khách. Ảnh: Lê Đình Hoàng.

PGS-TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam từng khẳng định rằng, Thừa Thiên - Huế có lịch sử đô thị tầm quốc gia lâu đời, có quá trình gần 4 thế kỷ kể từ lúc chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho xây dựng thủ phủ Phước Yên (1626), phố cảng Thanh Hà (1636). "Với đặc trưng là thành phố sở hữu nhiều di sản thế giới nhất trong nước và khu vực, Thừa Thiên - Huế có thế mạnh du lịch di sản. Bên cạnh đó Huế còn có nhiều thế mạnh về du lịch cảnh quan với nhiều thắng cảnh nổi tiếng như hệ đầm phá, sông nước, du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh" – PGS-TS Đỗ Bang nhìn nhận.

Tín hiệu lượng khách trong 9 tháng

Trong 9 tháng đầu năm 2024 lượt khách lưu trú gần 1,6 triệu (tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2023), đạt hơn 75% so với kế hoạch đề ra; doanh thu từ du lịch đạt hơn 77% so với chỉ tiêu. Trong đó, thị trường khách đến từ Tây Âu đã có dấu hiệu phục hồi tốt hơn so với năm 2023; khách nội địa bùng nổ vào các kỳ nghỉ lễ.

Những kết quả này đang góp phần sớm hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế ngày 24-5-2021 về Xây dựng Thừa Thiên - Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đưa ra.

Nói về lợi thế phát triển du lịch, chắc chắn mọi người đều khẳng định rằng thế mạnh của Huế từng là cố đô của Việt Nam; là vùng đất mang đậm những giá trị lịch sử, văn hóa và còn lưu giữ những giá trị nghệ thuật truyền thống độc đáo, quý giá, mang tính đặc trưng. Nơi đây có nguồn tài nguyên du lịch dồi dào với nhiều di tích văn hóa, di tích lịch sử, trong đó có 8 di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu đã được UNESCO công nhận.

Thừa Thiên - Huế cũng là nơi tập trung các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng; là vùng đất tập trung nhiều cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, đình chùa,... mang giá trị kiến trúc độc đáo, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Đây cũng là nơi lưu giữ những giá trị nghệ thuật ẩm thực với gần 1.700 món ăn cung đình và dân gian độc đáo, hấp dẫn. Huế còn có nhiều làng nghề truyền thống và lưu giữ được nhiều nhà vườn, phố cổ mang nét đặc trưng của vùng đất cố đô. Ngoài ra, Huế được tôn vinh là thành phố của lễ hội, thành phố Festival của Việt Nam với trên 500 lễ hội, gồm các lễ hội cung đình, dân gian, truyền thống, tôn giáo và nhiều lễ hội khác...

Huế giàu tiềm năng để đạt "tham vọng" thành trung tâm du lịch châu Á- Ảnh 2.

Rú Chá nằm bên phá Tam Giang - Cầu Hai là một tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: Lê Đình Hoàng.

Bên cạnh các lợi thế trên, theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, địa phương này còn là nơi hội tụ các tiềm năng thế mạnh về biển khi sở hữu chiều dài bờ biển 127 km cùng hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Đặc biệt có vịnh biển Lăng Cô là thành viên Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới từ năm 2009. Nơi đây dường như là địa điểm hội tụ tất cả những gì hoàn mỹ nhất, từ núi non hùng vĩ, bãi cát mịn trải dài, cho đến nước biển xanh mênh mông và nắng vàng ấm áp…

"Với những "gia tài" vô giá nói trên, Thừa Thiên - Huế được xác định là trung tâm văn hóa - du lịch lớn của Việt Nam và khu vực. Những năm qua, tỉnh đã tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản, xây dựng địa phương xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng xanh và bền vững" – ông Phúc khẳng định.

Nhiều giải pháp phát triển du lịch

Để thực sự đạt được mục tiêu như Nghị quyết 54-NQ/TW, ông Phúc cho biết trong thời gian qua ngành du lịch đã có nhiều động thái như tham mưu UBND tỉnh cùng với các ngành có liên quan tập trung quảng bá tiềm năng, lợi thế và có các chính sách thuận lợi nhất để thu hút những doanh nghiệp, tập đoàn lớn, những thương hiệu du lịch hàng đầu đến Huế tìm hiểu đầu tư.

Huế giàu tiềm năng để đạt "tham vọng" thành trung tâm du lịch châu Á- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Phúc (thứ 2 từ phải qua) trong chương trình giới thiệu du lịch Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam tại Melbourne - Australia năm 2024.

Đặc biệt chú trọng quảng bá các lợi thế, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến nghiên cứu đầu tư các dự án du lịch. Trong đó phát triển các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe theo các mô hình thực sự đẳng cấp nhằm tạo thương hiệu khác biệt cho hình thức du lịch này.

Cùng với đó là tạo mọi điều kiện thông thoáng, thuận lợi trong đầu tư phát triển du lịch; hỗ trợ cho các doanh nghiệp nỗ lực đưa du khách đến địa phương, hướng tới việc cùng phát triển, cùng thịnh vượng, để Thừa Thiên - Huế không chỉ là nơi đáng để sống mà còn là nơi đáng để đến của các nhà đầu tư; là điểm danh thắng và ẩm thực đặc sắc của Việt Nam và khu vực mà du khách nên đến khám phá, trải nghiệm.

"Để nâng cao sức cạnh tranh du lịch, chúng tôi tiếp tục tập trung và phát triển chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ mang tính đặc trưng, đẳng cấp. Trong đó, tập trung xây dựng bộ sản phẩm mang thương hiệu "Huế - Kinh đô lễ hội", "Huế - Kinh đô áo dài", "Huế - Kinh đô ẩm thực" của Việt Nam. Xây dựng thêm một số sản phẩm gắn với nghệ thuật biểu diễn truyền thống và đương đại, trải nghiệm ẩm thực, du lịch mạo hiểm, thể thao" – ông Phúc nhấn mạnh.

Để xứng đáng là thành phố Festival của Việt Nam, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ phối hợp với ngành văn hóa cùng các ngành khác để nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong tổ chức các hoạt động văn hóa lễ hội, nhất là các kỳ Festival Huế nhằm gắn phát triển văn hóa với du lịch.

Theo Quang Nhật

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên